Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:53 (GMT +7)
Loạt chiêu trò lừa đảo online đầu năm học
Thứ 6, 15/09/2023 | 10:07:51 [GMT +7] A A
Đầu năm học là thời điểm mà các chiêu trò lừa đảo online nhắm vào tân sinh viên bắt đầu "nở rộ". Với nhiều chiêu thức tinh vi, các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản, đánh cắp thông tin cá nhân của sinh viên.
Dẫn dụ bằng nhiều chiêu thức
Nguyễn Phương Trang (sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) cho biết, từng đọc được rất nhiều vụ lừa đảo với chiêu thức như nạp tiền để nhận tiền, làm nhiệm vụ online để nhận tiền... nên em luôn đề cao cảnh giác. Em chưa từng nghĩ rằng, mình sẽ bị lừa đảo với một chiêu thức tinh vi hơn.
Đầu tháng 9, Trang đăng tải một bài viết lên hội nhóm dịch thuật để tìm công việc làm thêm. Sau đó, em được một người liên hệ qua Facebook. Người này gửi cho em đường link Telegram và yêu cầu em tham gia nhóm để được giao việc trên nền tảng này.
Khi vào nhóm Telegram, Trang cảm thấy tin tưởng vì đọc được rất nhiều tin nhắn trong nhóm cho biết đã nhận được tiền lương sau khi hoàn thành việc dịch thuật. Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu Trang nạp tiền vào các website do chúng gửi để được phân công công việc.
“Sau khi nạp 500.000 đồng, em nhận ra mình đã bị cho ra khỏi nhóm. Đối tượng liên lạc với em ban đầu cũng đã chặn Facebook của em” - Trang nói.
Trong khi đó sinh viên Hoàng Long bị lừa tiền sau khi hoàn thành nhiệm vụ “cày view” cho các video trên YouTube. Ban đầu, đối tượng chỉ yêu cầu Long lập tài khoản và hoàn thành đủ 9-11 nhiệm vụ/ngày là sẽ được nhận tiền. Nếu chăm chỉ, Long có thể kiếm được từ 300.000-400.000 đồng/ ngày. Long tin tưởng vì chỉ cần xem video có thể nhận tiền, thêm vào đó cũng không phải đóng bất kỳ khoản phí nào trước khi bắt đầu công việc này.
Sau 2 tuần làm việc miệt mài, Long được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để làm hồ sơ trả lương.
“Tiếp đó, em được thêm vào nhóm có 5 bạn cộng tác viên khác. Họ yêu cầu chúng em đóng 1 triệu đồng phí hồ sơ. Sau khi đóng xong, em mới biết mình bị lừa” - Long nói.
Nhiều trường đại học lên tiếng cảnh báo
Không chỉ lừa đảo “nhỏ lẻ” từng sinh viên, hiện nhiều đối tượng còn mạo danh các trường đại học để gửi thông báo đóng tiền lệ phí, giới thiệu việc làm đến các sinh viên hòng chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Đại học FPT đã cảnh báo các sinh viên về việc các đối tượng mạo danh trường này để lừa đảo phí quân sự. Cụ thể, một số sinh viên của Đại học FPT nhận được thông báo đến từ email: phonghotrosinhvien quansudhfpt@gmail.com để hướng dẫn đóng các khoản “chi phí Quân sự Đại học FPT”. Tuy nhiên, nhà trường khẳng định, email này không phải kênh thông tin chính thức của Đại học FPT.
“Đây là đối tượng mạo danh Đại học FPT nhằm lừa đảo, trục lợi” - thông báo viết.
Đại học FPT lưu ý sinh viên, sau khi có mã sinh viên sẽ không sử dụng kênh chuyển khoản để nộp tiền, mà chỉ sử dụng kênh thanh toán từ cổng thanh toán của nhà trường.
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng từng phát thông báo cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên mạng. Cụ thể, nhiều tân sinh viên của trường có tham gia các nhóm Facebook, Messenger, Zalo nhằm làm quen bạn bè và trao đổi thảo luận về năm học tới.
Cũng trong nhóm này, các đối tượng đã mạo danh nhà trường để giới thiệu các khóa học tiếng Anh đầu vào miễn phí, giới thiệu việc làm, học ngoại ngữ để du học... Ban tuyển sinh trường còn phát hiện một số nhóm có tình trạng các admin lấy thông tin cá nhân nhằm các mục đích không tốt. Vậy nên, nhà trường lưu ý để các thí sinh biết, tránh tình trạng bị lôi kéo, lừa đảo.
Thống kê của Cục An toàn thông tin cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Bộ Công an cho biết, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng...
|
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()