Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:21 (GMT +7)
Lợi ích thiết thực từ khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip
Thứ 5, 02/02/2023 | 08:55:00 [GMT +7] A A
Sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là một bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính. Những thuận lợi đem lại cho người dân cùng những tiện ích mới đã và đang từng bước được nâng cấp. Đây là minh chứng sinh động, cụ thể cho nỗ lực chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong năm qua.
Bảo đảm độ chính xác, thuận tiện
Đó là nhận định của Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam Nguyễn Hoàng Phương. Việc người dân sử dụng CCCD gắn chip đi khám, chữa bệnh BHYT là một trong những minh chứng sinh động cho thấy, hiệu quả triển khai Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) của ngành BHXH.
Là một trong những đơn vị rất chủ động trong việc triển khai tiện ích này, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng vào thời điểm tháng 9.2022 trung bình mỗi ngày có khoảng 700 lượt người đến khám, chữa bệnh BHYT, nhưng chỉ có khoảng 100 lượt người sử dụng CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VssID để làm thủ tục khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 tháng sau, theo đại diện bệnh viện, tỷ lệ người bệnh sử dụng CCCD gắn chip để đăng ký khám, chữa bệnh đã đạt khoảng 80%.
Giải thích về con số trên, đại diện của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng cho biết, nếu bệnh nhân đến khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ BHYT in giấy, cán bộ tiếp nhận sẽ tra cứu thêm thông tin về CCCD. Trường hợp bệnh nhân có mã số CCCD và đáp ứng yêu cầu về đồng bộ dữ liệu, cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn chi tiết việc khám, chữa bệnh bằng CCCD trong lần sau. Đến nay, đã có rất đông bệnh nhân dần quen với việc làm thủ tục khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chip.
“Từ rất sớm, đơn vị đã chủ động bố trí cơ sở vật chất để có thể tiếp đón, làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT trong các trường hợp. Người dân sử dụng thẻ BHYT giấy, CCCD gắn chip hay ứng dụng VssID đều được hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất” - Giám đốc điều hành bệnh viện Nguyễn Thanh Hồi chia sẻ.
Tương tự với tỉnh Thanh Hóa, việc sử dụng CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT giấy nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cơ sở ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT và người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Hóa, mỗi ngày, tiếp nhận khoảng 500 người đến khám, chữa bệnh. Từ khi triển khai tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip đã giúp cho nhân viên bộ phận tiếp nhận tiết kiệm được thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh, người dân cũng không còn phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Hóa Lê Tiến Toàn, sau khi triển khai tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip, công việc của bệnh viện thuận lợi hơn rất nhiều. Cả người dân và bệnh viện đều tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm giấy tờ thủ tục. Nhờ đó, bảo đảm được tính nhanh chóng, thuận tiện, góp phần giúp chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao.
Phát huy hiệu quả khám, chữa bệnh
Theo thống kê của Trung tâm Công nghệ thông tin, hiện toàn quốc đã có trên 12.000 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt khoảng 95%). Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi, tỷ lệ các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai đạt rất cao. Có thể kể đến như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình... đều đã đạt 100%. Tương tự, khu vực Tây Nam Bộ cũng có nhiều địa phương đạt tỷ lệ 100% như Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau…
Có thể thấy, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, song để đáp ứng yêu cầu đề ra, ngành BHXH Việt Nam đã phải triển khai đồng bộ hàng loạt công việc. Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Nguyễn Hoàng Phương cho biết, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, để triển khai thí điểm thành công, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip; đồng bộ số CCCD từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư với dữ liệu người tham gia BHYT do BHXH Việt Nam quản lý.
Tính đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực trên 71 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư. Riêng số người đang tham gia BHXH, BHYT, thì số được xác thực chiếm 71%. Toàn ngành cũng nỗ lực, cố gắng để hết năm 2022 sẽ bổ sung, cập nhật để đạt tỷ lệ xác thực tối thiểu 90% người tham gia.
“Việc khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip bước đầu đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho cả người bệnh và các cơ sở khám, chữa bệnh; góp phần khắc phục những hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục, thời gian chờ đợi của người bệnh; đồng thời minh bạch thông tin, tránh gian lận, trục lợi trong khám, chữa bệnh BHYT” - Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhận xét.
Tiếp tục triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam cùng Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc tích hợp trên CCCD gắn chip và trên dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư để thay thế thẻ BHYT giấy trong khám, chữa bệnh; hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng - hưởng các chế độ BHXH, BHYT.
Được biết, BHXH Việt Nam đã nâng cấp, điều chỉnh Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống giám định BHYT và phần mềm tiếp nhận - quản lý hồ sơ để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc. Triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh BHYT tại Quảng Bình (Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới) và Hà Nội (Bệnh viện An Việt), triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” Văn phòng BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo daibieunhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()