Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:36 (GMT +7)
Lợi ích từ số hoá tài liệu
Thứ 7, 11/09/2021 | 13:20:13 [GMT +7] A A
Số hóa tài liệu thư viện là quá trình chuyển đổi tài liệu từ dạng truyền thống sang dạng điện tử và lưu trên máy tính, nhằm bảo quản, chia sẻ và phục vụ trực tuyến. Cách làm này mang lại đồng thời nhiều lợi ích, nhất là đối với người sử dụng thư viện có thể dễ dàng sử dụng các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh để tìm kiếm, truy cập, sử dụng tri thức một cách rộng rãi, nhanh gọn.
Ngoài ra, các tài liệu cổ, quý hiếm, sau khi đã được số hóa, hiện vật bản gốc được bảo quản lâu dài, ít bị tác động gây hư hại từ con người và môi trường, vừa phục vụ tốt công tác phục chế để tăng tuổi thọ cho tài liệu, vừa giúp bạn đọc vẫn có thể nghiên cứu, khai thác thông tin của những tài liệu cổ nếu có nhu cầu.
Tại Văn bản số 2249/BVHTTDL-TV ngày 28/6/2021, Bộ VH-TT&DL yêu cầu các địa phương chỉ đạo hệ thống thư viện trên địa bàn hoạt động trên tinh thần linh hoạt, sáng tạo, vừa bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức và hỗ trợ việc học tập của người dân. Trong đó, bao gồm giải pháp đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thư viện theo hướng đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số thông qua không gian mạng phục vụ người sử dụng. Về lâu dài, việc xây dựng hệ thống thư viện điện tử cũng được Chính phủ phê duyệt trong Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2025: 100% thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện đại học, thư viện chuyên ngành có trang thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ trực tuyến; 70% tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, các công trình nghiên cứu khoa học... được số hóa; 100% người làm công tác thư viện được đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại... Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại.
Tại Quảng Ninh, Thư viện tỉnh là một trong số những đơn vị dẫn đầu trong công tác ứng dụng KHCN, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Đến nay, Thư viện tỉnh đã số hóa 359 file, hơn 100.000 trang tài liệu địa chí về Quảng Ninh; duy trì hoạt động của thư viện số với trên 1,5 triệu tài liệu thuộc nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, bạn đọc có thể kết nối tới hệ thống thư viện số qua địa chỉ http://thuvienso.thuvienquangninh.org.vn/, để truy cập vào số lượng lớn tài liệu mong muốn. Bao gồm các bản luận văn, luận án sau đại học, công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình kỹ năng mềm... cho tới tư liệu học tập cho tất cả môn học của các cấp từ mầm non tới đại học.
Việc đa dạng hóa các tài liệu số hóa cũng đang được quan tâm. Hiện nay, Thư viện tỉnh bước đầu xây dựng công trình “Tủ sách Văn hiến Quảng Ninh”. Qua rà soát tài liệu hiện có, Thư viện tỉnh đã sưu tầm và số hóa được hơn 600 bản, gần 200.000 trang tài liệu thuộc các lĩnh vực chính trị, lịch sử, địa lý, văn học... viết về Quảng Ninh. Phạm vi tìm kiếm nguồn, thu thập tài liệu đang tiếp tục được đẩy mạnh trong toàn tỉnh và các cơ quan lưu trữ quốc gia.
Các tài liệu được chuyển lên nền tảng số còn thuận lợi cho cả quá trình chia sẻ dữ liệu của “Tủ sách Văn hiến Quảng Ninh” đến các thư viện cơ sở, thư viện trường học trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ bạn đọc các vùng miền, mọi lứa tuổi. Qua đó, giúp Thư viện tỉnh hướng tới trở thành trung tâm về thông tin nghiên cứu toàn diện về Quảng Ninh.
Với sự phát triển của KHCN, việc số hóa tài liệu thư viện, xây dựng thư viện điện tử, sẽ là một phương thức hiệu quả để phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ (tại Quyết định số 206/QĐ-TTg, ngày 11/02/2021), Bộ VH,TT&DL đã có Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Kế hoạch triển khai "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đưa ra bao gồm: Tổ chức xây dựng, thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn; xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia trong hoạt động thư viện phù hợp với chương trình; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp theo định kỳ và hằng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()