Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 05:29 (GMT +7)
Lỗi không phải của... lịch sử!
Chủ nhật, 09/03/2014 | 07:08:12 [GMT +7] A A
Trong những ngày vừa qua, trên báo chí, nhất là trên các trang mạng xã hội, người ta bàn luận rất nhiều xung quanh việc học sinh được phép tự chọn một số môn thi tốt nghiệp PTTH. Trong đó, bàn luận sôi nổi nhất là chuyện môn Lịch sử bị… ế; tỷ lệ học sinh chọn thi môn Lịch sử quá thấp; thậm chí như Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), tỷ lệ này là 0%. Ở Quảng Ninh, chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn cũng không nằm ngoài tình cảnh ấy.
Thực ra, điều này hoàn toàn không bất ngờ. Việc học sinh chán học môn Lịch sử và hệ lụy là sự hiểu biết về lịch sử dân tộc (chưa nói tới lịch sử thế giới) của lớp trẻ bị hổng đến mức đáng báo động, từng được báo chí nói đến từ lâu. Nguyên nhân vì sao học sinh lại chán học Lịch sử, rất nhiều chuyên gia trong ngành đã đề cập, chúng tôi không dám “đánh trống qua cửa nhà sấm”, chỉ xin lạm bàn đôi điều, ít nhiều cũng có liên quan đến thực tế này mà thôi!
Trước hết, ai cũng nhận thức được rằng lịch sử dân tộc là niềm tự hào chính đáng của mọi người dân. Nhưng cần phân định rạch ròi giữa “lịch sử” và những gì người ta “viết về lịch sử”. Đôi khi do hạn chế khách quan mà người viết sử đã có sự nhầm lẫn... Chẳng nói đâu xa, chỉ riêng chuyện chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 mới cách đây mấy chục năm mà còn gây tranh cãi mãi mới xác định được, thì chuyện nhầm lẫn những sự việc xảy ra hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn, hàng vạn năm, chẳng có gì là lạ! Thế nhưng, dường như vẫn có một thói quen trong nếp nghĩ của nhiều người là không thích “xới xáo” lại, coi những gì đã được viết về lịch sử như một sự mặc định, chỉ cần nhớ, khỏi bàn cãi! Hay nói theo cách nói của ông Nguyễn Quốc Vương, giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc dạy và học lịch sử trong các trường phổ thông hiện nay chỉ giống như một “trò chơi trí nhớ”... Thay vì khơi gợi, khích lệ học sinh khám phá, tìm hiểu một cách khách quan, khoa học để làm sáng tỏ các sự kiện diễn ra trong lịch sử, người ta lại chỉ muốn các em chấp nhận những điều đã nói, đã viết như một chân lý. Với xuất phát điểm ấy, việc học sinh không hứng thú với môn Lịch sử là điều dễ hiểu…
Đấy là nói chuyện dạy sử và học sử trong các trường phổ thông. Còn nhìn ra bên ngoài, thực tế không phải không có những biểu hiện tương tự! Có những sự kiện lịch sử dẫu biết là nhầm lẫn, nhưng không hiểu vì lý do gì, người ta rất ngại đính chính! Chẳng hạn chuyện 2 cây cổ thụ ở thị xã Quảng Yên được coi là hai cây lim hơn 700 tuổi, chứng tích của rừng lim thời chống giặc Nguyên còn sót lại, đã được các nhà khoa học khẳng định chỉ là 2 cây ngoại lai, có tuổi thọ trên dưới 100 năm tuổi. Thế nhưng, cho đến nay, khi giới thiệu với khách tham quan, thậm chí là trong các chương trình ngoại khoá của học sinh, người ta vẫn coi đây là “di tích lịch sử” liên quan đến Chiến thắng Bạch Đằng thời nhà Trần(!). Hay như chuyện lăng mộ của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng có thực là ở đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) không - như ý kiến của Nhà thơ Trần Nhuận Minh có lần đã đề cập trên QNCT, cũng rất đáng để các nhà sử học xem xét, thẩm định. Thế nhưng, khi giới thiệu với khách tham quan Đền, người ta vẫn “lờ” đi chuyện đó! Rõ ràng như thế là thiếu khách quan, không tôn trọng lịch sử.
Ngoài đời đã thế thì trong trường học sao khác được!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()