Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 07:47 (GMT +7)
“Lợi thế nhân công giá rẻ”, một điều đáng xấu hổ
Chủ nhật, 13/01/2008 | 07:25:44 [GMT +7] A A
Nhân chuyện Trung Quốc vừa sửa đổi luật lao động theo hướng có lợi cho người lao động và đưa vào thực hiện từ 1.1.2008, ở ta đã có người viết trên báo cho đây là cơ hội vàng cho Việt Nam khi có thể luồng vốn đầu tư quốc tế nhanh chóng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Quả đã có những dự báo như vậy, và có thể dự báo ấy của một số nhà phân tích tài chính quốc tế là đúng, mà cũng có thể là… sai, nhưng vấn đề trở nên đáng bàn hơn khi bài báo nọ phân tích rằng lâu nay trong các vụ tranh chấp quyền lợi lao động ở Việt Nam thì luật pháp và các tòa án Việt Nam "mang tiếng" (tác giả cho vào ngoặc kép hai từ này) là thường tìm cách bảo vệ người lao động, dù sự bảo vệ đó có thể tạo ra bất công và vô lý cho các doanh nghiệp, nhất là những công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Rất tiếc, người viết không nêu dẫn chứng cụ thể về sự "bảo vệ" đó, cũng như những bất công và vô lý mà giới chủ phải chịu trong các cuộc tranh chấp.
Sự thực thì như mọi người đều biết, phần thiệt thòi trong các cuộc tranh chấp lao động thường thuộc về phía người lao động, chứ ít khi thuộc về phía chủ lao động. Vẫn biết, khi "gia cảnh còn khó khăn" và sự khao khát thu hút vốn đầu tư là có thể hiểu được, thì trong rất nhiều trường hợp, những quyền lợi chính đáng của người lao động đã bị "nhân nhượng" rất nhiều. Và phía được lợi bao giờ cũng là phía chủ. Ngay như quy định "giá sàn" tối thiểu của lương lao động trong các doanh nghiệp FDI mà không kèm theo bất cứ điều kiện ràng buộc nào, để giới chủ cứ vin vào đó trả lương ở mức thấp nhất "đúng luật" cho người lao động, khiến đời sống người lao động phải "dưới sàn" khốn khó, thì đó khó có thể hiểu là đã "bảo vệ" người lao động và làm "thiệt hại vô lý" cho giới chủ!
Trung Quốc cũng đã từng có thời kỳ khá dài phải chấp nhận những thua thiệt về phía người lao động để đạt mục đích thu hút đầu tư. Nhưng khi "lợi thế giá nhân công rẻ" đã và sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh hữu hiệu nữa, thì họ đã tiến lên một bước, sửa đổi luật lao động để có thể bảo vệ được nhiều hơn cho quyền lợi người lao động của họ. Nhất thời, quyết định ấy có thể khiến một bộ phận nguồn vốn đầu tư "khăn gói gió đưa" khỏi Trung Quốc, nhưng về lâu về dài, họ sẽ được nhiều hơn là mất. Cái họ được lớn nhất và cấp thời, là sự ủng hộ của người lao động đối với luật lao động sửa đổi này. Cái họ sẽ được tiếp theo, là hướng phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng lao động, có trình độ tay nghề cao sẽ trở thành mục tiêu phấn đấu và sẽ là lợi thế chính của họ trong cạnh tranh. Và họ sẽ thu hút đúng những nguồn vốn đầu tư mà họ cần. Đó là điều mà Việt Nam nhất thiết phải đạt tới, nếu không muốn bị tụt hậu và mất nguồn vốn đầu tư ở những lĩnh vực công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Bảo vệ quyền lợi người lao động trước các chủ doanh nghiệp trong những tranh chấp lao động không phải là chuyện ủng hộ "xe nhỏ ép xe lớn, người đi bộ ăn vạ người ngồi xe" trong những vụ vi phạm luật giao thông ở nước ta. Bây giờ không còn là thời điểm của việc "thu hút vốn đầu tư bằng bất cứ giá nào" nữa. Đã tới lúc phải có chiến lược đào tạo tay nghề một cách căn cơ cho người lao động, để họ "có một chỗ đứng dưới mặt trời" trong thị trường lao động với thu nhập ngày càng gần hơn với sức lao động và năng lực lao động họ đã bỏ ra. Vì thế, theo tôi, ta không cần phải quá "hồ hởi" trước luật lao động sửa đổi của nước láng giềng với hy vọng nguồn vốn đầu tư sẽ đổ ập vào Việt Nam. “Lợi thế nhân công giá rẻ” là điều đáng xấu hổ chứ sao lại vui mừng?
Liên kết website
Ý kiến ()