Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 18:38 (GMT +7)
Lời thì thầm trên đỉnh Khe Vằn
Thứ 2, 17/04/2023 | 07:59:44 [GMT +7] A A
19 hộ dân sống biệt lập trên đỉnh núi. Điều kiện đi lại rất khó khăn. Chính quyền đã nhiều lần vận động người dân di dời xuống vùng trung tâm xã nhưng không thành… Đó là những thông tin ban đầu chúng tôi được biết về thôn Khe Vằn (xã Húc Động, huyện Bình Liêu).
Thanh bình bản trên núi
Chúng tôi đến Khe Vằn bằng xe máy. Khe Vằn có đường đi, nhỏ thôi nhưng đã được đổ bê tông. Những chiếc xe máy số là phù hợp cho việc di chuyển trên tuyến đường này. Có điều lái xe phải thật tập trung, khi phát hiện có xe ngược chiều lập tức bấm còi, bật đèn báo hiệu, rồi tìm chỗ tránh.
Khe Vằn không phải thôn xa nhất của xã Húc Động, nhưng có lẽ là thôn cao nhất. Mất khoảng 30 phút, chúng tôi cũng đến được nhà anh Trạc Dì Dẩu, Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng thôn Khe Vằn.
Nhà anh Dẩu nằm ngay đầu thôn Khe Vằn. Đó là ngôi nhà 2 tầng ngói đỏ, tường gạch chắc chắn, diện tích sử dụng rộng, liên thông với các công trình phụ, bên trong có đủ tiện nghi ti vi, tủ lạnh, loa thùng, bộ bàn ghế salon… Anh Dẩu bảo: Mọi thứ đều được đưa lên đây bằng xe máy, kể cả vật liệu để xây nhà...
Được biết, anh Dẩu xây ngôi nhà mất 10 năm, trong đó 5 năm đầu là xây tầng 1, 5 năm sau xây tầng 2. Cùng với anh Dẩu, 18 hộ gia đình còn lại của Khe Vằn đều có thời gian xây nhà dài kỷ lục.
100% hộ dân thôn Khe Vằn đều là người dân tộc Dao Thanh Phán, chủ yếu thuộc 3 họ Chíu, Chìu, Trạc, vốn là có liên hệ họ hàng với nhau. Họ có mặt trên đỉnh núi Khe Vằn từ trước khi anh Dẩu ra đời, khi đó gọi là bản Khe Vằn. Người già nhất còn sống đã gần 100 tuổi, cũng là người được sinh ra tại đây.
Nhiều đời sống quần tụ, người sống không muốn xuống núi, khi chết thì an táng ở những dãy núi sau nhà. Điều đó lý giải vì sao rất nhiều năm qua hầu như không có hộ dân Khe Vằn nào chuyển đi nơi khác sinh sống, mà chỉ có trai gái Khe Vằn đến tuổi trưởng thành đi tìm vợ, tìm chồng từ nơi khác về Khe Vằn sinh cơ, lập nghiệp.
Đời sống của người dân Khe Vằn nếu so với nhiều thôn bản miền núi của Quảng Ninh mà nói thì ở mức khá giả. Thôn không có hộ nghèo. Hộ bà Chíu Nhì Múi chồng đã mất, ở với con trai, gọi là hộ khó khăn của thôn, song trong nhà bà cũng không thiếu những thiết bị nghe nhìn hiện đại, thu nhập của 2 mẹ con bà Múi mỗi năm trên 100 triệu đồng, đều từ rừng, từ ruộng mà ra.
Vị trí khu dân cư Khe Vằn thuận lợi để sản xuất, chỉ bước lên vài bước là rừng, bước xuống vài bước là ruộng. Đất rừng rộng lớn, phù hợp với cây hồi, cây quế; đất ruộng tuy ít nhưng màu mỡ, do được nhận lượng mùn từ trên núi cao trôi xuống, khiến cho lúa khoai cứ tốt tươi, nặng hạt.
Khe Vằn từ lâu đã được đầu tư nước sạch, điện lưới, để bà con sinh hoạt, sản xuất. Họ cày bừa ruộng vườn bằng máy, phơi sấy quế, hồi cũng bằng máy. Những năm gần đây giá hoa hồi, vỏ quế tăng cao, giúp cho đời sống người dân Khe Vằn cải thiện đáng kể. Đây là một trong những lý do để người Khe Vằn bám thôn bản.
Giờ đây, mỗi ngày trên thôn Khe Vằn là rộn ràng tiếng trẻ mẫu giáo nô đùa, cười nói, tiếng học trò lớp 1, lớp 2 đánh vần, ghép chữ. Cô giáo Tô Thị Lường (người dân tộc Tày) được điều từ Trường trung tâm xã Húc Động lên Khe Vằn ngày ngày gắn bó với trẻ, yêu học trò người Dao như con cháu mình.
Sự học ở Khe Vằn có vất vả hơn những nơi khác, do học sinh từ lớp 3 trở đi thì phải xuống trung tâm xã Húc Động, hoặc trung tâm huyện Bình Liêu để học, tuy nhiên không đứa trẻ nào của thôn bị thất học. Hiện thôn đang có 4 cháu trong độ tuổi học THPT và đều được bố mẹ cho ở trọ dưới huyện để chuyên tâm học hành.
Nhà văn hoá thôn Khe Vằn mở cửa sinh hoạt hằng tuần, sân vui chơi thôn cũng hoạt động đến tối, là nơi để bà con sinh hoạt văn hoá, thể thao; trẻ em đánh quay, đánh gụ. Một số hộ trong thôn đã mở dịch vụ hàng quán, xây dựng những ban công kiên cố nhìn về phía thung lũng nơi có hệ thống ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Đây cũng là chỗ để người lớn gặp nhau sau mỗi buổi lao động, câu chuyện, câu trò thắt chặt tình thân họ hàng, xóm láng… Nhịp sống ở Khe Vằn thật sự thanh bình.
Ý tưởng về bản du lịch người Dao trên đỉnh núi cao
Cái khó nhất của Khe Vằn hiện nay có lẽ chỉ là đường giao thông. Tuyến đường hiện nay được đổ bê tông từ 3 năm trước, ước chỉ rộng chừng 1m và rất khó để mở rộng thêm nếu không cơ giới hoá. Do một bên là vực, một bên là vách núi, rất nhiều khúc cua, rất nhiều vị trí đá tảng đột ngột nhô ra đường như những cái cùi chỏ lớn.
Theo nhận định, để mở rộng đường ở Khe Vằn sẽ phải tính đến phương án nổ mìn phá đá, chi phí có thể đội lên đến cả chục tỷ đồng. Trong khi đó đỉnh Khe Vằn lại thuộc vùng lõi khu du lịch sinh thái danh thắng thác Khe Vằn, cần hạn chế đầu tư xây dựng để tránh phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên.
Trong bối cảnh đó, cuộc sống của người dân thôn Khe Vằn đã được đưa ra cân nhắc với nhiều phương án, trong đó có phương án vận động các hộ dân di dời xuống vùng thấp, cũng có phương án xây dựng Khe Vằn thành bản du lịch người Dao trên đỉnh núi cao.
Đến với Khe Vằn, cảm nhận được nhịp sống thanh bình nơi đây, hiểu lý do bà con Khe Vằn yêu quý vùng đất của họ, có thể khẳng định một điều, người dân Khe Vằn sẽ vẫn bám thôn, bám bản như bao thế hệ trước đó.
Khe Vằn thật sự thanh bình, từ cảnh quan, môi trường, đến văn hoá, con người nơi đây. Một bản thuần Dao khác biệt, với trình độ nhận thức của người dân đã được nâng lên, song bản sắc văn hoá vẫn được gìn giữ; cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu hiền hoà, tốt cho sức khoẻ; có vị trí tương đối biệt lập, phù hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, cũng như dòng khách muốn tìm về với thiên nhiên, thôn bản.
Việc phát triển Khe Vằn thành bản du lịch người Dao trên đỉnh núi cao là phù hợp, trúng, đúng lợi thế của thôn, cũng phù hợp với mong muốn của người dân Khe Vằn, phù hợp với chiến lược phát triển lấy dịch vụ làm trọng tâm của huyện Bình Liêu hiện nay. Tuy nhiên, muốn xây dựng bản du lịch người Dao trên đỉnh Khe Vằn cũng còn rất nhiều điều cần phải làm.
Thực tế, huyện Bình Liêu cần tính phương án nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp cho Khe Vằn, bao gồm cả tuyến đường lên núi. Cùng với đó, Bình Liêu cần tăng cường hơn nữa việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống ở Khe Vằn thông qua việc giữ lại những nếp nhà đất, đặc trưng kiến trúc xây dựng nhà ở của người Dao; khuyến khích người dân Khe Vằn mặc trang phục dân tộc, nói tiếng đồng bào, tập luyện lại các bài hát múa, những trò chơi dân gian cổ...
Lại nửa giờ đồng hồ nữa trên con đường nhỏ từ đỉnh Khe Vằn trở về trung tâm xã Húc Động, chúng tôi thật sự mong Khe Vằn sẽ được đầu tư, sẽ đổi khác, sẽ phát triển, sẽ trở thành một bản du lịch người Dao trên đỉnh núi cao trong thời gian không xa.
Việt Hoa
- Bình Liêu: Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
- Động lực mới cho du lịch Bình Liêu phát triển
- Bình Liêu: Sôi động các hoạt động du lịch chào hè
- Bình Liêu: Nâng cao tiêu chí thu nhập
- Bình Liêu: Chú trọng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
- Bình Liêu: Hội thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Liên kết website
Ý kiến ()