Tất cả chuyên mục

“Hơn bảy trăm năm trải mấy triều/ Khí thiêng phảng phất núi non cao” - Đó là những câu trong bài thơ mà Á Nam Trần Tuấn Khải đã ngợi ca chiến công của Trần Hưng Đạo tại vùng Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương). Nơi ấy gọi là Lục Đầu giang, chỗ chụm đầu của sáu dòng sông; bao lần vỡ oà trong niềm hân hoan chiến thắng. Trong nhịp sống hôm nay, dòng Lục Đầu vẫn đảm trách sứ mệnh gắn kết những vùng đất, miền văn hoá và quy tụ nhân tâm...
Dư âm sóng nước...
Tôi đến Phả Lại (TX Chí Linh, Hải Dương) trong một buổi chiều muộn. Nhìn dòng nước lững lờ trôi, lòng tôi không khỏi cảm khái những trang sử hào hùng của cha ông thuở trước. Lục Đầu giang vẫn thế, tưởng chừng êm đềm vậy thôi, nhưng sông đã cuộn chảy mang trong mình biết bao câu chuyện bi hùng…
Lục Đầu giang là nơi có thế phòng thủ hiểm yếu “lục long tranh châu”. Đây là cửa ngõ đường thuỷ để tiến vào thành Thăng Long. Từ xưa, giặc phương Bắc đều theo sông Bạch Đằng, qua sông Kinh Thầy tập kết trên dòng Lục Đầu trước khi tiến đánh kinh đô Thăng Long. Và như một kịch bản tất yếu: Giặc có đi mà chẳng có ngày về. Lại nhớ năm xưa, trên bến nước Bình Than này, Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam vì không được vào dự hội nghị bàn việc nước; về quyết triệu tập gia nhân dấy nghĩa dưới lá cờ thêu sáu chữ vàng. Tại đây, vua tôi nhà Trần đã quyết tâm một lòng quét sạch vó ngựa Nguyên Mông. Còn Hưng Đạo Vương thì khẳng khái tâu xin được chém đầu mình trước nếu nhà vua chủ hoà với giặc. Cũng tại bến sông xưa, Trần Khánh Dư được phục chức; ngay sau đó ông đã nhấn chìm đoàn thuỷ quân Nguyên Mông ở cửa Vân Đồn; làm nên một chiến thắng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
![]() |
Gắn kết những lễ hội trong vùng sẽ là một cách để níu giữ du khách. Trong ảnh: Lễ hội Côn Sơn thường xuyên thu hút rất đông du khách. |
Cũng từ đây, con sông Lục đầu huyền thoại đã ghi dấu ấn biết bao anh hùng, mà tiêu biểu nhất là dấu ấn cuộc đời và chiến công của Trần Quốc Tuấn. Tương truyền rằng, thi hài ông được an táng trên một ngọn núi rậm rạp ở đây…
Người xưa có câu “Lục Đầu vô thuỷ bất thu thanh” (ý nói không có giọt nước nào ở sông Lục Đầu không rên rỉ tiếng kêu than của quân giặc). Trần Tuấn Khải thì thấy “Sông Đằng tưởng tượng quân Nguyên chạy/ Đất Kiếp mơ màng tiếng kiếm gieo”. Âm vang hào khí sử thi bi hùng, bãi bờ Vạn Kiếp và đáy sông Lục Đầu từng chôn vùi biết bao kẻ có dã tâm xâm lược…
Bồi lắng và lan toả phù sa...
Gác lại những thanh âm chiến trận, Lục Đầu giang hôm nay đã trở lại với ý nghĩa nguyên thuỷ của nó là nơi hội tụ nhân tâm, ban phát thái bình. Người xưa gọi con sông này là lục thuỷ triều quy, là chứng tích cho mối kỳ duyên mà tạo hoá đã khéo phơi bày. Thực chất, Lục Đầu giang là điểm hẹn của bốn con sông: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống. Người xưa coi đây là biểu tượng hợp lưu của tứ đức trong vũ trụ cũng bởi vì bốn dòng sông ấy đều có một chữ “Đức”: Nhật Đức - sông Thương, Minh Đức - sông Lục Nam, Nguyệt Đức - sông Cầu và Thiên Đức - sông Đuống. Nhân tâm trong thiên hạ được thu về một mối. Bốn dòng sông gom lại để cho hai dòng Kinh Thầy và Thái Bình miệt mài ngụp lặn trong cõi phù sa đưa nước về với biển. Sông Thái Bình chia làm hai nửa. Một đoạn chạy qua Phả Lại xuống ngã ba Mía dài 64 cây số. Phần còn lại chảy qua Tứ Kỳ (Hải Dương) rồi men theo ranh giới Tiên Lãng (Hải Phòng) và Thái Thụy (Thái Bình) trước khi chia tay những xóm làng trù mật. Người ta tin rằng, nước dòng Lục Đầu giang lắng đọng sử thi sẽ gột rửa tất cả những tanh tưởi của xác giặc; chảy qua dòng Thái Bình mang lại hoà bình yên ổn và thịnh vượng cho muôn dân ở phía hạ lưu.
Có một nghịch lý là người dân vùng này sợ lũ, nhưng cũng mong lũ. Lũ về, con nước quái ác có thể thúc vỡ những thân đê. Có nguy cơ tất cả trôi xuôi trong tiếc nuối. Thế nhưng lũ về, cư dân vùng này cũng có cơ hội để kiếm củi trôi sông vì rơm rạ ít còn phải nuôi trâu và lợp nhà. Hơn thế nữa, lũ về mang theo phù sa màu mỡ bồi đắp cho những bờ bãi ngoài bối (phía ngoài đê) để cho mùa sau bội thu ngô lúa. Từ đó, mà chúng ta có những đồng lúa trĩu bông, thẳng cánh cò bay ở Thái Bình; những vườn vải sum suê chín mọng ở Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang); những bãi bồi là vựa rươi, vựa cáy ở Đông Triều (Quảng Ninh) hay Vĩnh Bảo (Hải Phòng) v.v.. Tôi tin, trong tương lai không xa nữa, các nhà hoạch định du lịch sẽ không bỏ qua việc tận dụng khai thác các loại hình du lịch làng quê từ những vùng đất này…
Đứng trên triền đê lộng gió nơi bến Bình Than xưa, tôi tự nhủ: “Phải rồi, từ nơi hội tụ của 6 con sông này, sự thịnh vượng sẽ toả đi khắp vùng”. Tôi nhìn quanh và phấn khích với suy nghĩ ấy. Kia là dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy từ Việt Yên và Yên Dũng trở về; chia tách hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Chỉ cần qua cầu Phả Lại là bạn đã được về miền Quan họ với những liền anh, liền chị lúng liếng áo tứ thân, nón thúng quai thao. Đây là con sông Thương, sông Lục Nam như những dải lụa trắng ngoằn ngoèo trên màu xanh ngô lúa đất Bắc Giang. Chẳng phải, xưa kia, nơi đây vẫn có cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền. Có chiếc chở vải thiều từ Bắc Giang, Hải Dương; chiếc lại mang gốm Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương) từ sông Kinh Thầy đến, gốm Phù Lãng (Quế Võ) hay tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) toả đi muôn phương…
Ngước lên cao, bạn sẽ thấy đỉnh Côn Sơn, chốn ẩn dật tu tâm dưỡng tính của nhiều văn nhân trí thức: Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi... Ngoài Yên Tử và Quỳnh Lâm, chùa Côn Sơn cũng là một trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Dưới chân Côn Sơn là Kiếp Bạc nên người ta hay gọi ghép là Côn Sơn - Kiếp Bạc. Kiếp Bạc lại là tên ghép giữa hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Sự hội tụ và gắn kết thể hiện ở ngay từ một cái tên! Đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nằm sát sông Lục Đầu. Sông như một vọng gác, trạm dừng chân trên con đường từ kinh thành Thăng Long ra tới vùng Đông Bắc nơi Cửa Ông có Trần Quốc Tảng trấn giữ. Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trấn Rồng, một bên là đỉnh Nam Tào, bên kia là Bắc Đẩu, xa xa là dãy núi Phượng Hoàng, trong cánh cung Đông Triều ôm lấy cả dải miền Đông Bắc. Kiếp Bạc như hội tụ khí thiêng trời đất cũng là vì thế. Lễ hội Kiếp Bạc được tổ chức vào mùa thu, có sự cộng hưởng của Lễ hội làng Quát (Gia Lộc, Hải Dương) thờ Yết Kiêu, một gia tướng thân cận của Trần Hưng Đạo. Tôi nhớ, có một ai đó đã nghĩ đến ý tưởng gắn kết những lễ hội này lại để thực hiện những tour du lịch dài ngày níu chân du khách. Chắc hẳn điều này sẽ rất khả thi. Một anh bạn tôi gợi ý rằng, sao có vẻ người ta còn để hoang sơ quá nhỉ? Sao không quy hoạch và gắn kết lại. Này nhé, nào là du lịch tâm linh ở Côn Sơn - Kiếp Bạc, Đông Triều, Yên Tử (Uông Bí), du lịch sinh thái ở Chí Linh, du lịch làng quê Yên Đức, du lịch sông nước ở Quảng Yên, du lịch làng nghề nữa… Tôi bảo, bạn hãy yên tâm đi vì tương lai ấy đang ở rất gần.
Thay lời kết
Từ miền Quan họ, tôi qua cầu Phả Lại để bắt đầu hành trình trở về với Hạ Long. Trên cầu, tôi ngẩn ngơ khi ngắm cảnh sông nước Lục Đầu trong ánh vàng của mặt trời sắp tắt. Trước mắt tôi là một bức tranh rất đỗi hài hoà. Diện của bức tranh ấy rất rộng, có màu vàng của lúa chín thơm nồng, có sắc đỏ lốm đốm của vải thiều đầu mùa đang vào độ chín. Hai bên bờ sông, điểm xuyết những ngôi nhà đủ các màu xen lẫn nhau trong sắc xanh của núi đồi, cây cỏ. Ống khói của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại như vươn cao hơn để chiếm lĩnh bầu trời. Dưới chân cầu, tàu bè tấp nập ngược xuôi. Biết đâu, dưới đó có chú tôi, anh tôi đang mải mê với những chuyến tàu? Họ đang kế nghiệp cha ông, tổ tiên tôi, những người cả đời mưu sinh trên sông nước…
Hải Dương
Ý kiến (0)