Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:21 (GMT +7)
Lùi thời gian điều chỉnh giá xăng dầu
Chủ nhật, 10/04/2022 | 12:24:47 [GMT +7] A A
Một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho hay, thông thường kỳ điều hành giá xăng tiếp theo sẽ rơi vào ngày 11.4, song do đây là thời điểm nghỉ bù ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương nên khả năng kỳ điều hành giá mới sẽ vào ngày 12.4.
Lùi thời gian điều chỉnh giá xăng
Giá dầu thô WTI biến động mạnh trong vòng 24 giờ qua. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá có thời điểm rơi từ ngưỡng cao 98,6 USD/thùng xuống hơn 93 USD/thùng, sau đó bật tăng lên 96,97 USD/thùng.
Nhưng so với một tháng trước đó, giá dầu WTI đã lao dốc 7,59%. Còn giá dầu Brent dao động quanh vùng 98,6-103,3 USD/thùng. Trong vòng một tháng qua, loại dầu này sụt giá hơn 6%.
Thông tin dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 7.4, giá bán tại Singapore - làm căn cứ tính giá bình quân xăng dầu thành phẩm - đang có chiều hướng giảm so với kỳ trước.
Hiện giá trung bình xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore từ ngày 1.4 cho đến nay (giá cơ sở) đang thấp hơn giá bán lẻ xăng dầu trong nước ở mức khoảng 1.200 đồng/lít xăng và gần 900 đồng/lít dầu DO.
Trao đổi với Lao Động, một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho hay, thông thường kỳ điều hành tiếp theo sẽ rơi vào ngày 11.4, song do đây là thời điểm nghỉ bù ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương nên khả năng kỳ điều hành giá mới sẽ vào ngày 12.4.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng xác nhận thông tin Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào lúc 15h chiều 12.4.
Theo ông Đông, theo quy định của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng.
Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ.
Doanh nghiệp được tăng chiết khấu
Theo đại diện một thương nhân phân phối xăng dầu, nếu giá xăng dầu thành phẩm tiếp tục giảm hoặc không biến động lớn, giá xăng dầu trong nước buộc phải giảm bởi giá cơ sở đã giảm.
Tuy nhiên, mức giảm như thế nào sẽ phụ thuộc vào việc liên bộ Tài chính - Công Thương trích Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG), trường hợp không trích hoặc trích quỹ ở mức thấp, giá xăng sẽ giảm tương đối mạnh.
Cũng theo vị này, với mức giá có xu hướng giảm trong chu kỳ điều hành từ ngày 1 đến 11.4, hiện nay, nhiều thương nhân đầu mối đã được tăng chiết khấu.
Cụ thể, với xăng RON 95, mức chiết khấu cho doanh nghiệp từ 1.000 đồng - 1.300 đồng mỗi lít; E5RON92 là 900 đồng - 1.200 đồng/lít; dầu hỏa từ 900 đồng - 1.000 đồng/lít.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đây là mức chiết khấu đảm bảo doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi, bù đắp những khó khăn trước đó khi có thời điểm chỉ nhận được chiết khấu 0 đồng.
Nói về vấn đề nguồn cung xăng dầu trong nước, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2021 đến nay, sự cố Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xăng dầu trong nước, thiếu xăng dầu cục bộ, bởi Nghi Sơn chiếm 30% nguồn cung xăng dầu trong nước.
Vì những khó khăn đó, cho nên, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn báo cáo kế hoạch tái khởi động sản xuất, kế hoạch cung ứng, giao hàng cho thương nhân đầu mối.
Về việc này, hiện nay trong quá trình khắc phục, Nghi Sơn về cơ bản đã khởi động lại. Nhưng, để đảm bảo nguồn cung trong quý 2.2022, Vụ Thị trường trong nước đến giờ vẫn chưa nhận được văn bản nào về việc giao hàng của Nghi Sơn cho thương nhân trong tháng 5, tháng 6 tới.
Chính vì thiếu hụt nguồn cung của nhà máy Nghi Sơn, Bộ Công Thương đã yêu cầu các thương nhân đầu mối, ngoài tổng nguồn đã giao năm 2022 thì đẩy mạnh kế hoạch nhập khẩu trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ đầu năm đến giờ.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. "Hai năm ảnh hưởng của COVID-19, các thương nhân đầu mối về cơ bản lấy sản phẩm của nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn để tiêu thụ, chỉ nhập khẩu những sản phẩm chưa đáp ứng được. Do đó, việc kết nối lại để mua lại, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị phức tạp trở nên khó khăn hơn", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, không phải Việt Nam đi tìm nguồn cung xăng dầu, mà cả thế giới cũng đi tìm nguồn cung, để đảm bảo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Theo Báo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()