Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 23:42 (GMT +7)
Lương 11 triệu không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, cao hay thấp so với các nước?
Thứ 4, 27/11/2024 | 15:46:50 [GMT +7] A A
Bộ Tài chính vừa đề nghị thay Luật Thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng như hiện nay tại Việt Nam là cao hay thấp với các nước gần như Trung Quốc, Thái Lan?
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Cá nhân cũng được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc... số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Với mức giảm trừ này, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 16 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 20 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... cũng chưa phải nộp thuế TNCN. Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện nay tại Việt Nam được chia thành 7 bậc thuế suất: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.
Ở các nước, việc tính thuế TNCN, các khoản giảm trừ và các mức thuế lũy tiến cũng rất phức tạp.
Vậy, nếu chỉ tính với mức khởi điểm đóng thuế TNCN thì Việt Nam áp dụng mức 11 triệu hiện nay là thấp hay cao so với các nước trong khu vực?
Tại Việt Nam, mức thu nhập được miễn thuế TNCN là 132 triệu đồng/năm (tương đương 5.175 USD), gấp gần 1,2 lần so với thu nhập trung bình đầu người Việt Nam tính trong năm 2023 (4.347 USD/người). Còn nếu tính các giảm trừ khác có thể gấp hai lần so với thu nhập bình quân đầu người.
Tại Trung Quốc, thu nhập cá nhân được chia làm nhiều loại. Nếu tính thu nhập từ tiền lương, mức được miễn thuế TNCN là 60.000 Nhân dân tệ (khoảng 8.288 USD), tương đương gần 210 triệu đồng/năm (bằng khoảng 0,66 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người 12.614 USD trong năm 2023 của nước này).
Trung Quốc cũng có các khoản giảm trừ khác như hỗ trợ chăm sóc con cái (1.000 NDT/tháng), chăm sóc người già (2.000 NDT/tháng)...
Thu nhập từ tiền lương tại Trung Quốc áp dụng biểu thuế lũy tiền gồm 7 bậc, dao động từ 3%-45%. Tức có mức khởi điểm thấp hơn (Việt Nam thu thuế TNCN bậc 1 là 5%), nhưng bậc cao nhất lại cao hơn (45% so với 35%).
Tại Malaysia, mức thu nhập được miễn thuế TNCN là 5.000 ringgit đầu tiên (tương đương khoảng 1.150 USD). Con số này khá thấp so với thu nhập đầu người gần 11.649 USD trong năm 2023. Malaysia áp dụng mức giảm trừ cá nhân và người phụ thuộc khi tính thuế là 9.000 ringgit/năm.
Ngoài ra, người nộp thuế tại Malaysia còn được hưởng hơn 20 khoản giảm trừ khác như: chi phí chăm sóc cha mẹ, học phí, chi phí y tế, tiền mua thiết bị hỗ trợ người thân khuyết tật... Các mức thuế dao động 1-30%.
Trong khi đó, tại Thái Lan, mức thu nhập được miễn thuế TNCN là 150.000 baht (khoảng 4.330 USD), tương đương hơn 0,6 lần thu nhập bình quân đầu người nước này (7.172 USD năm 2023).
Ngoài ra, Thái Lan cũng áp dụng nhiều khoản giảm trừ và hỗ trợ khi tính thu nhập chịu thuế như: được trừ thu nhập từ tiền tác quyền, cho thuê nhà đất, tự doanh,... được giảm trừ cá nhân 30.000 baht/năm, được giảm trừ tiền lãi vay mua nhà trả góp, tiền bảo hiểm nhân thọ, học phí cho con, làm từ thiện...
Thái Lan có 7 bậc thuế TNCN, dao động từ 5-35%. Bậc cao nhất áp dụng với người có thu nhập chịu thuế trên 4 triệu baht/năm.
Mặc dù khởi điểm thu nhập phải chịu thuế TNCN được để ở mức khá cao nếu so sánh theo tỷ lệ trên GDP đầu người, nhưng có thể thấy, nhiều nước có thêm các khoản giảm trừ khác, được tính đầy đủ hơn, như tiền lãi vay mua nhà trả góp, học phí cho con, chi phí y tế, tiền mua thiết bị hỗ trợ người thân khuyết tật, tiền từ thiện nhân đạo...
Bên cạnh đó, mức thuế lũy tiến ở một số nước cho bậc thấp nhất ở mức khá thấp, có thể 1-3%.
Tại Việt Nam, có một thực tế được nhiều chuyên gia thừa nhận là: thu nhập bình quân thấp so với mức sống thực tế. Trong khi nhiều chi phí rất lớn, chẳng hạn như chi phí giáo dục, y tế...
Một số chuyên gia cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh tại Việt Nam cần phải tăng lên 16-18 triệu đồng/tháng. Còn với người phụ thuộc, ít nhất cũng phải để mức từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()