Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:35 (GMT +7)
Lương cán bộ cao, lương công nhân thấp: Đại biểu quốc hội nói gì?
Thứ 4, 12/11/2014 | 11:19:04 [GMT +7] A A
Nếu chúng ta quy định nguyên tắc lương lãnh đạo cao thì lương công nhân cũng phải cao, xã hội không ai phàn nàn cả.
Qua thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, một số ý kiến không nhất trí quy định về tiền lương tại dự thảo Luật, đề nghị quy định về tiền lương, tiền thưởng tại dự thảo Luật phải tuân thủ các quy định của Bộ luật lao động, xem xét tiền lương phải dựa trên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tương quan với bình quân chung của doanh nghiệp và xã hội, tránh sự bất bình đẳng quy định lương người quản lý doanh nghiệp quá cao trong khi lương của công nhân quá thấp.
Vừa qua, dư luận nói nhiều đến chuyện một số doanh nghiệp công ích, lương cán bộ thì cao, lương công nhân thấp. Theo ý kiến của Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang): Đã nói đến kinh doanh thì phải nói đến hiệu quả và động lực. Không có động lực thì không có hiệu quả. Không có động lực, lương thưởng cho bản thân, lãnh đạo không có hiệu quả, họ chỉ làm cho qua chuyện. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đưa ra dẫn chứng: “Chúng tôi đã gặp một số đồng chí lãnh đạo bệnh viện Trung ương, mặc dù chúng ta không cổ phần, nhưng có đồng chí nói "tôi mà có 1% cổ phần trong bệnh viện này thì chết với tôi, tôi sẽ làm bệnh viện này đến nơi đến chốn"”.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên phân tích, ở đây không có động lực. Thực tế trong thời gian vừa qua, một động lực rất rõ là việc xã hội hóa ở các bệnh viện nên phát triển rất nhanh và rất có hiệu quả. Còn nếu chúng ta cứ dàn đều thì sẽ rất khó.
“Vừa qua, dư luận thắc mắc lương của ông lãnh đạo cao không phải vì người ta bảo sử dụng quá nhiều, mà họ cho rằng chủ doanh nghiệp hưởng lương quá cao còn người công nhân quá thấp. Còn nếu chúng ta quy định nguyên tắc lương lãnh đạo cao thì lương công nhân cũng phải cao, xã hội không ai phàn nàn cả” – đại biểu Nguyễn Văn Tiên nói.
Trong các đơn vị sự nghiệp xã hội, sự nghiệp công người ta quy định lương có một số không gấp 3 lần, có một số thoải mái. Vậy, trong đơn vị sản xuất, kinh doanh của chúng ta có nên phân loại và quy định nguyên tắc chênh lệch lương giữa cán bộ, người lãnh đạo và người công nhân không quá bao nhiêu lần không? Cụ thể là không quá 13 lần như bậc lương hiện nay của công chức không? Hay chúng ta không nhích lên quá 15 - 20 lần. Ví dụ, lương lãnh đạo một đơn vị là 200 triệu, thì lương người công nhân 10 triệu, xã hội sẽ không ai phản đối. Khi lương cao như vậy, động lực phát triển có hiệu quả, chúng ta mới giữ được vốn.
“Nếu chúng ta cứ kiểm soát chặt quá, đồng vốn không sinh sôi, nảy nở thì sẽ không có hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Rồi chúng ta có thể quy định chéo liên quan đến việc giống như đơn vị sự nghiệp công. Ban soạn thảo nên suy nghĩ để tính ra nguyên tắc này để thúc đẩy, phát triển doanh nghiệp, đừng để nắm tiền nhưng sợ không dám đầu tư, sợ cái này, cái kia cuối cùng là chỉ bình bình thôi” – đại biểu Nguyễn Văn Tiên nói.
Qua thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉnh lý quy định nguyên tắc xác định tiền lương phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động; xác định tiền lương, tiền thưởng của người lao động phải căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng lao động, gắn với hiệu quả công việc, năng suất lao động. Riêng đối với tiền lương, tiền thưởng của người quản lý doanh nghiệp, ngoài hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh còn phải gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về tiền lương, tiền thưởng để bảo đảm linh hoạt, phù hợp.
Bổ nhiệm nhân sự dồn dập cũng xảy ra ở DNNN
Cùng bàn về hiệu quả sử dụng vốn ở DNNN nhưng ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho rằng, bên cạnh các yếu tố về tiền lương còn nhiều vấn đề khác liên quan trực tiếp tới hiệu quả quản lý, sử dụng vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp.
“Thời gian qua báo chí cũng nêu rất nhiều, có lãnh đạo bộ trước khi nghỉ hưu bổ nhiệm gần 60 lãnh đạo cấp vụ, trong đó cũng có những người chưa đủ điều kiện. Dư luận cho rằng thực trạng này không chỉ diễn ra ở trong các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn diễn ra ở các doanh nghiệp mà do nhà nước giữ 100% vốn hoặc nhà nước chiếm cổ phần chi phối” – đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nói.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp, nhận ra rằng có những lãnh đạo doanh nghiệp trước khi nghỉ hưu nhận hàng trăm nhân viên vào làm việc.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, những thực trạng này là đặc trưng đối với các doanh nghiệp nhà nước hoặc chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp nhà nước. Còn đối với các doanh nghiệp của tư nhân, do đồng tiền của người ta cho nên thực trạng này không diễn ra.
Đại biểu khẳng định: “Đây là những vấn đề cần có sự điều chỉnh để tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tránh gây thất thoát lãng phí tài sản của nhà nước”.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng bày tỏ băn khoăn về các tiêu chí đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp nhà nước hiện nay còn nhiều điểm chưa phù hợp. Rất nhiều các doanh nghiệp nhà nước được đánh giá, xếp loại rất cao, có thể năm nay là anh hùng nhưng sang năm đã là tội đồ. Ví dụ như Vinashin, 3 năm liền chúng ta xếp loại A, năm 2006, 2007, 2008 nhưng sau đó vẫn sụp đổ.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()