Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 13:50 (GMT +7)
Lương Ngọc Diệp - Từ hát nhạc người đến hát nhạc mình
Thứ 6, 19/08/2022 | 10:44:26 [GMT +7] A A
Trưởng thành từ phong trào nghệ thuật quần chúng ngành Than, ca sĩ Lương Ngọc Diệp sớm bộc lộ giọng ca đầy nội lực của mình và ghi được dấu ấn sâu đậm với công chúng Quảng Ninh qua hàng loạt giải thưởng. Đặc biệt, thời gian gần đây, Ngọc Diệp để lại dấu ấn của mình với việc sáng tác nhiều ca khúc có sức thu hút công chúng.
Theo đuổi niềm đam mê ca hát
Sinh năm 1987 tại Hải Phòng, nhưng Lương Ngọc Diệp như có duyên với vùng mỏ Quảng Ninh. Các sân khấu ca nhạc của Quảng Ninh trong khoảng 10 năm gần đây dường như không thể thiếu vắng Ngọc Diệp.
Lương Ngọc Diệp là con gái út trong một gia đình kỹ sư nghèo ở nông thôn. Thời trung học, Diệp từng được chọn vào lớp chuyên Anh của nhà trường. Cô thi vào Đại học Sư phạm ngoại ngữ nhưng thất bại. Mọi người khuyên cô nên chờ đợi kỳ thi năm sau. Đó là khoảng thời gian buồn bã nhất đối với cô gái cá tính mạnh và nhiều hoài bão.
Không được học lên đại học, Ngọc Diệp quyết định kiếm sống bằng học nghề vẽ gốm. Công việc đang suôn sẻ bỗng bà dì ruột của cô xuất hiện, lôi bằng được đứa cháu gái về Quảng Ninh. Vậy là đường đời của cô đã hoàn toàn rẽ sang ngả khác. Năm 2005, Diệp bắt đầu vào làm ngành Than, tại Công ty Than Quang Hanh.
Tại đây, giọng ca trong trẻo và đầy cảm xúc của Ngọc Diệp, mặc dù chưa hề qua một trường lớp đào tạo nghệ thuật nào, đã được bạn bè, đồng nghiệp biết đến. Năm 2006, tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng TKV, Ngọc Diệp đã xuất sắc giành Huy chương Vàng đơn ca. Đây cũng là dấu mốc bắt đầu sự toả sáng của Ngọc Diệp trên con đường ca hát không chuyên của mình.
Để thuận lợi hơn cho công việc, năm 2006, Ngọc Diệp thi đậu Đại học Mỏ - Địa chất học chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Năm 2007, Ngọc Diệp chuyển về làm nhân viên văn phòng Công ty Tuyển than Hòn Gai.
Ngọc Diệp tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất năm 2010. Không dừng lại, năm 2011, cô thi tiếp Khoa Tiếng Anh - Đại học Thái Nguyên và đã kết thúc chương trình học tập trong năm 2013. Trong khi theo học tại trường này, hè năm 2012, Diệp vẫn nộp đơn thi và lại đậu tiếp khoa Tiếng Trung - Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Dù rất bận rộn đi làm, đi học nhưng Ngọc Diệp vẫn tích cực tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng của Công ty, của ngành Than - Khoáng sản và đã liên tục dành được các Huy chương Vàng đơn ca. Sẵn có năng khiếu cộng với những “cua” học thanh nhạc ngắn hạn, sự kèm cặp của ca sĩ - Nghệ sĩ Vùng mỏ Bích Hoà, phu nhân của nhạc sĩ Đỗ Hòa An và phong trào văn nghệ quần chúng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, đặc biệt là sự học hỏi không ngừng của bản thân, giọng ca Ngọc Diệp đã ngày càng trưởng thành để dành vị trí cao trong nhiều cuộc thi.
Trong Cuộc thi tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung, Lương Ngọc Diệp giành giải nhất của tỉnh và khu vực Miền núi - Duyên hải phía Bắc, giải nhì toàn quốc và giải ba quốc tế tại Quảng Tây, Trung Quốc.
Ngay sau đó, nữ ca sĩ ra mắt Album “Hạ Long sớm”, sản phẩm âm nhạc ra đời sau những nỗ lực lao động sáng tạo của Ngọc Diệp và toàn bộ ekip thực hiện. Đĩa nhạc phát hành chuyên nghiệp, có giấy phép phát hành của Nhà Xuất bản Âm nhạc Dihavina và do nhạc sĩ Vũ Việt Hồng là Giám đốc sản xuất. Đĩa nhạc gồm 8 ca khúc viết về Hạ Long: “Hạ Long sớm” của Vũ Việt Hồng, “Khúc quan họ trên vịnh Hạ Long” của Lê Nguyên Thêm, “Chiều Hạ Long” của An Thuyên, “Ký ức biển” của Vũ Việt Hồng, “Trên biển trời Đông Bắc” của Trần Chung, “Cẩm Phả của tôi” của Nguyễn Đức Nhuận, “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ và “Đừng ví em là biển” của Trần Thanh Tùng.
Với “Hạ Long sớm”, cô ca sĩ trẻ trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng ngành Than Lương Ngọc Diệp muốn thể hiện tình yêu của mình dành cho Hạ Long và vùng đất, con người Quảng Ninh - quê hương thứ 2 của cô. Với cách làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, sản phẩm âm nhạc này đã đem đến cho công chúng yêu âm nhạc những cảm xúc đẹp. Đồng thời, album cũng góp phần làm sinh động thêm đời sống âm nhạc của Vùng mỏ.
Với một số thành tích đạt được, Lương Ngọc Diệp đã quyết định tiếp tục du học cao học thanh nhạc biểu diễn tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, một trong bốn học viện lớn nhất Trung Quốc. Dưới sự dìu dắt của giáo sư Cung Tiểu Bình, Lương Ngọc Diệp là một trong ba lưu học sinh tốt nghiệp xuất sắc của Học viện. 3 năm du học không quá dài nhưng cũng đủ để Ngọc Diệp tích lũy sự tinh tế và cảm thụ trong âm nhạc, tìm tòi, học hỏi những tinh hoa để thể hiện ca khúc một cách hợp lý nhất, để truyền tải cảm xúc gần gũi tới người nghe.
Nhạc sĩ giàu triển vọng
Sau khi về nước, bên cạnh ca hát, Lương Ngọc Diệp còn xuất hiện với tư cách một nữ nhạc sĩ chững chạc về nghề cùng hàng loạt ca khúc trữ tình, lãng mạn và mang dấu ấn sáng tạo riêng.
Lương Ngọc Diệp bắt đầu sáng tác từ năm 2019 với một số sáng tác cho thiếu nhi, viết tặng con gái và để rồi bất ngờ nhận ra, mình có hứng thú đặc biệt với công việc này. Có lẽ với cô, thời điểm đó chính là lúc những rung cảm nội tâm đủ mạnh mẽ, cảm xúc đủ chín muồi và cơ duyên đã đến nên dễ dàng bước vào con đường sáng tác một cách rất tự nhiên.
Gác lại những thăng trầm trong cuộc sống, Lương Ngọc Diệp hoà cảm xúc của mình với âm nhạc do chính cô sáng tác. Với 20 sáng tác viết về các đề tài: Phật giáo, về tình yêu, người lính, tình yêu đôi lứa và viết cho trẻ em..., Lương Ngọc Diệp ngày càng khẳng định nội lực trong sáng tác âm nhạc, lĩnh vực mới giúp cô khám phá và thăng hoa cùng miền xúc cảm đang độ sung sức nhất.
Một số ca khúc sau khi công bố đã nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên của công chúng, các văn nghệ sĩ đàn anh. Có thể kể đến ca khúc “Xuân bình an” viết cho trẻ em; ca khúc “Tán thán Phật nguyện” viết về đạo Phật; ca khúc “Dĩ vãng yêu thương" viết về những hoài niệm tình yêu đôi lứa v.v..
Điểm dễ nhận thấy trong mỗi ca khúc của mình, Lương Ngọc Diệp như đang kể lại câu chuyện của cuộc đời, của cảm xúc bằng ngôn ngữ âm nhạc riêng, đằm thắm, tha thiết của một người phụ nữ đã từng trải qua những thăng trầm trong cuộc sống. Như trong ca khúc “Dại khờ”, Ngọc Diệp muốn chia sẻ nỗi lòng người con gái với bao khắc khoải, day dứt về một tình yêu đã qua. Ca khúc “Chờ”, cô viết về nỗi lòng của người vợ chờ chồng ra chiến trận mãi mãi không trở về bằng những giai điệu da diết, đầy sức lay động.
Năm 2020, là năm đáng nhớ của Ngọc Diệp cho sự khởi đầu về sáng tác của cô. Bên cạnh ca khúc “Tán Thán Phật nguyện” được đông đảo khán giả đón nhận, Ngọc Diệp còn khẳng định bản thân bằng một loại ca khúc đa thể loại khác.
Gần đây nhất, Lương Ngọc Diệp ra mắt CD Vol 2 với tên gọi “Mơ yêu”. CD thứ hai của ca sĩ Lương Ngọc Diệp tập hợp 6 ca khúc mới nhất gồm có: “Mơ yêu”, “Nhớ”, “Ngẫm”, “Chờ”, “Dại khờ” và “Yêu bốn mùa”. Toàn bộ các ca khúc này đều do Ngọc Diệp tự sáng tác và biểu diễn. Đây là CD thứ hai của cô sau CD Hạ Long ra mắt công chúng yêu nhạc Quảng Ninh vào năm 2012.
Nhà báo, MC Ngô Bá Lục nhận định: Có lẽ với người hâm mộ cả nước, cái tên Lương Ngọc Diệp còn xa lạ, nhưng với khán giả yêu nhạc Quảng Ninh thì cái tên ấy không còn lạ lẫm, thậm chí còn có rất nhiều người hâm mộ giọng hát này. Bằng chứng là buổi ra mắt CD vol2 có chủ đề “Mơ yêu” vừa diễn ra tối 21/7 tại phòng trà Hạ Long By Night, gần 200 khán giả đã đến chật kín khán phòng để cổ vũ Lương Ngọc Diệp và thưởng thức tiếng hát của cô. Mình thực sự là nể và khâm phục Lương Ngọc Diệp - một ca sĩ, nhạc sĩ, tự chủ hoàn toàn về kinh tế, tự bỏ tiền ra sản xuất CD, thuê nhạc sĩ nổi tiếng để phối khí như Tấn Phong (TP Hồ Chí Minh), Huyền Trung, Nguyễn Hữu Vượng (Hà Nội), Vũ Việt Hồng (Quảng Ninh). Từng mê giọng hát của Diệp từ 10 năm trước, một giọng hát bản năng nồng nàn và bỏng cháy, giờ giọng hát ấy đằm hơn, đàn bà hơn, tinh tế hơn khi trải qua nhiều thăng thầm của cuộc sống. CD “Mơ yêu” thực sự dễ chịu, đó là những cảm xúc bay bổng lãng mạn của tình yêu, cũng không gào thét hay bi lụy. “Mơ yêu” cả buồn cũng đẹp, vui cũng xinh, nhè nhẹ lâng lâng như thứ rượu ngọt ngào ngấm dần và say đắm.
Có thể nói, với gia tài sáng tác khá dày dặn trong vòng 3 năm qua, cùng ý thức nghiêm túc trong lao động, sáng tạo, Lương Ngọc Diệp hứa hẹn sẽ là một gương mặt nữ hiếm hoi nhưng cũng đầy triển vọng bổ sung vào lực lượng sáng tác âm nhạc Quảng Ninh hiện nay.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()