Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 07/11/2024 19:31 (GMT +7)
Lý do cốt lõi giúp ông Trump trở lại Nhà Trắng
Thứ 5, 07/11/2024 | 16:10:01 [GMT +7] A A
Ông Donald Trump chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ dựa trên nhiều yếu tố, nhưng có một yếu tố số 1 mà phần lớn giải thích lý do cử tri lựa chọn ông.
Theo kênh CNN ngày 6/11, dựa trên nhiều chỉ số quan trọng, nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ, khiến các nước khác phải ghen tị. Tuy nhiên, người dân Mỹ vẫn nhìn nhận kinh tế không tích cực và một số lượng đáng kể cử tri cho rằng Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã không cải thiện được tình hình tài chính của người dân Mỹ trong bốn năm qua. Các cuộc khảo sát liên tục cho thấy người dân Mỹ có cái nhìn phần lớn tiêu cực về kinh tế Mỹ.
Điều này là do tâm lý về kinh tế không phải lúc nào cũng phù hợp với các số liệu cho thấy nền kinh tế đang tạo thêm việc làm, chi tiêu tiêu dùng tăng và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tiếp tục bùng nổ. Khi phải trả giá cao cho một ly cà phê hoặc không đủ khả năng mua nhà, những số liệu đó trở nên vô nghĩa. Người dân cảm thấy như “Giấc mơ Mỹ” bị khép lại.
Vì sao nhiều người Mỹ bất mãn về kinh tế?
Về nhà ở, giá nhà tại Mỹ đã lập kỷ lục mới trong suốt 15 tháng liên tiếp. Đây là tin tốt cho ai có nhà, nhưng không hề tốt với người chưa có nhà, nhất là khi lãi suất thế chấp vẫn duy trì ở mức cao, gần 7%. Theo Redfin, chỉ 2,5% nhà ở Mỹ đã được mua bán trong năm nay và đây là mức thấp nhất trong 30 năm qua.
Khi không có nhà thì thuê nhà cũng không làm giảm gánh nặng. Khoảng một nửa người thuê nhà tại Mỹ phải chi hơn 30% thu nhập để thuê nhà trong năm 2023. Theo Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Mỹ, những hộ gia đình chi hơn 30% thu nhập cho tiền thuê, trả góp hoặc các chi phí nhà ở khác thì bị coi là đang chịu gánh nặng chi phí.
Khủng hoảng khả năng chi trả nhà ở đã góp phần làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ, khiến những người buộc phải chuyển chỗ ở hoặc những người không có nhà gặp khó khăn tài chính. Tuy nhiên, nhiều người không thuộc diện nghèo cũng đang chật vật xoay sở vì chi phí sinh sống trong một ngôi nhà quá cao. Theo khảo sát của Bank of America, khoảng 1/5 hộ gia đình tại Mỹ có thu nhập trên 150.000 USD/năm vẫn sống chật vật.
Về giá cả, lạm phát đã quay về mức bình thường, nhưng điều đó không có nghĩa là giá cả đang giảm mà chỉ là không tăng mạnh như cách đây vài năm.
Giá hiện tại cao hơn khoảng 20% so với khi ông Joe Biden nhậm chức, khiến người dân Mỹ cảm nhận được mức độ ảnh hưởng của lạm phát mỗi khi họ đi mua sắm. Giá xăng đã giảm mạnh trong vài năm qua, từ mức kỷ lục trên 5 USD/gallon vào năm 2022 xuống dưới 3 USD/gallon ở nhiều bang hiện nay. Điều này có giúp ích, nhưng không giải quyết được toàn bộ các vấn đề lạm phát mà nhiều người Mỹ tiếp tục đối mặt hàng ngày.
Về chính trị, cảm nhận của người dân về nền kinh tế phần lớn phụ thuộc vào quan điểm chính trị và số lượng người đăng ký theo đảng Cộng hòa tại Mỹ đang gia tăng.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Brookings được công bố tuần trước đã phát hiện ra mối tương quan giữa tâm lý kinh tế và liên kết đảng phái chính trị với đảng đang nắm quyền tại Nhà Trắng. Khi ông Trump lên nắm quyền, tâm lý kinh tế của người ủng hộ đảng Cộng hòa tăng vọt, trong khi tâm lý người ủng hộ đảng Dân chủ giảm mạnh. Điều ngược lại xảy ra khi ông Biden lên nắm quyền.
Khi một tổng thống thuộc đảng Cộng hòa điều hành, những người ủng hộ đảng Cộng hòa có xu hướng đánh giá nền kinh tế tích cực hơn gấp ba lần so với những người ủng hộ đảng Dân chủ khi tổng thống thuộc đảng Dân chủ nắm quyền. Điều ngược lại cũng đúng: Những người ủng hộ đảng Dân chủ thường nhìn nhận nền kinh tế tốt hơn khi tổng thống là người của đảng Dân chủ.
Hiện trạng kinh tế Mỹ thực tế ra sao?
Dù vậy, ông Trump sẽ tiếp quản một nền kinh tế mạnh mẽ, ít nhất là theo số liệu báo cáo.
Về việc làm, chỉ số lớn nhất của an ninh kinh tế là liệu người dân có việc làm hay không và tỷ lệ người có việc làm ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã tăng trong năm qua, hiện ở 4,1%, thì đây vẫn là một mức rất tốt.
Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra việc làm ít hơn trong năm nay, đặc biệt là trong những tháng gần đây. Tháng trước, nền kinh tế chỉ tạo thêm 12.000 việc làm. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tiếp tục tạo ra trung bình 170.000 việc làm mỗi tháng trong năm nay, gần như ngang bằng với số việc làm đã được tạo ra trong ba năm đầu của nhiệm kỳ ông Trump trước khi COVID-19 xảy ra (175.000 việc làm/tháng).
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, các công ty vẫn đang tích cực tuyển dụng, đến mức số lượng vị trí cần tuyển lớn hơn số người Mỹ đang tìm việc.
Về GDP, thước đo tổng quát nhất của nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ. GDP đã tăng trưởng ở mức điều chỉnh theo mùa là 2,8% trong quý vừa qua. Đây là một tốc độ lành mạnh theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, ngang bằng với tốc độ mở rộng kinh tế trong nhiệm kỳ của ông Trump trước đó, khi người dân cảm thấy tốt hơn nhiều về tình hình kinh tế.
Điều này cũng giúp kinh tế Mỹ trở thành niềm tự hào của thế giới: Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ mạnh nhất trong nhóm các nền kinh tế G7 trong năm nay.
Về thu nhập, tiền lương của người lao động không còn tăng mạnh như cách đây vài năm khi lạm phát thực sự vượt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, lương vẫn tăng ở mức 3,9%. Đây vẫn là mức tăng nhanh hơn lạm phát, nghĩa là số tiền người dân Mỹ có thể chi tiêu đang tăng lên.
Thu nhập khả dụng theo đầu người điều chỉnh theo lạm phát đã tăng tháng thứ 27 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất trong lịch sử.
Về tiêu dùng, bất chấp các cuộc khảo sát trái chiều, người tiêu dùng đang thể hiện như thể nền kinh tế đang tốt. Chi tiêu tiêu dùng, chiếm 2/3 nền kinh tế Mỹ, đang tăng mạnh, tăng 3,7% trong quý vừa qua và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2023.
Niềm tin của người tiêu dùng cũng đang tăng và tăng vọt vào tháng 10. Đây là mức tăng lớn nhất trong các khảo sát kể từ tháng 3/2021. Tuy nhiên, niềm tin này vẫn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()