Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:45 (GMT +7)
Lý do người mắc bệnh khớp khổ sở vào mùa lạnh
Thứ 4, 21/12/2022 | 08:48:23 [GMT +7] A A
Thời tiết giá lạnh, người mắc bệnh khớp cảm nhận rõ hơn tình trạng đau nhức, tê cứng, khó vận động. Điều này khiến bệnh nhân khổ sở trong sinh hoạt, lao động, làm giảm sút chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể gặp biến chứng.
Theo ThS.BS Vũ Văn Đại, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện 108 (Hà Nội), khi trời trở lạnh, nhiệt độ hạ thấp, cơ thể thường có xu hướng cố dự trữ năng lượng khiến việc lưu thông máu kém hơn bình thường.
Không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da, ở các vị trí mà y học cổ truyền gọi là huyệt vị, sẽ làm mạch máu tại các vùng da đó co lại, làm giảm lưu thông của dịch khớp. Máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị thương tổn, gây nên đau nhức.
Ngoài ra, cùng tác động của các yếu tố bên trong cơ thể như tuần hoàn tại chỗ nuôi dưỡng khớp kém, độ nhớt máu, dịch khớp, sự kết tủa của muối, thay đổi nồng độ hóa chất trung gian hóa học trong cơ thể, thay đổi vận mạch… cũng chính là nguyên nhân góp phần làm xuất hiện các đợt bệnh cơ xương khớp.
Hơn nữa khi trời lạnh, các thói quen tập luyện hằng ngày cũng bị giảm đi khiến khí huyết kém lưu thông góp phần làm bệnh nặng thêm.
Ngoài ra, nguyên nhân gây đau khớp còn do bệnh lý khớp mạn tính có sẵn, cùng sức đề kháng và khả năng tự bảo vệ của cơ thể suy giảm. Các yếu tố gây bệnh, y học cổ truyền gọi là “ngoại tà” như phong, hàn, thấp…, cùng tác động xâm phạm đến kinh lạc, cơ, khớp, làm cho khí huyết vận hành trong mạch lạc bị tắc trở, kinh lạc bất thông, gây đau.
"Trong đó, hàn là một yếu tố quan trọng, trời lạnh làm người bệnh đau tăng lên. Đặc biệt, ở người già, các chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu, khí huyết đình trệ, vận hành giảm sút, không nuôi dưỡng được cân mạch, gây nên tình trạng đau và thoái hóa khớp", bác sĩ Đại cho biết.
Bảo vệ xương khớp mùa lạnh đúng cách
- Giữ ấm
Cần giữ ấm cơ thể, cổ, ngực, tay, chân, đặc biệt lưu ý giữ ấm các khớp dễ bị thoái hóa như (khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay…).
Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng, cần làm ấm xung quanh vị trí đau bằng xoa dầu hoặc cao nóng, sử dụng túi chườm, lá ngải sao với muối… để các mạch máu giãn ra, khí huyết lưu thông được dễ dàng đến nuôi các khớp.
Tuyệt đối không chườm hay xoa dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau) sẽ khiến tình trạng sưng viêm trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá lạnh, nhiều gió, độ ẩm cao hay có mưa …
- Nghỉ ngơi hợp lý
Để giảm đau cần giảm hoạt động và áp lực cho khớp như dùng gậy chống, vịn tay, mang găng hay miếng dán ở các khớp xương, đeo đai lưng, masage, chườm ấm… Nhân viên văn phòng cần hạn chế ngồi làm việc lâu quá hai giờ.
Để phòng ngừa bệnh xương khớp, cần từ bỏ thói quen ngồi làm việc quá lâu tại một vị trí; hãy tranh thủ một vài phút giải lao đi lại, vận động nhẹ nhàng vừa giúp tinh thần thoải mái vừa ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp cổ, vai, cột sống.
- Chế độ ăn uống hợp lý
Tránh xa một số loại thực phẩm có thể tác động tới bệnh xương khớp vì những thực phẩm này sẽ sinh ra các chất có thể làm tăng gánh nặng cho khớp, trong đó bao gồm: các chất kích thích, thịt đỏ, đồ đông lạnh, phủ tạng động vật, đồ ăn nhanh, đồ ăn có tính nóng, quá chua hay quá mặn.
- Sử dụng thuốc hợp lý
Khi khớp bị đau nhức, nên đi khám bác sĩ sớm để được chỉ định điều trị phù hợp. Không nên tự ý dùng thuốc giảm đau (thường chứa corticoid dễ gây tổn thương dạ dày, phù nề, suy giảm hệ miễn dịch…).
- Rèn luyện xương khớp
Nhiều người đau nhức xương khớp thường sợ đau nên không dám cử động khiến các khớp càng trở nên tê cứng. Tuy nhiên, thực chất, khi bị khớp, mọi người nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng để giúp khí huyết lưu thông, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()