Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:13 (GMT +7)
Lý do nhiều người không thích hộp số vô cấp CVT
Thứ 6, 02/02/2024 | 08:49:20 [GMT +7] A A
Hộp số vô cấp CVT đang ngày càng phổ biến nhờ ưu điểm về tiết kiệm nhiên liệu, giá thành rẻ nhưng vẫn có nhiều thứ khiến hộp số này chưa thể làm nhiều người hài lòng.
Hộp số vô cấp CVT có thể là một trong những thuật ngữ bị chê bai nhiều nhất trong từ điển ô tô. Thậm chí, cụm từ "CVT" còn trở thành cách viết tắt của "không thú vị" để thể hiện quan điểm những người đam mê lái xe số sàn nói riêng cũng như những người lái xe phổ thông nói chung.
Để hiểu tại sao hộp số vô cấp lại bị nhiều người không thích đến vậy, chúng ta phải hiểu hộp số CVT khác với hộp số tự động truyền thống như thế nào. Trong hộp số tự động truyền thống, áp suất thủy lực được sử dụng để kích hoạt việc chuyển số thông qua các bánh răng, còn hộp số CVT hoàn toàn không có bánh răng nào.
Hầu hết các hộp số CVT đều sử dụng hai puly hình nón (chủ động và bị động) nối với nhau bằng dây đai để truyền lực từ động cơ tới các bánh xe. Khi vị trí các puly thay đổi cũng là lúc tỷ số truyền thay đổi.
Điều này nghe có vẻ giống như một khái niệm đơn giản và thực tế hộp số vô cấp CVT đã xuất hiện từ buổi bình minh của ngành công nghiệp ô tô. Năm 1886, Benz Patent Motorwagen là mẫu xe đầu tiên trên thế giới được áp dụng loại hộp số CVT với dây đai và ròng rọc ở dạng thô sơ.
Nhưng phải đến năm 1958, mẫu xe đô thị DAF 600 được trang bị hộp số CVT thô sơ được tích hợp vào trục sau có tên gọi "Variomatic" mới tạo tiếng vang lớn ở châu Âu nhờ khả năng tiết kiệm nhiên liệu vượt trội và kích thước nhỏ gọn. Nhưng vì xe không có số P nên đã bị cấm bán tại Mỹ.
Năm 1989, Subaru giới thiệu mẫu Justy với hộp số CVT hiện đại có sự xuất hiện của số P một lần nữa mở ra cơ hội cho hộp số này. Từ đầu những năm 2000 đến nay, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đều cho ra đời thêm nhiều mẫu xe sử dụng hộp số vô cấp CVT hơn.
Có 2 lý do các nhà sản xuất ô tô này yêu thích hộp số CVT, đặc biệt là trên những mẫu xe phổ thông. Thứ nhất, hộp số CVT có ít bộ phận chuyển động hơn so với hộp số tự động truyền thống giúp cho chi phí sản xuất rẻ hơn.
Thứ hai, hộp số CVT giúp xe tiết kiệm nhiên liệu hơn nhờ tỷ số truyền thay đổi vô hạn và liên tục nên hộp số CVT luôn giữ cho động cơ ở dải vòng tua máy hiệu quả nhất. Trong khi các hộp số CVT đời đầu mất đi một số hiệu suất này do ma sát và nhiệt cao thì các hộp số CVT hiện đại lại tiên tiến hơn nhiều.
Mặc dù đạt hiệu quả hơn về mặt kỹ thuật, nhưng nhược điểm của hộp số CVT là tạo ra tiếng ồn lớn và loại bỏ một số cảm giác về tốc độ do việc chuyển số gây ra. Về mặt chủ quan, điều này cũng làm cho trải nghiệm lái xe trở nên thiếu đi sự thú vị và cảm giác hứng khởi.
Để cải thiện điều này, một số nhà sản xuất ô tô đã giả lập các cấp số ảo để tạo ra các "điểm chuyển số" cho hộp số vô cấp CVT nhằm mô phỏng quá trình thay đổi các bánh răng của hộp số truyền thống.
Bên cạnh đó, họ cũng không ngừng cải tiến hộp số CVT bằng cách can thiệp vào một khâu nào đó trong cơ chế hoạt động của loại hộp số này thông qua các biến thể khác nhau như iVT, Dual CVT hay Direct Shift CVT
Với chiến lược này, các nhà sản xuất ô tô vẫn được hưởng lợi từ hộp số CVT về khả năng thay đổi tỷ số truyền nhanh chóng và giảm chi phí chế tạo mà vẫn có thể đem đến niềm vui cho những người đam mê lái xe.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, ở góc độ người dùng, họ vẫn chưa cảm thấy thực sự thuyết phục, bởi không chỉ có nhược điểm về sự ồn ào khó chịu, thiếu cảm giác lái thú vị, hộp số CVT vẫn còn bị giới hạn ở mô-men xoắn. Lý giải tại sao hộp số này thường chỉ xuất hiện ở những mẫu xe có động cơ dung tích nhỏ và hiếm khi được lắp trên những mẫu xe hiệu suất cao.
Ngoài ra, nhiều người cũng lo ngại về độ tin cậy và tuổi thọ của hộp số CVT. Cuối cùng là dù chi phí chế tạo hộp số CVT rẻ hơn hộp số tự động truyền thống nhưng khi bị hỏng, chi phí sửa chữa lại tốn kém và thường rất đắt đỏ.
Theo Vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()