Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:41 (GMT +7)
Lý giải doanh thu gây "sốc" ở loạt phim lịch sử ăn khách
Thứ 4, 27/04/2022 | 08:38:46 [GMT +7] A A
Nhiều bộ phim lịch sử của Hàn Quốc, hay của Mỹ đã trở thành những phim ăn khách nhất với số vé bán ra xô đổ tất cả các kỷ lục.
Cờ thái cực giương cao (Taegukgi)
“Cờ thái cực giương cao” sản xuất năm 2004 được đầu tư 12,8 triệu USD và thu về gần 70 triệu USD và cho đến nay vẫn là một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc.
Phim lấy bối cảnh chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Một gia đình Hàn Quốc có 2 anh em trai ruột là Jin Tae (Jang Dong Gun) và Jin Seok (Won Bin). Cuộc sống thường nhật đang trôi đi, Jin Tae làm đủ nghề tay chân để kiếm sống nuôi gia đình và em trai Jin Seok đang theo đuổi giấc mơ vào đại học.
Biến cố bắt đầu khi Jin Seok bị bắt đi lính, tham gia vào quân đội Hàn Quốc khi chiến tranh liên Triều nổ ra. Để bảo vệ em trai, Jin Tae cũng lên đường.
“Cờ thái cực giương cao” với đại cảnh là chiến tranh nhưng lấy điểm nhấn là số phận 2 anh em Jin Tae – Jin Seok. Cách họ bị cuốn vào cuộc chiến, mục đích và sự lăn xả khi tham chiến, cho đến khi mất phương hướng và tuyệt vọng giữa cuộc chiến.
Nói cách khác, cuộc chiến xoay vần, biến chuyển theo số phận và góc nhìn của Jin Tae và Jin Seok.
Khi bước vào cuộc chiến, để bảo vệ em trai Jin Seok được an toàn trở về học đại học, Jin Tae đã lăn xả vào những nơi nguy hiểm nhất. Anh luôn xung phong, xông lên phía trước. Jin Tae còn đề cập với các cấp chỉ huy được thay em lâm trận, tham gia tất cả trận đánh nguy hiểm, bất chấp mọi khó khăn… Mục đích của Jin Tae trong cuộc chiến khốc liệt chỉ là để bảo vệ em trai.
Với Jin Seok, cậu lại không hài lòng về điều đó. Cậu không muốn anh trai gặp nguy hiểm. Jin Seok muốn anh trai được trở về nhà, chăm sóc mẹ già, lấy vợ. Giấu kín mục đích bảo vệ lẫn nhau, 2 anh em lại ra mặt mâu thuẫn, cãi vã. Nhưng mâu thuẫn giữa họ lại dần hình thành một cách sâu sắc khi biến cố của cuộc chiến ngày càng khó lường.
Cuộc chiến đẩy họ ra xa nhau với khoảng cách vời vợi, đẩy họ đứng giữa 2 chiến tuyến với đầy cay đắng, nghiệt ngã...
Với cách kể câu chuyện chiến tranh lấy tâm điểm về tình anh em, xoay quanh số phận 2 nhân vật Jin Tae và Jin Seok, “Cờ thái cực giương cao” trở thành bức tranh thời đại vừa đủ bao quát vừa cá nhân hóa, vừa mô phỏng lại một chiến khốc liệt trong súng đạn, vừa thể hiện sự khốc liệt bao trùm lên số phận từng con người tham chiến.
Số phận bi thương, sự mất phương hướng và tuyệt vọng trong chiến tranh của anh em Jin Tae và Jin Seok cũng là tâm trạng của cả một thế hệ thanh niên ở Hàn Quốc những năm 1950.
Với cách kể đầy thấu cảm về số phận con người, “Cờ thái cực giương cao” đã chạm đến trái tim hàng triệu khán giả.
Đại thủy chiến
“Đại thủy chiến” là phim lịch sử ra mắt năm 2014 đã làm khuynh đảo các phòng vé Hàn Quốc. Phim được đầu tư 18,6 triệu USD và thu về gần 112 triệu USD, doanh thu gấp gần 6 lần chi phí sản xuất. Đây là bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc đoạt doanh thu hơn 100 triệu USD, và hiện luôn nằm trong top những phim có doanh thu lớn nhất mọi thời đại.
“Đại thủy chiến” miêu tả lại trận hải chiến nổi tiếng trong cuộc chiến Hàn – Nhật năm 1597. Trong bối cảnh lịch sử, đô đốc Yi Sun Sin chỉ còn lại 13 chiến thuyền (sau trận thua thảm hại của đô đốc Won Gyun), họ sẽ phải đấu với hạm đội gồm 330 chiến thuyền của Nhật Bản.
Tướng Nhật Michifusa tự tin, dũng mãnh đến mức chủ quan khi bước vào cuộc hải chiến không cân sức, khi mà nhìn bằng mắt thường, phần thắng dường như đã chắc chắn nằm ở phía Nhật.
Quân sĩ của đô đốc Yi Sun Sin run rẩy, sợ hãi. Bằng mưu trí, sự tính toán, và khả năng dàn trận của vị tướng bậc thầy, Yi Sun Sin đã có những quyết định táo bạo, thay đổi cục diện trận đấu. Đây được đánh giá là trận thủy chiến huyền thoại của quân đội Hàn.
“Đại thủy chiến” được dàn dựng với những cuộc giao tranh trên biển hoành tráng, choáng ngợp. “Đại thủy chiến” là bài ca mãnh liệt và hùng tráng về tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc của người Hàn.
Ngay khi ra mắt, “Đại thủy chiến” thu hút 17 triệu lượt khán giả ra rạp. Nhiều khán giả Hàn Quốc chia sẻ, khi chiêm ngưỡng và thưởng thức “Đại thủy chiến”, họ đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, là sự xúc động trước tinh thần quả cảm của vị tướng tài ba, là niềm tự hào về lịch sử dân tộc, là cả sự “choáng váng” đến “mất tinh thần” trước những đại cảnh cuộc thủy chiến được dàn dựng như trong mơ.
Hollywood cũng là “mảnh đất màu mỡ” với nhiều dự án phim lịch sử, chiến tranh nổi tiếng có doanh thu “khủng”. Trong đó có thể kể đến bộ phim “Giải cứu binh nhì Ryan” với kinh phí 70 triệu USD đã thu về 481,8 triệu USD. Hay bộ phim “Dunkirk” với kinh phí 100 triệu USD đã thu về 526.9 triệu USD.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()