"Malaysia từng ngỏ ý tham gia BRICS và giờ đây đã đưa ra quyết định phù hợp. Chúng tôi sẽ sớm khởi động quy trình chính thức", Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 17/6 thông báo tại Thượng Hải, trong cuộc phòng vấn với trang Guancha của Trung Quốc.
Ông cho biết chính phủ Malaysia đang tham vấn quy trình gia nhập BRICS với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, đồng thời chờ phản hồi từ chính phủ Nam Phi.
Ông Anwar đánh giá BRICS có "ý nghĩa chiến lược" với Malaysia, đồng thời nhận định vị trí địa lý của nước mình sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khối. Malaysia nằm giáp eo biển Malacca, cầu nối vận tải hàng hải quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
"Phương Tây muốn kiểm soát quỹ đạo của thế giới, nhưng chúng ta không thể tiếp tục chấp nhận điều này. Các quốc gia độc lập có quyền tự do bày tỏ nguyện vọng. Trật tự thế giới đơn cực không còn tồn tại. Sự trỗi dậy của BRICS và Trung Quốc đang mở ra niềm hy vọng mới về kiểm soát và cân bằng quyền lực toàn cầu", Thủ tướng Anwar bình luận.
Khối các nền kinh tế mới nổi được thành lập năm 2006 với 4 thành viên đầu tiên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg của Nga, trước khi kết nạp Nam Phi năm 2011.
Khối kết nạp thêm 5 thành viên vào tháng 1, gồm Ai Cập, Iran, Arab Saudi, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arb Thống nhất (UAE).
Nga năm nay giữ ghế chủ tịch luân phiên của BRICS. Đại sứ Nga tại Trung Quốc ngày 6/6 tuyên bố đã có khoảng 30 nước bày tỏ mong muốn gia nhập tổ chức, ghi nhận tầm quan trọng chiến lược của BRICS về hội nhập và phát triển kinh tế toàn cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 6 bày tỏ mong muốn tham gia BRICS, đánh giá tổ chức có tiềm năng thay thế Liên minh châu Âu (EU). Thái Lan vào tháng 5 thông qua dự thảo văn kiện bày tỏ mong muốn gia nhập "càng sớm càng tốt", đánh giá BRICS sẽ giúp tăng cường vị thế của Thái Lan trong hợp tác giữa các nền kinh tế đang phát triển và hợp tác với Trung Quốc.
Ý kiến ()