Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 22:07 (GMT +7)
Mang bệnh vào… mắt vì dùng thuốc tùy tiện
Thứ 6, 06/09/2024 | 11:35:11 [GMT +7] A A
Đôi mắt của chúng ta luôn đòi hỏi sự chăm sóc cẩn thận. Thế nhưng hiện nay nhiều người dùng các thuốc nhỏ mắt, thuốc uống với mục đích phòng bệnh cho mắt, mà chưa biết được hiệu quả thực như thế nào, thậm chí nếu dùng không đúng phương pháp còn rước thêm bệnh cho mắt.
Khi nào nhỏ mắt với nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo?
Một loại thuốc nhỏ mắt được nhiều người tin dùng hàng ngày đó là nước muối sinh lý (gọi là thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9%). Thuốc chỉ chứa muối NaCl với nồng độ giống như nước mắt, nhằm đạt độ đẳng trương làm dịu mắt, cung cấp nước cho mắt bị khô và làm sạch mắt.
Thực ra nếu mắt đang bình thường, không có gì khác thường (ngứa, đỏ mắt..) thì không nên dùng bất cứ loại thuốc nào để nhỏ vào mắt, kể cả với chế phẩm có vẻ “vô hại” như nước muối sinh lý. Chỉ khi nào làm việc bằng mắt nhiều, cảm thấy mỏi mắt, khô mắt, hoặc khi tiếp xúc với môi trường có nhiều bụi, thì có thể nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, để làm sạch mắt.
Một số người thường xuyên dùng “nước mắt nhân tạo” có chứa các chất tăng độ nhầy, gọi chung là hydrogel (một số loại hydrogel thường gặp: hydroxypropyl methylcellulose, carboxy methylcellulose, hyaluronic acid…), giúp “nước mắt nhân tạo” lưu giữ lâu hơn trên bề mặt nhãn cầu.
Nước mắt nhân tạo được kê đơn trong những trường hợp có bệnh lý làm cho mắt bị khô, không tiết đủ nước mắt, nên mắt không có đủ độ trơn nhầy. Còn với mắt bình thường, lượng nước mắt luôn được tiết ra đủ để bảo vệ mắt thì việc dùng nước mắt nhân tạo là thừa.
Khi nhỏ mắt để rửa mắt, làm dịu mắt, hoặc dùng “nước mắt nhân tạo” để chống khô mắt cũng cần lưu ý, nhỏ mắt một thời gian thấy cải thiện thì ngưng, chỉ khi nào triệu chứng mỏi mắt, khô mắt tái phát mới dùng thuốc nhỏ mắt trở lại. Đừng lạm dụng “nước mắt nhân tạo” bởi khi dùng loại thuốc này vẫn có thể bị tác dụng phụ như kích ứng làm ngứa mắt, nóng rát, xốn mắt, dị ứng gây đỏ mắt, xung huyết kết mạc, viêm bờ mi… Nếu nhỏ thuốc mà bị các rối loạn vừa kể phải ngưng ngay và đi khám bác sĩ. Đây là lời khuyên của TS.BS Khánh Vân (BV Mắt TW).
Phòng đau mắt bằng thuốc nhỏ mắt, thật không sai lầm nào tai hại hơn
Thực tế không ít người còn có thói quen dùng thuốc nhỏ mắt hàng ngày để giúp rửa sạch mắt, chống ngứa mắt. Cách “phòng bệnh hơn chữa bệnh” này phản ánh sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng. Những loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh thông thường (chloramphenicol, polymyxin B và neomycin ) đến cả loại thuốc phối hợp kháng sinh và corticoid được dùng tùy tiện. Việc này thực chất là lạm dụng thuốc vì kháng sinh nhỏ mắt chỉ có tác dụng khi mắt bị nhiễm khuẩn (đau mắt đỏ, viêm giác mạc, viêm mi mắt…), chứ không có tác dụng phòng bệnh. Hơn nữa, corticoid là chất kháng viêm rất mạnh, dùng đúng chỉ định sẽ đem lại kết quả điều trị tốt, còn sử dụng không đúng, lạm dụng thuốc sẽ gây biến chứng rất nghiêm trọng. Trường hợp bệnh nhân bị viêm loét giác mạc do nấm hay herpes, nếu nhỏ corticoid sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc. Trong trường hợp sử dụng kéo dài sẽ gây đục thủy tinh thể (cườm khô) và tăng nhãn áp (cườm nước) dẫn đến giảm thị lực, thậm chí mù mắt vĩnh viễn.
Thế còn uống thuốc bổ mắt thì sao?
Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc bổ mắt dạng viên uống được quảng bá rộng rãi với nhiều tác dụng như: giúp sáng mắt, chống khô mắt, nhìn rõ hơn, phòng ngừa các bệnh như đục thủy tinh thể, giảm thị lực,... Thực chất thành phần chính trong các thuốc bổ mắt kể trên chứa các vitamin A,C,E, một số vitamin nhóm B…, hoặc chứa các carotenoid tác dụng tốt cho mắt như lutein, zeaxanthin…, hoặc chứa thêm chondroitin (từ sụn vi cá mập) cũng được xem là tốt cho mắt. Đây là những chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho mắt chứ không có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh. Mà thông qua thực phẩm chúng ta cũng có thể bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho mắt. Chả hạn như các thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C, kẽm, nước...
Thậm chí có người còn cho con dùng như một giải pháp để phòng bệnh cận thị. Thật ra, không có loại thuốc bổ mắt nào có thể ngăn ngừa được bệnh cận thị và ngay cả những người đã bị cận rồi mà uống thuốc bổ mắt cũng không thể làm thị lực tốt hơn được. Dù nhiều loại thuốc bổ mắt ghi rõ ngăn ngừa và điều trị bệnh đục thủy tinh thể, nhưng xem kỹ các thành phần của thuốc không hề có tác dụng phòng ngừa bệnh này.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()