Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 06/10/2024 04:23 (GMT +7)
Vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa
Chủ nhật, 29/09/2024 | 09:47:03 [GMT +7] A A
Được bao quanh bởi địa hình hiểm trở, núi rừng, phường Quang Hanh, mảnh đất cửa ngõ phía Tây TP Cẩm Phả đã trải qua quá trình phát triển lâu dài, đây là nơi cư trú lâu đời của cộng đồng các dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Tày, Hoa... Theo các tư liệu lịch sử, trước thế kỷ thứ XIX, Quang Hanh có tên gọi là Thạch Long thôn, thuộc xã Cẩm Phả, châu Tiên Yên, phủ Hải Đông, xứ Quảng Yên.
Theo bản đồ huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Yên thời Đồng Khánh (1886-1888) đã vẽ, trong đó ghi những địa danh là Hanh sơn, Hanh trì... Cái tên làng xã Quang Hanh cũng được đặt tên từ đó. Có tài liệu cho rằng, những người đặt chân đầu tiên tới mảnh đất này là người Kinh. Họ đi biển, qua hang Hanh, đầm Hanh lấy nước ngọt, tránh bão rồi định cư. Lại có ghi chép cho rằng, những người khai phá, phát hiện giá trị vùng đất này đầu tiên là tộc người Sán Dìu đến đây lập nghiệp, lập làng, lập xã.
Công lao các tiên công từ thuở hồng hoang đó được nhân dân thờ tại đình làng Quang Hanh và được suy tôn là Thành hoàng làng. Xã Quang Hanh trước năm 1945 được chia làm 4 làng gồm: Đồng Lớn, Làng Cũ, Làng Đại và Làng Bãi. Tiến sĩ Trần Quốc Hùng, Viện Nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số thuộc Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, từng nghiên cứu kỹ về văn hóa và địa lý vùng đất này đánh giá, Quang Hanh có lịch sử hình thành, phát triển lâu dài, gắn liền với sự phát triển, hội tụ cư dân nhiều vùng miền, tạo ra sự đa sắc, độc đáo về văn hóa, góp phần phát triển vùng đất tươi đẹp.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), xã Quang Hanh là đơn vị hành chính thuộc châu Cẩm Phả, khu đặc biệt Hòn Gai, châu Quảng Yên (1946), rồi thuộc thị xã Cẩm Phả, đặc khu Hồng Quảng và trở thành phường Quang Hanh vào ngày 1/9/2001 theo Nghị định số 51/CP của Chính phủ.
Năm 1946, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhân dân Quang Hanh đã luôn hướng về kháng chiến, ủng hộ Việt Minh, dũng cảm nuôi giấu cán bộ, và cơ sở bí mật, đấu tranh chống mật thám Pháp và bọn Việt gian. Đình Quang Hanh trở thành nơi diễn ra những cuộc họp bí mật, nơi trung chuyển cán bộ cách mạng và lương thực cho khu mỏ và chiến khu Đông Triều, Hoành Bồ.
Phát huy những truyền thống lịch sử, Quang Hanh hôm nay là nơi kết tinh những giá trị truyền thống bao đời nay, nơi gìn giữ phát huy được các giá trị của các dân tộc Kinh, Sán Dìu, Tày, Hoa... trên địa bàn. "Nhờ những thế mạnh, giá trị văn hoá đó, phường đã được định hướng và phát huy sức mạnh tổng hợp để trở thành điểm nhấn phía Tây TP Cẩm Phả" - đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy phường Quang Hanh chia sẻ.
Nhờ đó, trong chặng đường phát triển 23 năm qua, Quang Hanh đã nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện. Trong đó, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, du lịch và dịch vụ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Quang Hanh hiện là nơi tập trung các nhà máy, mỏ than lớn. Địa phương còn phát huy giá trị nguồn tài nguyên nước khoáng Quang Hanh và đưa nơi đây thành điểm nghỉ dưỡng khoáng nóng tầm cỡ quốc tế. Quang Hanh trở thành điểm nhấn du lịch dịch vụ của Cẩm Phả với nét đặc sắc Lễ hội đình Quang Hanh, khu bãi tắm Lương Ngọc, khu quần thể vịnh Bái Tử Long, thu hút du khách.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()