Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:53 (GMT +7)
Mặt bằng phố cổ một thời giành giật, giờ hạ giá hết cỡ vẫn vắng khách thuê
Thứ 6, 18/06/2021 | 11:07:34 [GMT +7] A A
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều cơ sở kinh doanh tại Hà Nội phải đóng cửa, trả mặt bằng, giá mặt bằng cho thuê tiếp tục bị kéo xuống.
Trước đây, các khu phố nổi tiếng tại Hà Nội như phố Huế, Bà Triệu, Lý Quốc Sư, Cầu Gỗ... luôn sầm uất, nhộn nhịp khách mua bán, vui chơi, giải trí.
Mặt bằng tại đây luôn có mức giá cho thuê khá cao, thường được tính theo m2 với giá dao động 1,8 - 3 triệu đồng/m2. Tính ra, mỗi mặt bằng có diện tích khoảng 50 m2 đã có giá thấp nhất 90 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí và chất lượng có thể lên tới 150 triệu đồng/tháng.
Với mức giá thuê cao như vậy, tưởng chừng không ai dám mạo hiểm thuê nhưng theo chị H.P. - nhân viên của một sàn thuê mặt bằng online - khách hàng còn giành giật nhau để thuê, thậm chí còn mất một khoản phí với chủ nhà hoặc chấp nhận đóng trước nhiều tháng hơn để được thuê.
Nhưng hiện nay, theo khảo sát của phóng viên, tại phố Cầu Gỗ, giá thuê thậm chí còn giảm tới 60 - 70% so với trước. Cụ thể, một mặt bằng trên phố Cầu Gỗ có diện tích 50 m2, thông sàn, mặt tiền lên tới 7 m trước đây được cho thuê làm siêu thị tiện lợi với giá hàng trăm triệu đồng/tháng nhưng nay chỉ còn khoảng 58 triệu đồng/tháng.
Theo người môi giới, nếu đàm phán thêm với chủ nhà, giá sẽ chỉ còn khoảng 50 - 53 triệu đồng/tháng.
Một căn nhà khác cũng trên phố Cầu Gỗ trước đây được chủ nhà cho khách thuê để kinh doanh quần áo có chiều sâu hơn 40m, mặt tiền 3m với giá 120 triệu đồng/tháng. Song hiện tại, giá thuê chỉ còn khoảng 35 triệu đồng/tháng. Thậm chí, nếu khách ưng thì chủ nhà sẽ giảm thêm.
Trên phố Lý Quốc Sư, một loạt mặt bằng đang để trống mà chưa có khách thuê. Các mặt bằng có diện tích rất đa dạng, từ 12m2 cho đến 300m2. Với các mặt bằng lớn, người thuê phải thỏa thuận giá, còn lại được cho thuê với giá dao động từ 20 đến 80 triệu đồng/tháng, tùy vị trí và diện tích.
Mức giá này được giới môi giới bất động sản đánh giá là rẻ hơn rất nhiều so với giá 1,8 - 2 triệu đồng/m2 trước dịch.
Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự với các chủ mặt bằng khác tại Hà Nội. Có nơi, chủ mặt bằng giảm giá 50-70% nhưng vẫn vắng bóng khách thuê như tại Kim Mã. Chủ nhà thậm chí còn phải tính đến phương án cho thuê trọ để có thêm thu nhập.
Không ít chủ nhà phải chấp nhận vừa cho khách thuê nhà với giá rẻ hơn, vừa cho khách xây thêm tầng lửng để tăng diện tích kinh doanh. Theo đó, một chủ nhà trên phố Hai Bà Trưng đang có mặt bằng diện tích 32 m2 và phía sau là buồng nhỏ 12 m2, tổng diện tích khoảng 44 m2. Trước khi có dịch, giá thuê tại đây rất cao, nhưng khoảng hơn 1 năm trở lại đây, chủ nhà chỉ thu khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, tới đợt dịch lần này, người thuê gần nhất cũng đã phải trả mặt bằng và rời đi. Ít khách, chủ nhà thậm chí còn cho phép khách cơi nới thêm tầng lửng, bất chấp việc này có thể ảnh hưởng tới kết cấu căn nhà. Ngoài ra, chủ nhà còn chấp nhận giảm xuống 25 triệu đồng/tháng để hỗ trợ khách thuê trong mùa dịch. Khách thậm chí còn không phải đóng trước tiền trước, mà chỉ cần đóng theo tháng và một tháng tiền cọc.
Bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho biết, thời điểm trước dịch, yếu tố vị trí thuận tiện và trung tâm đã giúp các chủ cửa hàng mặt phố dễ dàng hút khách, nhất là khách du lịch. Nhờ đó có được mức kinh doanh và tăng trưởng ổn định.
Giai đoạn trong dịch COVID-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể.
Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20 - 30%, thậm chí 50% nhưng vẫn "mỏi mắt" tìm khách thuê. Theo bà, nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn.
Đánh giá về biện pháp thích ứng với dịch bệnh qua các giai đoạn khác nhau, bà Minh cho rằng các chủ mặt bằng bán lẻ, bao gồm shophouse, các bên cho thuê trung tâm thương mại, các sàn khối đế của chung cư, tòa nhà thương mại, cần có những điều chỉnh linh động và thực tế.
Với shophouse và các cửa hàng bán lẻ mặt phố, các chủ mặt bằng nên điều chỉnh lại mức giá cho thuê và tiến độ thanh toán hợp lý, thay vì cho thuê "một mình một giá và một tiến độ thanh toán".
Thường có những trường hợp tiến độ thanh toán lên đến 6 tháng/lần hay 1 năm/lần do nhu cầu của khách thuê theo các mặt bằng bán lẻ khá cao. Song, với tình hình kinh doanh hiện nay của các hãng bán lẻ, việc tồn đọng vốn do chi trả cho thuê mặt bằng quá dài cũng là một trong những yếu tố khiến khách thuê không thể chi trả, không thể duy trì được mức giá cũ, và cũng không theo được tiến độ chi trả như trong điều kiện trước đây.
Theo VTV
Liên kết website
Ý kiến ()