Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 22:32 (GMT +7)
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Thứ 2, 26/10/2009 | 10:48:21 [GMT +7] A A
Liên tiếp những ngày vừa qua, các cơ quan quản lý di tích từ tỉnh đến trung ương phải ra văn bản liên quan đến việc xâm hại di tích khảo cổ học Đầu Rằm, xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng. Cả 3 công văn của Bộ VH-TT&DL (ngày 8-10), UBND tỉnh (20-10) và Sở VH-TT&DL (21-10) đều có chung một nội dung: Đình chỉ ngay việc khai thác đá tại di tích Đầu Rằm.
Đầu Rằm là 2 dãy núi đá vôi thấp nằm chếch nhau như cung lông mày, thuộc xã Hoàng Tân. Tại đây có di tích cư trú của người Việt cổ thời đại kim khí (cách ngày nay khoảng 3.500- 3.300 năm, phân bố trên võng Yên Ngựa) và di tích mộ táng thuộc giai đoạn Văn minh Đông Sơn (cách ngày nay trên dưới 2.000 năm, phân bố ở bãi cát dưới chân núi). Năm 1998, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở VH-TT (nay là Sở VH-TT&DL) khai quật di tích Đầu Rằm lần thứ nhất và mới đây hai bên lại phối hợp khai quật lần thứ 2 (tổ chức vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-2009). Trong lần khai quật thứ nhất, chỉ trong diện tích gần 100m2, các nhà khảo cổ đã thu được rất nhiều hiện vật. Đồ bằng đá có rìu, vòng, khuyên, mũi khoan; đồ đồng có mũi tên, lưỡi câu, dao găm, giáo; đồ gốm, đất nung có nồi, vò, bình, dọi xe chỉ, cùng vô số vỏ nhuyễn thể, xương động vật là tàn tích thức ăn người xưa để lại...
Theo các nhà khoa học, di tích Đầu Rằm có giá trị khoa học và lịch sử rất quý hiếm, quan trọng, phản ánh lịch sử của tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Năm 1998, sau khi kết thúc khai quật, các nhà khảo cổ đã tổ chức hội nghị báo cáo khoa học với UBND huyện Yên Hưng và Sở VH-TT, trong đó đã kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp bảo vệ di tích này. Thời điểm này, có một doanh nghiệp là Công ty CP đá Tháng Mười đã và đang tiến hành khai thác đá tại Đầu Rằm (có giấy phép), đồng thời người dân trong xã đã khai thác đất ở chân núi - nơi có di tích. Tiếc thay, Sở VH-TT và UBND huyện Yên Hưng đã bỏ ngoài tai những kiến nghị đó; không tham mưu với UBND tỉnh để dừng việc khai thác đá; đề xuất lập quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích lâu dài. Quá trình khai thác đá sau đó vẫn tiếp tục cho đến nay, hậu quả là di tích núi Đầu Rằm đã gần như bị san phẳng, biến mất. Cùng với di tích bị xâm hại, ai biết được đã có bao nhiêu cổ vật đã bị mất đi trong quá trình khai thác đá?
Sự việc di tích núi Đầu Rằm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo tồn các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh hiện nay. Những năm qua, đã có không ít di tích khảo cổ quý như: Bồ Chuyến (Đại Yên, TP Hạ Long), Thoi Giếng (Vạn Ninh, Móng Cái), Ngọc Vừng (Vân Đồn)... đã bị mất đi vì ý thức chủ quan của con người, vì những lợi ích kinh tế trước mắt.
Các cụ ta xưa có câu “Mất bò mới lo làm chuồng” hàm ý chê người nào không dự phòng trước những tác hại có thể xảy ra. Nay suy ra chuyện về di tích Đầu Rằm thấy quả như vậy. Tiếc rằng, “chuồng” có thể làm được nhưng “bò” quý dẫu có ngàn vàng cũng chẳng thể mua nổi nữa.
Liên kết website
Ý kiến ()