Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:36 (GMT +7)
Máy tạo Oxy tại nhà là gì? Lưu ý gì khi sử dụng? Máy tạo Oxy có phải là máy thở không?
Thứ 4, 11/08/2021 | 12:12:50 [GMT +7] A A
Bài viết từ FDA Hoa Kỳ về máy tạo Oxy và máy đo nồng độ Oxy trong máu SpO2.
“Đưa vào người quá nhiều hoặc quá ít oxygen đều nguy hiểm."
Hãy tham vấn với bác sĩ trước khi sử dụng máy đo nồng độ Oxy trong máu và máy tạo Oxy tại nhà.
Con người cần có Oxy để tồn tại, phổi sẽ đưa Oxy vào máu đi khắp cơ thể. Đôi khi lượng Oxy trong máu tụt xuống thấp hơn ngưỡng bình thường. Các bệnh như suyễn, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn, cúm, Covid19 vv có thể là nguyên nhân khiến lượng Oxy trong máu sụt giảm. Khi nồng độ Oxy trong máu giảm xuống quá thấp, ta cần phải bổ sung Oxy cho cơ thể.
Một trong những cách bổ sung Oxy cho cơ thể là dùng máy cô đặc Oxy (máy tạo Oxy). Máy tạo Oxy là dụng cụ y tế, chỉ bán và sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Bạn không nên sử dụng máy tạo Oxy tại nhà nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý dùng Oxy không qua tham vấn có thể gây hại cho cơ thể. Bạn có thể đưa vào người quá nhiều hoặc quá ít Oxy.
Tự dùng máy tạo Oxy có thể dẫn đến các hệ quả sức khỏe nghiêm trọng ví dụ như nhiễm độc Oxy. Với các bệnh nhân Covid19, việc cung cấp Oxy tại nhà có thể làm chậm quá trình cấp cứu, ảnh hưởng xấu đến diễn tiến bệnh.
Không khí bạn thở có 21% là Oxy, hít thở Oxy liều lượng cao có thể gây hư hại phổi. Ngược lại, nếu cơ thể không nhận đủ Oxy có thể ảnh hưởng đến tim, não và các cơ quan nội tạng khác.
Nếu bạn cần điều trị Oxy, tốt nhất nên tham vấn với bác sĩ về liều lượng sử dụng, thời gian sử dụng để tránh tác hại.
Những điều cần biết về máy tạo Oxy tại nhà
Máy tạo Oxy tại nhà sẽ lấy không khí trong phòng, loại bỏ khí Ni tơ và cho ra Oxy với nồng độ cao, dùng để điều trị y tế.
Máy tạo Oxy có nhiều kích cỡ to nhỏ và giá tiền khác nhau. Vào thời điểm này, FDA chưa phê chuẩn cho máy tạo Oxy nào với mục đích sử dụng tại nhà mà không có toa bác sĩ.
- Khi dùng máy tạo Oxy hoặc bình Oxy: Lưu ý tránh xa lửa, tia lửa.
- Để máy nơi thoáng đãng, tránh hiện tượng máy bị quá nhiệt.
- Không được chặn các van hay cửa gió trên máy.
- Kiểm tra thông tin trên máy để đảm bảo lượng Oxy cung cấp ra đủ dùng.
Nếu bạn được chỉ định điều trị bằng Oxy nồng độ cao, hoặc có triệu chứng Covid19, cần tham vấn với bác sĩ trước khi điều chỉnh liều lượng Oxy từ máy tạo Oxy.
Máy đo nồng độ Oxy cá nhân là gì?
Máy đo nồng độ Oxy cá nhân (SpO2 - pulse oximeter) là thiết bị thường kẹp vào đầu ngón tay, máy sẽ dùng ánh sáng đo nồng độ Oxy trong máu.
Máy đo bằng ánh sáng nên có thể xảy ra hiện tượng đo không chính xác. Còn tùy thuộc vào màu da, độ dày của da, nhiệt độ da, hút thuốc, sơn móng tay vv cũng đều có thể ảnh hưởng đến kết quả đo. Các máy đo nồng độ Oxy cá nhân hiện nay đều chưa được FDA phê duyệt cho mục đích y tế, kết quả đo chỉ có giá trị tham khảo.
Nếu bạn dùng máy đo nồng độ Oxy và thấy kết quả đáng ngại, cần liên lạc với bác sĩ. Không nên phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả từ máy đo. Cần phài xem xét thêm triệu chứng và cảm nhận của cơ thể, cần liên lạc với y tế nếu triệu chứng của bạn trở nên xấu đi.
Để đạt kết quả đo nồng độ Oxy tốt nhất, cần lưu ý:
- Cần tham vấn với bác sĩ về số lần đo, thời gian đo thích hợp.
- Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thiết bị đo.
- Khi kẹp máy đo nồng độ Oxy, chú ý để tay ấm, thư giản, bàn tay thấp hơn tim. Ngón tay không sử dụng sơn móng.
- Ngồi yên, không cử động cánh tay có gắn máy đo.
- Chờ vài giây đến khi số hiện trên máy đo đứng yên, không dao động.
- Ghi lại số Sp02, thời gian đo, để tham chiếu với lần đo sau.
Một số biểu hiện của thiếu Oxy trong máu:
- Da mặt xanh, môi tái, móng tay tái xanh.
- Hơi thở ngắn, khó thở, ho kéo dài không cải thiện.
- Bồn chồn, kém thoải mái.
- Đau tức ngực, thắt ngực.
- Nhịp tim cao bất thường.
- Lưu ý rằng nhiều người có nồng độ Oxy trong máu thấp nhưng lại không có các biểu hiện trên.
Vậy Máy tạo Oxy có phải là Máy thở không?
Máy tạo Oxy là Oxygen concentrator, máy thở là Ventilator, máy tạo Oxy không phải là Máy thở.
Máy tạo Oxy chỉ đưa Oxy ra ống hoặc mũ chụp, người dùng phải chủ động hít thở Oxy vào người.
Máy thở thì sẽ có thiết bị chủ động đưa không khí vào phổi người sử dụng. Và máy thở sẽ có 2 loại là xâm lấn và không xâm lấn.
Máy thở không xâm lấn (NIV - Non Invasive Ventilaton)
Thường đi kèm theo một mũ chụp lên mặt, mô tơ bơm hoặc bóng thở sẽ hỗ trợ người mang máy thở dễ dàng hơn. Khi áp dụng chế độ thở này bắt buộc bệnh nhân phải tỉnh táo và cơ hô hấp còn hoạt động được và tránh được phải dùng máy thở xâm lấn, có thể gây nhiều biến chứng và tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Máy thở xâm lấn là hình thức thông khí nhân tạo qua nội khí quản hoặc mở khí quản, phương thức này áp dụng cho bệnh nhân không tự thở được. Máy thở xâm lấn được chỉ định trong hầu hết các suy hô hấp cấp, khi bệnh nhân bị tổn thương phổi cấp do chấn thương đụng dập phổi, do đuối nước vv…
Việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành.
Máy thở không phải là dụng cụ y tế cá nhân, gần như không thể sử dụng máy thở hiệu quả tại nhà nếu không có chuyên môn.
Theo Bộ Y Tế:
Chuyên gia của Bộ Y tế đã có cảnh báo việc người tiêu dùng tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí vì không thể tự sử dụng. Khi mắc COVID-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở. Hơn nữa, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành.
Bên cạnh đó nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy, nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở. Ngoài ra, bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy, nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định. Hơn nữa, việc mua, tích trữ máy thở mà không sử dụng đến, còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường.
Theo tinhte.vn
Liên kết website
Ý kiến ()