Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 12:18 (GMT +7)
Mẹ chồng giờ đây không còn tai quái
Thứ 4, 22/03/2023 | 14:09:53 [GMT +7] A A
Phim Việt vốn quay vòng với mô típ mẹ chồng cay nghiệt, khó tính đã có sự gia giảm, khiến người xem "dễ thở" hơn với hình ảnh mẫu mực, tinh tế. Thời gian trước đó, vai mẹ chồng độc đoán, quái đản từng khiến khán giả không ít lần bức xúc, đau đầu.
Nhiều năm nay, phim truyền hình Việt có nhiều tác phẩm khai thác về đề tài gia đình, đặc biệt là mối quan hệ muôn thuở không bao giờ cũ: Mẹ chồng – nàng dâu. Hình ảnh mẹ chồng gắn liền với sự tai quái, độc địa, gây ám ảnh các cô con dâu từ phim cho tới đời thực.
Ám ảnh trước những bà mẹ chồng tai quái trên màn ảnh
“Ghê gớm thế, ghê gớm thế, lại ghê gớm à?” – đó là phản ứng đầu tiên của NSND Lan Hương khi đọc kịch bản Thương ngày nắng về bởi nghệ sĩ tiếp tục đảm nhận vai diễn bà mẹ chồng ghê gớm.
Đạo diễn Bùi Tiến Huy khi đó đã phải thuyết phục nghệ sĩ “u làm nốt lần này, lần sau hiền” mới nhận được cái gật đầu của NSND Lan Hương.
Phản ứng của nghệ sĩ Lan Hương “bông” cũng không lạ bởi 4 năm trước đó, bà khiến nhiều khán giả nữ hãi hùng cảnh “sống chung với mẹ chồng”. Hình ảnh bà Phương lẫn những phát ngôn cay độc, quái gở trong phim giờ vàng Sống chung với mẹ chồng gây sốt dư luận một thời: "Nhà tôi vô phúc, vô phúc mới có một đứa con dâu như chị", “Vợ cũng chỉ là một đứa con gái xa lạ ở đẩu ở đâu về đây, không lấy đứa này thì lấy đứa khác. Còn mẹ, mẹ chỉ có một mà thôi”, “Ai cho phép cô cưỡi lên người con trai tôi”, “Tốt mái hại trống”, “Để đàn bà con gái cưỡi lên đầu lên cổ, sau này không ngóc đầu lên nổi đâu”…
Đóng vai diễn trùng lặp, NSND Lan Hương cố gắng tìm ra màu sắc mới, thổi hồn vào nhân vật bà Hiền (Thương ngày nắng về) có phong cách thời trang “trông như con vẹt”. Nhân vật mẹ chồng này tính cách hướng ngoại, thích ca múa, không thích động chạm việc nhà. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu của bà Hiền cũng không khá khẩm hơn phim trước, thậm chí nhân vật này còn ghê gớm, quá quắt hơn nhiều. Vì bênh vực con ruột, bà hùa vào bôi xấu, vu oan con dâu Khánh (Lan Phương đóng) ngoại tình, mắng nhiếc gia đình thông gia không biết dạy con.
Kể chuyện ghi hình trên phim trường, nữ nghệ sĩ cho biết bà thường phải nói to, nâng tông giọng, nhiều lúc mệt lả, khàn giọng vì phải quay đi quay lại nhiều lần. Hẳn thế mà, NSND Lan Hương gắn liền với biệt danh “bà mẹ chồng ghê gớm nhất vịnh Bắc Bộ”. Nhận nhiều phản ứng phẫn uất của của khán giả, NSND Lan Hương từng hài hước nói: “Ức chế thế chứ! Biết thế chả nhận vai này!”.
Biến hóa trong nhiều lần xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, NSƯT Thanh Quý từng bị ghét vì đóng mẹ chồng trong Hoa hồng trên ngực trái. Nhân vật bà Kim hành hạ con dâu bằng những lời nói móc mỉa, thậm chí thù ghét đến mức âm thầm bỏ thuốc khiến cô không thể mang thai. Chính bà là nguyên nhân dẫn đến cuộc sống hôn nhân của vợ chồng con trai tan nát. Tất cả đều xuất phát từ việc hiểu lầm trong quá khứ, đến khi bà Kim nhận ra, mọi chuyện đã không thể cứu vãn.
Trong Cả một đời ân oán, NSƯT Mỹ Uyên hóa thân thành bà Lan - mẹ chồng độc đoán. Thâm tâm bà chưa bao giờ thực sự hài lòng về con dâu Dung (Hồng Diễm thủ vai). Đến khi xảy ra biến cố gia đình, bà Lan trở nên ích kỷ, đặt lợi ích của gia tộc lên hàng đầu mà bỏ qua cảm xúc của những người thân yêu. Nhân vật này vốn dĩ không ác nhưng thiếu sự cảm thông. Vì quá yêu con, luôn yêu cầu sự chu toàn đến mức hoàn hảo dẫn đến mâu thuẫn không thể gỡ bỏ.
Nói đến những bà mẹ chồng cay nghiệt không thể kể thiếu nghệ sĩ Tú Trinh trong phim Người đẹp Tây Đô. Nữ nghệ sĩ bị “ghét cay ghét đắng” bởi diễn xuất nét mặt, ánh mắt, cử chỉ biểu lộ sự cục cằn, xét nét, khó chịu đến mức cực đoan. Cảnh quay nhân vật Bạch Cúc bị mẹ chồng đánh bằng chổi trà từng gây phản ứng gay gắt.
Bức xúc vì “mẹ chồng” diễn quá đạt
Khi những bà mẹ chồng quái gở quẩn quanh màn ảnh, không ít ý kiến cho rằng nên giảm thiểu những nội dung bi kịch như vậy vì gây tâm lý bức xúc, mệt mỏi cho người xem. Hơn thế có nhiều tình tiết phóng đại gây hiểu nhầm, hoang mang cho những người trẻ chưa lập gia đình. “Thực tế đâu phải bà mẹ chồng nào cũng như vậy. Và biết đâu sau này chính các nàng dâu lại trở thành mẹ chồng thì sao”, một khán giả để lại ý kiến.
Bên cạnh đó, không ít người nhận định việc nhân vật mẹ chồng có chì chiết, bắt bẻ con dâu hay không còn phụ thuộc kịch bản. Không thể phim nào cũng toàn mẹ chồng tốt, hay phim nào cũng toàn mẹ chồng xấu.
Nhận những lời chỉ trích của khán giả về vai diễn mẹ chồng, NSND Lan Hương nói “quan điểm của tôi là làm việc gì cũng phải làm đến nơi đến chốn, muốn thể hiện vai diễn cũng phải thật đến nơi đến chốn”.
Đồng tình với điều này, biên kịch Nguyễn Thủy tin rằng những người làm nghề cũng sẽ có nhiều chia sẻ với điều này. “Trong cuộc sống và cả trong nghề nghiệp nữa, cái cụm từ ‘đến nơi đến chốn’ tưởng như nhẹ tựa lông hồng, nhưng thật ra, nó luôn luôn là những lựa chọn không dễ dàng gì. Để không thành kẻ đẽo cày giữa đường, để không thành gió chiều nào che chiều ấy, thì rõ ràng, một người làm nghề cũng cần phải dần làm quen với lời chỉ trích, dù với câu chuyện, hay với nhân vật, hay là chính bản thân mình”.
Khi mẹ chồng lên phim không còn… ác
Không còn những bà mẹ chồng tai quái, nhiều bộ phim thời gian gần đây đã có sự nắn chỉnh, khắc họa hình ảnh mẫu mực, tinh tế và quan trọng khiến khán giả bớt ám ảnh.
Nét diễn biểu cảm, đài từ sắc sảo, diễn viên Nguyệt Hằng khiến khán giả mê mệt vai bà Vân - mẹ chồng trong phim Đừng làm mẹ cáu. Không giống với những bà mẹ chồng cay nghiệt khác, ngược lại bà Vân dịu dàng, ủng hộ con dâu. Cảnh bà Vân cùng con dâu đi đánh ghen với người tình của con trai mình được nhiều khán giả tâm đắc.
Không chỉ vậy, nhân vật mẹ chồng này có nhiều đức tính đáng học hỏi, bà giỏi giang, dung hòa cuộc sống gia đình, con cái. Ngay đến khi hôn nhân của con vỡ lở, bà thấu hiểu, đốc thúc và tìm cách giải quyết để các con nối lại tình xưa.
“Tôi sẽ dạy cho nó biết, thật thà thì mất lòng. Thật lòng thì mất hết. Người mất nết đừng hòng bước vào cửa nhà tôi”, “Tôi không muốn bước vào chỗ không ra gì này. Việc thằng con trai tôi gian díu với cô khi đã có vợ con đàng hoàng tử tế đó là lỗi của nó nhưng tôi cũng phải tự trách mình vì đã không biết dạy dỗ con”… những câu nói “có gang có thép” của bà Vân được người xem khen ngợi.
Tiếp tục đóng vai mẹ chồng nhưng NSND Lan Hương lần này không còn vai cay nghiệt với con dâu. Trong phim đang phát sóng giờ vàng Gia đình mình vui bất thình lình, vai bà Cúc của nữ nghệ sĩ sống cùng chồng và ba cặp gia đình con trai. Khác hẳn với những phim trước, bà Cúc chẳng còn ghê gớm mà là phụ nữ truyền thống, hiểu chuyện. Khi con dâu gây rắc rối, bà trách móc với giọng điệu nhẹ nhàng khuyên bảo.
Những hình ảnh đầu tiên hiện lên là bà Cúc với tạo hình giản dị, hiền hậu, dậy sớm đi chợ nấu bữa sáng cho gia đình. Với bà, con nào cũng là con, không phân biệt hay tạo khoảng cách. Ở nhiều tình huống trong phim mới, bà Cúc còn trở thành "nạn nhân" của các cô con dâu.
Vai diễn mới phần nào gỡ gạc hình ảnh mẹ chồng quái đản trên màn ảnh trước nay của nữ nghệ sĩ. Chia sẻ về hình tượng mới, NSND Lan Hương nói bà Cúc giống như mình ở ngoài đời, vì vậy bà không cần diễn nhiều.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()