Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:24 (GMT +7)
Mê mẩn thú chơi xe Vespa cổ
Chủ nhật, 03/09/2023 | 21:22:50 [GMT +7] A A
Trong cuộc sống, đam mê, sưu tầm một thú chơi nào đó giúp người chơi có những giây phút vui vẻ, thoả mãn. Đó có thể là thú chơi hoa lan, cá cảnh, chó, mèo, đồ cổ... Sưu tầm, chơi Vespa cổ cũng vậy. Với những người chơi thứ này, họ đam mê rất mạnh mẽ và có khi vượt lên trên những lợi ích, giá trị về kinh tế.
Mê xe từ cái nhìn đầu tiên
Từ lâu Vespa đã được biết tới như một dòng xe lâu đời của Italia. Vespa được nhiều người quan tâm sưu tập bởi giá trị và vẻ đẹp riêng có. Ở Hạ Long cũng có nhiều người say mê dòng xe này và cũng đã từng có một cộng đồng đông đảo người đam mê Vespa cổ.
Theo những người sành chơi Vespa cổ ở Hạ Long, tuy ra đời từ năm 1946 nhưng phải đến năm 1953, những chiếc Vespa đầu tiên mới theo chân những người Pháp xuất hiện tại Việt Nam. Khi đó, Vespa là một dòng xe mang tính biểu tượng, thường được giới trung lưu, thượng lưu lịch lãm thời bấy giờ ưa chuộng. Vespa dần trở nên phổ biến và trở thành phương tiện quen thuộc của nhiều người sống ở miền Nam Việt Nam hơn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 1958 đến 1975. Theo thời gian, khi kinh tế mở cửa, du khách quốc tế đổ vào Việt Nam, Vespa cổ lại càng được yêu thích, tăng giá trị.
Vespa cổ chinh phục người chơi ở kiểu dáng, nét thanh lịch. Ông Trần Thanh (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long), hiện là Hội trưởng Hội Vespa cổ Hạ Long có lẽ là một trong những người chơi Vespa cổ và sở hữu chiếc xe Vespa đầu tiên được đăng ký ở Quảng Ninh. Ông Thanh biết tới Vespa cổ khi còn đi bộ đội, tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở Sài Gòn, hình ảnh phổ biến và để lại ấn tượng mới lạ với ông là hình ảnh người phụ nữ Việt duyên dáng trong tà áo dài, ngồi vespa dạo phố. Là người thích xe cộ, trong những ngày ở Sài Gòn, ông thấy ở đây có rất nhiều xe Vespa cũ, vốn là những sản phẩm được sản xuất, nhập khẩu từ những năm 1940 - 1950. Đây là những chiếc xe được bỏ lại sau chiến tranh. “Khi đó những con Vespa cổ để thành đống, ở Sài Gòn, ai muốn đi... thì lấy. Đây là những chiếc Vespa chính hãng nhập từ Italia đi rất "mượt", đặc biệt máy, khung gầm còn rất tốt thế nhưng lỗi thời, không ai đi, chúng tôi lại càng không thể lấy” - ông Thanh kể.
Năm 1980 ông Thanh ra quân, trở về Quảng Ninh làm ở một đại lý vận tải. Ông kể, khi đó ông phải dành dụm nhiều tháng lương mới đủ tiền mua một chiếc Vespa cổ. Khi đó, vàng mới có giá vài trăm nghìn đồng 1 chỉ mà 1 chiếc Vespa cổ có giá 20 - 30 triệu đồng. Ông Thanh vẫn dành góc nhất định nuôi dưỡng đam mê của mình. Nhờ đó, ông đã có cơ duyên sở hữu một bộ sưu tập cả chục chiếc Vespa cổ, nguyên bản khi điều kiện kinh tế ông dần khá giả lên sau đó vài năm. Trong đó, ông thích nhất và còn để lại chơi là chiếc Acma 1957 3 số tay, yên dời, cốp hình quả xoài rất đẹp, đăng ký biển số đầu tiên của Quảng Ninh và chiếc Super sản xuất năm 1964, có yên liền, rộng cho 2 người thoải mái.
Giá trị Vespa không chỉ thu hút người già mà còn hấp dẫn chính những người trẻ. Một trong số đó là anh Nguyễn Đại Dương, 37 tuổi (phường Hồng Hải, TP Hạ Long). Anh Dương biết tới xe Vespa cổ khi còn học cấp 3. Vespa cuốn hút chàng trai trẻ bởi vẻ đẹp, sự thanh lịch, bền bỉ và sự hoài cổ, cách sống chậm mà Vespa cổ đem lại. Thế nhưng cho tới khi học xong đại học rồi đi lao động ở nước ngoài, có điều kiện, anh Dương mới mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình. Trong giới chơi Vespa cổ vẫn kể nhau câu chuyện: Dù đang lao động ở Đức nhưng anh Dương vẫn gửi tiền tiết kiệm về, nhất quyết nhờ mẹ mua bằng được 1 chiếc Vespa cổ ưng ý, đăng bán ở Việt Nam.
Về nước năm 2007, chiếc xe đầu tiên anh Dương chơi là Vespa Spring với giá 14 triệu đồng, mua ở Bình Định. Để xế yêu vận hành thật tốt, anh Dương đã phải gửi xe vào Sài Gòn sửa, sơn lại ở những gara nổi tiếng nhất như Hải Âu Cơ hay Sơn Phấy… Sau khoảng 2 - 3 tháng đại tu hoàn thành, xe gửi ra Bắc, được bọc kín trong cả lớp chăn bông dày để tránh hỏng, xước nước sơn.
"Vespa là loại scooter tiện dụng, đi trời mưa không sợ bắn, đặc biệt có dáng đẹp, sức hút, thanh lịch nhẹ nhàng. Khung, máy xe Vespa rất bền bỉ, chắc chắn theo thời gian, đặc biệt là những chiếc zin 100%. Vì thế tôi luôn đam mê, tìm kiếm những sản phẩm chính hãng" - anh Dương kể. Từ chiếc Vespa đầu tiên, anh Dương đã tìm kiếm và có thời điểm anh đã sở hữu cả chục chiếc vespa cổ. Trong số đó, anh giữ lại, chơi tới nay một số xe là Acma 1956, Super 1965 và một chiếc Lambretta…
Với đặc trưng, vẻ đẹp, người đam mê, thích sưu tập loại xe này không chỉ là nam giới. Liên quan tới những người mê Vespa cổ ở Hạ Long cũng có khá nhiều chuyện dở khóc cười được kể. "Đó là bạn tên Thuỳ làm ở một cơ quan nọ rất thích xe Vespa cổ, đã tiết kiệm tiền đặt xe trong Nam. Nhưng khi đặt tiền xong thì…. người bán xe cắt liên lạc. Hội chơi xe Vespa cổ đã vận dụng các mối quan hệ, bạn bè trong nhóm chơi Vespa cổ toàn quốc tìm được người bán và yêu cầu người này chuyển ngay xe ra Quảng Ninh. Thế nhưng cơ duyên với Vespa cổ của bạn này cũng không còn khi lập gia đình. Chồng của Thuỳ không ủng hộ thú đam mê của vợ nên cô phải bỏ cuộc chơi"- ông Thanh kể.
Ông Thanh kể thêm, Hội chơi xe Vespa cổ Hạ Long cũng kết nạp không ít người đam mê chơi là nữ giới. Một trong số đó là nữ nhân viên một ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng tìm hiểu và đam mê xe cổ. Tiếc là đang say mê, thì thành viên mới của hội này lại chuyển công tác lên Hà Nội. Cũng có nhiều lý do khiến hội viên, nhất là người trẻ đam mê rơi rụng dần. Theo thống kê, Hội Vespa cổ ở Hạ Long trước đây có khá đông thành viên nhưng nay chỉ còn chừng chục người.
Đam mê và hơn thế nữa...
Vespa cổ bền bỉ theo thời gian, thanh lịch, dáng đẹp nhưng xe cổ, cũ đồng nghĩa với nhiều trục trặc, hỏng hóc đặc biệt phải chăm sóc khá công phu. Đơn cử như chiếc xe Acma của ông Thanh, khi vận hành, phải pha nhớt vào xăng theo tỷ lệ 2%- 5% để bôi trơn máy. Nếu không chuẩn tỉ lệ sẽ dễ dẫn tới bó máy, mòn pít tông, cào xi lanh, gây hỏng hóc xe.
"Ngoài ra, xe cổ như người già vậy, rất hay hỏng hóc, nhất là chế và một số bộ phận cao su. Vì thế, khi chơi xe, chúng tôi cũng trở thành những thợ cơ khí, người sửa xe. Chúng tôi thường gặp nhau, chia sẻ những kinh nghiệm và kết nối với thợ giỏi trong Nam. Vì thế đây không phải là nỗi lo với những người mê xe” - ông Thanh, Hội trưởng hội Vespa Hạ Long chia sẻ.
Theo ông Thanh, Vespa, nhất là xe cổ có khung gầm, bộ hơi rất tốt. Nhiều chiếc ra đời từ những năm 1950 vẫn vận hành tốt. Dân chơi Vespa ở Hạ Long là những người đã từng sở hữu nhiều xe như thế. Theo những người sành chơi trong Hội, thì dù tốn công phu, tiền bạc sưu tầm nhưng hầu hết người chơi đều không muốn bán dù được trả giá cao.
“Trong hội, nhiều người cần bán chiếc xe cổ cũng đều "chọn mặt gửi vàng". Phần nhiều họ muốn bán cho người quen, người trong hội để xe được quan tâm chăm sóc tốt. Và hơn hết, khi cần có thể… mua lại” - ông Hội trưởng Vespa Hạ Long cười bảo. Đó như một sự cam kết, tình cảm dành cho những chiếc Vespa cổ. Có lẽ vì thế mà bản thân ông Thanh cũng không muốn bán chiếc Acma 1957 dù được định giá và nhiều người đặt mua với giá 200 triệu đồng.
Ngay cả một người mê xe trẻ tuổi như anh Nguyễn Đại Dương cũng đã từng từ chối những lời hỏi mua hấp dẫn. Đó là năm 2019, khi anh Dương muốn đầu tư, thúc đẩy việc làm ăn của mình, anh đăng bán chiếc Acma lên mạng. Bất ngờ, chỉ vài ngày sau, Dương nhận được lời hỏi mua của một du khách người Úc, khi ông này đang du lịch ở Việt Nam. “Giá cả không thành vấn đề với vị khách này. Ông ấy bảo đã thích ngay chiếc xe khi nhìn thấy trên mạng. Dù rất cần tiền, được giá, nhưng quả thật tôi chỉ muốn bán cho người thân quen, người trong hội mà không muốn "gả” đi quá xa như vậy” - anh Dương kể.
Có thể nói, với những người say mê Vespa cổ, hạnh phúc đơn giản là có thể rong ruổi cùng nhau trong những chuyến đi xa, hay những buổi "offline" hoặc thật đơn giản khi chạy chiếc Vespa cổ ngoài đường, thu hút được nhiều ánh nhìn, sự trầm trồ.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()