Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 03:35 (GMT +7)
Miền Bắc rét đậm: 5 nguyên tắc phòng bệnh cần nhớ
Thứ 2, 05/12/2022 | 11:31:12 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia, với người cao tuổi, người có bệnh nền thời tiết lạnh khiến khả năng bảo vệ tại chỗ từ đường hô hấp trên tới hô hấp dưới đều bị suy giảm.
Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh khi trời rét đột ngột?
Người già, người có bệnh nền
Người cao tuổi Việt Nam hiện nay có tỷ lệ ốm đau cao, tình trạng khỏe mạnh thấp. Theo thống kê, hiện tại có tới 60% người cao tuổi sức khỏe yếu và có tỷ lệ khá lớn rất yếu. Mỗi người cao tuổi mắc khoảng 3 - 6 bệnh nền, trong đó các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa chiếm tỷ lệ cao.
Theo các chuyên gia, với người cao tuổi, người có bệnh nền thời tiết lạnh khiến khả năng bảo vệ tại chỗ từ đường hô hấp trên tới hô hấp dưới đều bị suy giảm. Đây là yếu tố dẫn tới các bệnh lý bị nhiễm trùng tăng nặng như hen phế quản, co thắt phế quản mạn tính.
BSCKII Đào Trọng Thành - Phó Trưởng khoa Khám bệnh B, Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ: "Khi thời tiết trở lạnh đột ngột ở các tỉnh miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, người cao tuổi, người có bệnh nền như: huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, tim mạch, hen, viêm phế quản mạn tính… đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao", BS Thành cho hay.
Tại cơ sở y tế này, số lượng bệnh nhân cao tuổi đến thăm khám kể từ khi Hà Nội chuyển rét đã có sự gia tăng, trong đó 2 mặt bệnh chủ yếu là bệnh tim mạch và bệnh đường hô hấp.
Phụ nữ có thai
ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, mẹ bầu có sức đề kháng yếu nên cũng dễ bị các yếu tố bên ngoài tác động, virus tấn công gây nên bệnh tật, đặc biệt trong kiểu thời tiết cực đoan hiện nay.
Lý giải điều này, BS Thành cho biết, khi mang thai, sự thay đổi nội tiết của người phụ nữ sẽ diễn ra mạnh mẽ, điều này đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch sẽ kém đi nhiều.
Trẻ em
Theo Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, thời tiết trở lạnh với những đợt gió mùa chính là nguyên nhân khiến các bé dễ mắc phải nhiều căn bệnh khác nhau, đặc biệt là những bệnh đường hô hấp như viêm họng, cảm sốt, viêm mũi, ho khan,...
Những lưu ý để phòng bệnh khi trời trở rét
Dưới đây là nguyên tắc để phòng bệnh khi trời rét theo khuyến cáo của chuyên gia:
- Những trường hợp nguy cơ cao nên hạn chế ra ngoài và luôn đảm bảo cơ thể được giữ ấm. Khi ngủ dậy, cần khởi động dần dần để cơ thể làm quen với môi trường. Đặc biệt, cần duy trì chế độ vệ sinh họng, vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh bụi bặm trong nhà. Bởi vì, môi trường sạch giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng khi mắc bệnh.
- Không nên tắm quá muộn, lưu ý tắm nước ấm và giảm thời gian tắm so với thông thường; hạn chế tập thể dục ngoài đường, tránh những nơi nhiều gió, nước.
- Với bệnh nhân tiểu đường: Ngoài việc giảm đường, hạn chế mỡ, kiêng phủ tạng động vật…, cũng nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Những bệnh nhân sử dụng insulin càng phải chú ý chia nhỏ bữa, để tránh việc hạ đường huyết do dùng thuốc.
- Bệnh nhân cao huyết áp: Cần tuân thủ nghiêm ngặt việc hạn chế muối trong bữa ăn. Việc giảm muối tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Trong trường hợp cao huyết áp chưa có biến chứng suy tim thì bệnh nhân nên ăn khoảng 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê muối tinh). Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã có biến chứng suy tim, khẩu phần muối cần giảm xuống dưới 2g/ngày.
- Với trẻ em, nên áp dụng nguyên tắc "4 ấm, 1 lạnh". Khi mặc quần áo cho con, mẹ chú ý đảm bảo 4 điểm trên cơ thể con luôn cần giữ ấm, đó là: bàn tay, bàn chân, ngực và lưng. Còn lại, phần đầu đảm bảo để đầu trẻ được thoáng mát.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()