Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:56 (GMT +7)
Công tác đo lường, chất lượng: Minh bạch, công bằng để phát triển bền vững
Thứ 4, 16/11/2022 | 11:28:50 [GMT +7] A A
Công tác đo lường, chất lượng (ĐLCL) trên địa bàn tỉnh ngày càng được chuyên môn hóa cao, áp dụng máy móc hiện đại trong việc kiểm định, hiệu chuẩn. Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn ĐLCL đã hạn chế các hành vi gian lận thương mại, đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp phần nâng cao hiệu quả SXKD, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở phát triển, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Đổi mới quản lý đo lường theo quy trình
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (TCĐLCL), Sở KH&CN: Đo lường là một lĩnh vực KHKT chính xác, là hoạt động không thể thiếu đối với đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh - quốc phòng. Đo lường thống nhất và chính xác sẽ góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; bảo đảm an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Đây cũng là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trên tinh thần đó, công tác quản lý nhà nước về ĐLCL luôn được Chi cục quan tâm đẩy mạnh, nhằm đảm bảo công bằng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như tạo lực đẩy để phát triển kinh tế - xã hội. Trung bình hằng năm, Chi cục thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn hàng nghìn phương tiện đo cho các ngành và cơ sở; tổ chức hàng trăm đợt kiểm tra, giám sát thực hiện phép đo, chấn chỉnh việc cân, đong thiếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Qua đó góp phần đảm bảo các phương tiện đo trong danh mục phải kiểm định được quản lý, đặc biệt là các phương tiện đo sử dụng tại các đầu mối giao nhận hàng lớn tại các cảng biển, bến bãi, các mặt hàng có tính nhạy cảm trong đời sống xã hội, như điện, nước, xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng...
Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục đã kiểm định phương tiện đo lường tại các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh với trên 2.500 phương tiện đo; kiểm định xi téc ô tô với hàng chục phương tiện đo; thử nghiệm, hiệu chuẩn trên 500 phương tiện đo lường… Lãnh đạo Chi cục nhấn mạnh: Hoạt động quản lý nhà nước về ĐLCL ngày càng được đổi mới, đi sâu vào quản lý theo quy trình, cung cấp các bộ công cụ, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ các khâu ĐLCL.
Để công tác đo lường ngày càng hiệu quả, Sở KH&CN đã trình UBND tỉnh phê duyệt đầu tư, trang sắm nhiều thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu về kiểm định, hiệu chuẩn. Chi cục TCĐLCL hiện được nâng cấp và bổ sung tương đối đầy đủ hệ thống chuẩn đo lường để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo trong nhiều lĩnh vực, như khối lượng, độ dài, độ tuổi, lực, áp suất, điện - điện từ, an toàn bức xạ...
Hoạt động quản lý đo lường ở cấp huyện cũng được đẩy mạnh. Từ đầu năm, Chi cục phối hợp với UBND các địa phương triển khai các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đo lường tại các đơn vị, cơ sở thực hiện hoạt động đo lường trên địa bàn. Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về đo lường, Chi cục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thường xuyên kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại, điểm bán buôn - bán lẻ đối với phép đo, phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn. Đồng thời, đầu tư lắp đặt và duy trì hoạt động cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại để người tiêu dùng tự kiểm tra về đo lường hàng hoá theo quy định.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ
Bên cạnh bảo đảm công tác quản lý nhà nước về đo lường, việc hướng dẫn, tuyên truyền các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện công bố tiêu chuẩn, hợp chuẩn, hợp quy và thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ là một trong những yếu tố quan trọng.
Theo đại diện Chi cục TCĐLCL, hiện nay do xu hướng xã hội hóa hoạt động kiểm định, hiệu chỉnh, tạo sự cạnh tranh giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước với các đơn vị kiểm định bên ngoài. Để công tác quản lý nhà nước về đo lường ngày càng hiệu quả, Chi cục thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Trung bình mỗi năm có khoảng 200 lượt cán bộ quản lý đo lường của địa phương, phụ trách đo lường của doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn do Chi cục tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Tân cho biết thêm: Với việc ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận về ĐLCL đã góp phần đem lại sự công bằng trong lĩnh vực thương mại, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và người kinh doanh chân chính. Để công tác đo lường ngày càng hiệu quả, thời gian tới đơn vị tiếp tục đổi mới, phát triển hệ thống chuẩn đo lường phù hợp với hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, nâng cao độ chính xác và mở rộng phạm vi đo của hệ thống chuẩn hiện có. Đồng thời, tham mưu đẩy mạnh hoạt động đo lường đối với các ngành, lĩnh vực như kiểm soát môi trường, y tế, than, điện, nước, xăng dầu; tăng cường phối hợp với các cơ quan trong công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong đo lường, đảm bảo công bằng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()