Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 17:44 (GMT +7)
Mình đã là dân thành phố
Chủ nhật, 18/03/2012 | 05:19:02 [GMT +7] A A
Gần 1 tháng nay, TP Uông Bí ngập trong rác. Người dân ngăn cản, không cho mang rác vào bãi thải. Rác đánh đống ven đường, người ta phải chùm lại cho đỡ mùi. Rác chất vào các kho, vào bất cứ nơi nào có thể.
Có điều gì phải suy ngẫm từ câu chuyện về rác ở Uông Bí?
Thứ nhất, chính quyền và Công ty Môi trường đô thị Uông Bí đã chưa thật sâu sát công việc, chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình. Quy trình xử lý rác thải đã không được thực hiện đúng, gây nên ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Việc như vậy nhưng các cơ quan chức năng của TP Uông Bí, nhất là UBND phường Vàng Danh, địa phương có khu xử lý rác đã thiếu kiểm tra, chưa gần dân, chưa nắm bắt kịp thời các vấn đề phát sinh trên địa bàn. Chuyện không chỉ một sớm một chiều và trên địa bàn chắc chắn có cả các cán bộ phường, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố sinh sống, qua lại. Với chính quyền sở tại, với các cơ quan chuyên môn và lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị Uông Bí, đây là câu chuyện thật đáng trách. Hình như người ta vẫn nghĩ mình là thị xã mà chưa thật quen với việc: Uông Bí giờ đã là thành phố.
Thứ hai, về phía người dân. Khi mà việc ô nhiễm môi trường trầm trọng xảy ra, người dân lên tiếng, phản ứng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi mà chính quyền, Công ty Môi trường đô thị đã tiến hành xử lý rác thải theo đúng quy trình, thậm chí còn tăng nhiều lần hoá chất để xử lý mà người dân vẫn ngăn cản không cho tập kết rác vào khu xử lý tập trung thì lại thật đáng trách.
Ví như trong một gia đình, muốn êm ấm, phát triển tốt thì cần thiện chí từ cả vợ và chồng. Còn trong xã hội, càng cần hơn sự đồng thuận, thiện chí của cả chính quyền và người dân. Chính quyền đã cố gắng làm tốt thì người dân cũng phải ủng hộ chính quyền, cùng với chính quyền giải quyết mọi công việc. Ở đây, chúng ta chưa nói đến ý thức thượng tôn pháp luật mà chỉ muốn nói đến thái độ hợp tác giữa người dân và chính quyền vì sự phát triển chung.
Còn rác thì ở đâu ra? Cũng từ sinh hoạt của người dân cả. Khi chính quyền đã thiện chí, cơ quan chịu trách nhiệm xử lý rác cũng đã nhận ra thiếu sót, nghiêm túc khắc phục thì người dân cũng nên “mở lòng”, hợp tác với chính quyền. Các cụ có câu “xấu chàng hổ ai” rác ngập tràn Uông Bí ít nhiều làm ảnh hưởng đến cả thành phố, đến hình ảnh của người dân Uông Bí vốn chân thành, hiếu khách.
Xét cho cùng, khi ở cạnh khu bãi rác, không khí chắc chắn bị ảnh hưởng ít nhiều. Cũng như người dân ở cạnh sân bay thì phải chịu tiếng ồn khi máy bay lên, xuống. Chẳng lẽ lại ra ngăn máy bay lại?
Thật ra, chính quyền cũng muốn lắm việc xử lý triệt để rác thải theo công nghệ hiện đại như ở các nước phát triển. Nhưng chúng ta còn nghèo, mọi nguồn lực phải ưu tiên cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cho sự nghiệp y tế, giáo dục... Chẳng thế mà Uông Bí chưa phải đã giàu so với nhiều địa phương khác, nhưng lại là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc đạt chuẩn quốc gia ở cả 4 cấp học. Thành tích ấy cả nước khâm phục. Và vì thế chẳng lẽ chỉ vì cái chuyện “cỏn con” mà ta làm mất đi hình ảnh của chính mình, phải có niềm tự hào chứ: Mình đã là dân thành phố.
Việt Nguyễn
Liên kết website
Ý kiến ()