Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:29 (GMT +7)
Mọi điều bạn cần biết về DHA
Thứ 2, 06/05/2024 | 16:39:57 [GMT +7] A A
DHA là viết tắt của từ Docosa Hexaenoic Acid, là một loại acid béo không no cần thiết thuộc nhóm acid béo omega-3. DHA chịu trách nhiệm cho sự phát triển và hoạt động của não.
Lợi ích tiềm năng của DHA
Nhà dinh dưỡng Simone Harounian, MS (giảng viên trường Cao đẳng Cộng đồng LaGuardia, Mỹ) cho biết, trong cơ thể, nồng độ DHA đặc biệt cao ở võng mạc (mắt), não và tế bào tinh trùng. Trong chất xám của não, DHA chiếm tới 20% tổng lượng lipid (chất béo).
Chất béo trong chế độ ăn uống như axit béo omega-3 là một phần quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng, hỗ trợ sức khỏe như giảm bệnh tim. Omega-3 cũng đang được nghiên cứu để sử dụng trong việc ngăn ngừa một số loại ung thư, rối loạn thần kinh và viêm khớp.
Có thể làm giảm chất béo trung tính
Bà Simone Harounian chia sẻ, một số nghiên cứu cho thấy dùng riêng DHA hoặc dùng chung với EPA (viết tắt của axit eicosapentaenoic, cũng là một axit béo omega-3 hay còn được gọi là “chất có tính lọc máu”) có thể làm giảm chất béo trung tính trong cơ thể.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, dùng 1,25 - 4g mỗi ngày trong tối đa 7 tuần có thể làm giảm mức chất béo trung tính từ 17 - 24% ở người lớn.
Ngăn ngừa sinh non
Dùng DHA khi mang thai có thể làm giảm khả năng sinh non, đặc biệt ở những người có nồng độ DHA thấp khi bắt đầu mang thai.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Việc tăng lượng DHA trong chế độ ăn uống của bạn thông qua thực phẩm hoặc chất bổ sung có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Bà Simone Harounian khẳng định, đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh, DHA đặc biệt có lợi đối với sức khỏe tim mạch, những người thường xuyên ăn cá chứa nhiều DHA và omega-3 có tỷ lệ mắc bệnh tim thấp hơn người bình thường.
Cơ thể cần bao nhiêu DHA mỗi ngày?
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã tuyên bố rằng, tối đa 3g DHA mỗi ngày thường được công nhận là an toàn cho hầu hết mọi người.
Đối với những người đang mang thai hoặc cho con bú, hầu hết các chuyên gia khuyên bạn nên bổ sung khoảng 200-300mg DHA mỗi ngày, chủ yếu từ thực phẩm.
Nguồn DHA tốt
Bà Simone Harounian thông tin, hầu hết các dạng cá, dầu cá , dầu gan cá tuyết, dầu tảo và dầu nhuyễn thể đều chứa DHA. Bạn cũng có thể thấy nó được thêm vào một số nhãn hiệu trứng, sữa, sữa chua, nước trái cây và đồ uống từ đậu nành. Sữa mẹ và sữa bột dành cho trẻ sơ sinh cũng có thể chứa DHA.
Thực phẩm có lượng DHA cao nhất bao gồm: cá mòi, cá trích, cá hồi, cá thu, hàu, cá ngừ và tôm. Trứng và ức gà cũng chứa một lượng rất nhỏ DHA.
Lưu ý
Bà Simone Harounian giải thích, DHA thường được coi là an toàn. Tuy nhiên, dùng một lượng lớn axit béo omega-3 như DHA có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. DHA cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu, điều này có thể khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2 trở nên khó khăn hơn.
Tác dụng phụ của việc bổ sung omega-3 như DHA thường nhẹ, trừ khi bạn dùng quá nhiều. Các tác dụng phụ điển hình của việc bổ sung thông thường có thể bao gồm cảm giác khó chịu, hôi miệng, mồ hôi có mùi, ợ chua, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy và đau đầu.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()