Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:19 (GMT +7)
Mọi quyết sách đều lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
Thứ 2, 04/12/2023 | 07:55:26 [GMT +7] A A
Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương theo quy định của pháp luật thông qua việc ban hành các nghị quyết, thời gian qua HĐND tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng việc ban hành nghị quyết, đảm bảo nghị quyết khi được ban hành có tính khả thi, đi vào thực tế, giải quyết được những vấn đề “nóng”, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
Tiêu chí hàng đầu là hạnh phúc của nhân dân
Gia đình bà Đỗ Thị Vững, khu Yên Lâm 2, phường Đức Chính, TX Đông Triều là hộ có gia cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Cả hai vợ chồng bà đều đã già yếu, bà Vững lại bị khiếm thị, không thể trực tiếp lao động. Những năm qua, gia đình bà Vững luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương. Đặc biệt, từ khi được hưởng sự hỗ trợ theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND, ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ tăng thêm đã giúp gia đình bà có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống.
Bà Vững chia sẻ: Hàng tháng gia đình tôi đều nhận được hỗ trợ từ tỉnh dành cho đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế sinh sống tại cộng đồng. Đến bây giờ cả hai vợ chồng già đã ở tuổi gần đất xa trời, được sự hỗ trợ của tỉnh chính là động lực rất lớn để chúng tôi yên tâm sống vui, sống có ý nghĩa...
Năm học 2023-2024, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND ngày 31/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204 và Nghị quyết số 248 của HĐND tỉnh cho đối tượng ở các xã ra khỏi vùng khó khăn và các xã, thôn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo đó Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ trên 31,3 tỷ đồng/năm để quan tâm chăm lo học sinh dân tộc thiểu số. Tác động của chính sách chính là nguồn hỗ trợ rất lớn để các em học sinh khu vực đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm đến trường.
Trường Tiểu học Vô Ngại (Bình Liêu) có 442 học sinh, trong đó có 72 học sinh được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 22 gồm: 57 học sinh bán trú tuần (học bán trú từ thứ 2 đến thứ 6) và 15 học sinh bán trú ngày (bán trú buổi trưa các ngày). Thầy giáo Lương Dư Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vô Ngại chia sẻ: Bước vào năm học 2023-2024 thì Nghị quyết 204, 248 hết hiệu lực, nhà trường đã vận động phụ huynh đóng góp tiền ăn cho các con. Điều này khiến nhiều gia đình loay hoay khi cho con em đi học. Trước khó khăn này HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 22, tiếp tục hỗ trợ tiền ăn, mỗi học sinh bán trú đỡ đi khoản chi phí là 740.000 đồng/tháng, đây thực sự là nguồn động lực lớn lao để các em có điều kiện học tập đảm bảo.
Anh Tằng Sau Lộc, thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại phấn khởi, chia sẻ: Tôi có con học lớp 4 tại trường, quãng đường từ nhà đến trường gần 10km nên việc đưa đón con rất mất thời gian. Giờ được tỉnh tiếp tục hỗ trợ tiền ăn cho con học bán trú nên gia đình rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất...
Bà Nguyễn Thị Hồng, khu 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long chia sẻ: Mỗi nghị quyết, chính sách ban hành chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ thực tiễn đời sống của nhân dân, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Quảng Ninh đã làm được điều đó, những chính sách an sinh, đã thật sự mang đến cho người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn sự hỗ trợ kịp thời ý nghĩa, động viên họ vượt qua khó, vươn lên trong cuộc sống.
Mệnh lệnh từ thực tiễn của cuộc sống
Trong nhiều bài phát biểu của mình, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, luôn nhấn mạnh: Trên mỗi bước đường phát triển, Quảng Ninh luôn xác định lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất. Bởi vậy, Quảng Ninh luôn đặt mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân. Tỉnh đã hiện thực hóa ở từng bước đi, thể hiện trong từng quyết sách, hành động nhằm hướng đến những tiêu chí cơ bản là người dân có cuộc sống ổn định, an toàn, ấm no, tự do, hạnh phúc trong môi trường xã hội văn minh, lành mạnh, có trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn hóa phát triển. Đây là hành trình dài với nhiều trăn trở đã được chuyển hóa thành những nghị quyết để hiện thực hoá trong cuộc sống.
Từ mục tiêu trên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành thời gian qua đúng thẩm quyền, đúng quy định, sát với tình hình thực tiễn, cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH mang tính khả thi. Qua đó, vừa giải quyết những vấn đề ngắn hạn, trung hạn, vừa tạo tiền đề cho phát triển bền vững trong dài hạn… Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với trách nhiệm cao trước Đảng bộ, cử tri và nhân dân, HĐND tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh ủy thành gần 100 nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó có nhiều nghị quyết về những cơ chế, biện pháp, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, về các nhiệm vụ, giải pháp, quy hoạch, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện KT-XH với tư duy hoạch định khoa học, sát với tình hình thực tiễn của tỉnh.
Để có được những nghị quyết mang hơi thở cuộc sống đó, trong quá trình thực hiện Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành các ban của HĐND tỉnh chủ động tiếp cận, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong công tác chuẩn bị nội dung phục vụ các kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh phân công các ban HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình tại kỳ họp HĐND tỉnh. Những nội dung đưa vào kế hoạch xây dựng nghị quyết phải đáp ứng đầy đủ về cơ sở pháp lý, sự cần thiết từ thực tiễn, tính khả thi, hiệu quả của chính sách, cũng như nguồn lực và các điều kiện đảm bảo thi hành khác. Ngoài đề nghị của UBND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh cũng có nhiều đề nghị xây dựng nghị quyết để kịp thời cụ thể hóa quy định của cấp trên và đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.
Chất lượng các nghị quyết được ban hành ngày càng nâng lên bảo đảm đúng thẩm quyền, hình thức, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân địa phương. Đặc biệt, quá trình xây dựng nghị quyết, thông qua nhiều hình thức, HĐND tỉnh luôn coi trọng việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lựa chọn một số nội dung nghị quyết chuẩn bị ban hành có tác động trực tiếp đến lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong tỉnh để tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân trước khi trình ra kỳ họp HĐND tỉnh.
Quá trình tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các sở, ban, ngành tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ việc ban hành chương trình xây dựng pháp luật, đến việc tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, ý kiến thẩm tra của các ban HĐND trước khi trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp. Công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết được tiến hành kỹ lưỡng, chặt chẽ. Qua công tác thẩm tra, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau được Thường trực HĐND tỉnh trao đổi kỹ với UBND tỉnh để đi đến thống nhất trước khi trình HĐND tỉnh.
Tại mỗi kỳ họp, các đại biểu cũng tích cực thảo luận, làm sáng tỏ, thấu đáo nhiều vấn đề, đặc biệt là về nhiệm vụ phát triển KT-XH, cơ chế chính sách cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận cao trong việc biểu quyết thông qua các nghị quyết, tạo tiền đề để các nghị quyết, kết luận kỳ họp sớm được triển khai đi vào cuộc sống. Việc xây dựng và ban hành nghị quyết được Thường trực HĐND tỉnh rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ họp, đảm bảo các nghị quyết được ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định pháp luật. Sau mỗi kỳ họp các địa phương trong tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các nghị quyết đến với người dân, nhất là các nghị quyết liên quan trực tiếp cuộc sống hàng ngày của nhân dân, thông qua nhiều hình thức như: Thông qua tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện; đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng... Qua đó, các nghị quyết HĐND tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng, phát huy được hiệu quả trên thực tế.
Có thể khẳng định, nhờ được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, các nghị quyết do HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành đều đúng thẩm quyền, đúng quy định, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sát với tình hình thực tiễn và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương, trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng, có tác động lớn cho sự phát triển của tỉnh cũng như đời sống người dân trong nhiều năm tiếp theo.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()