Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:15 (GMT +7)
Môi trường kinh doanh dịch vụ còn bất cập
Thứ 2, 16/07/2012 | 22:02:25 [GMT +7] A A
[audio(1782)]
Thời gian qua mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch nhưng những hiện tượng như: Nâng giá chặt chém du khách mùa lễ hội, bán hàng rong tràn lan, đeo bám chèo kéo du khách… ở khu du lịch Bãi Cháy vẫn chưa có hồi kết.
Những cuộc đua nâng giá
Vào dịp nghỉ lễ, nhất là vào những ngày lễ lớn thì từ những mặt hàng bình dân nhất như chai nước ngọt, hàng ăn bình dân đến những dịch vụ cao cấp hơn tại các nhà hàng, khách sạn ở khu du lịch Bãi Cháy lại rục rịch cho cuộc đua tăng giá.
Dịp Carnaval Hạ Long 2012 vừa qua là một minh chứng, nhiều khách du lịch sau khi tham quan đã rất bức xúc việc các nhà nghỉ, khách sạn nâng giá gấp 3, 4 lần ngày thường. Theo ghi nhận của chúng tôi, giá phòng đôi ở các nhà nghỉ bình dân, khách sạn mini trong khu phố Anh Đào vào ngày thường từ 250.000-300.000 đồng/phòng, ngày cuối tuần có giá từ 300.000-500.000 đồng/phòng nhưng dịp 30-4 và 1-5 vừa qua thì giá đã đội lên cả triệu đồng. Các khách sạn gắn sao cũng vui chung cuộc đua tăng giá, phòng nghỉ thấp nhất cũng hơn 1 triệu đồng cho đến cả chục triệu đồng một đêm. Dịch vụ đồ ăn uống cũng theo đà tăng giá.
Anh Vũ Hoàng Nghĩa, xã Phù Ninh, Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) cùng bạn bè sau chuyến đi tham quan dịp 30-4, kể: Chúng tôi biết những ngày nghỉ lễ mà đi du lịch thì thế nào các mặt hàng cũng sẽ bị các tư thương nâng giá nên đã chuẩn bị sẵn đồ uống ở nhà, nhưng vì thời tiết ngày hôm đó khá nóng bức khi đến nơi ai cũng mệt và khát nước. Tôi hỏi mua lon coca lạnh và thực sự bị “sốc” vì người bán hàng bảo 50.000 đồng/lon, hỏi đến nước dừa cũng được “hét” với giá 50.000 đồng/quả, đắt gần gấp 10 lần so với ngày thường. Còn chị Nguyễn Thị Phương, xóm 3, Nam Hồng, Nam Sách (Hải Dương) chia sẻ: Rút kinh nghiệm năm ngoái, hè này trước khi cả gia đình đi nghỉ mát ở Bãi Cháy tôi đã chuẩn bị sẵn hoa quả, nước uống và bánh mỳ sữa. Nói thật là mang đồ ăn uống đi theo thấy cũng hơi nặng và lỉnh kỉnh một chút nhưng đổi lại là rẻ hơn mà cũng ngon. Thực tế, nhiều du khách đã chọn giải pháp tiết kiệm như chị Phương trước khi đi du lịch, như vậy thiệt hại trước tiên là chính những người kinh doanh trong khu du lịch.
Mặc dù lễ hội Carnaval Hạ Long đã qua hơn 2 tháng rồi nhưng nhìn chung giá các mặt hàng, dịch vụ tại đây vẫn còn khá cao. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn bình dân vẫn giữ giá 400.000-500.000 đồng/ phòng; coca 15.000-20.000 đồng/ lon (trong khi đó giá bán tại các cửa hàng tạp hoá là 5.000 đồng/lon), nhiều đồ uống như nước dừa, chanh leo tại một số điểm kinh doanh không được niêm yết giá. Các dịch vụ tắm biển như thuê phao màu từ 30.000-50.000 đồng/ cái; dịch vụ trông giữ xe máy là 10.000 đồng, ô tô là 50.000 đồng/xe (tại các điểm trông giữ xe trong khuôn viên Công ty TNHH MTV Thanh Niên và Công viên Quốc tế Hoàng Gia)...
Không chỉ “chặt chém” du khách bằng việc nâng giá, một số người kinh doanh hàng ăn đêm còn bớt xén đồ ăn của khách. Các loại hải sản như ốc, ngao, sò... được trả tiền theo đĩa nên trước khi chế biến cho khách các chủ hàng đã nhanh tay bớt lại một phần nhỏ. Dù lượng bớt lại không nhiều (vài con ốc, con ngao) nhưng cho thấy văn hóa kinh doanh đang bị xuống cấp trầm trọng, làm xấu đi hình ảnh con người Quảng Ninh thân thiện, mến khách. Chưa kể đến việc, những hàng ăn “vỉa hè” trên có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. Rõ ràng “mất nhiều hơn lợi” nếu người dân cứ quen kiểu “ăn xổi ở thì” như hiện nay.
Chèo kéo, “cò mồi” du khách
Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ảnh nhiều nhưng tại khu vực Cảng tàu khách Bãi Cháy vẫn xuất hiện tình trạng cò tàu công khai đeo bám, mời chào khách thuê tàu tham quan Vịnh. Nhiều đối tượng còn tự nhận là chủ tàu và đưa ra những lời mời hấp dẫn, thậm chí giảm giá thấp hơn so với giá niêm yết tại Cảng. Ví dụ, giá thuê tàu trọn tuyến đối với loại tàu đạt tiêu chuẩn có trọng tải 36-48 người có giá niêm yết là 400.000 đồng/1 giờ tàu, theo tư vấn của “cò” thì họ có thể linh động giảm xuống 350.000 đồng/1giờ tàu; tàu hạng 3 trọng tải từ 12-48 người có giá niêm yết là 500.000 đồng/ 1 giờ tàu giảm xuống còn 400.000 đồng/1 giờ tàu. Đối với khách đi lẻ tham quan Vịnh theo giá niêm yết là 100.000-150.000 đồng/người với hành trình 4 tiếng, nhiều cò đưa ra chiêu câu khách tinh vi hơn bằng việc nói lấp lửng chỉ có 100.000-150.000 VND/1 người, gây nhầm lẫn cho khách du lịch. Do không tìm hiểu kỹ càng nên khi xuống tàu nhiều khách mới té ngửa khi được giải thích “lại” là 100.000 đồng/1giờ tham quan, muốn lên bờ thì không kịp nữa vì tàu đã chạy rồi, chẳng lẽ lại nhảy xuống biển? Nhiều khách đành chọn phương án “dĩ hoà vi quý” vì “mình mỏng, sức yếu”.
Bên cạnh đó, trên vịnh còn tồn tại hàng chục đò máy, đò chèo tay hoạt động công khai, chèo kéo du khách mua hàng, không chỉ gây nguy hiểm mất an toàn giao thông đường thuỷ mà còn là hình ảnh phản cảm, khiến du khách khó chịu. Ông Jonh Cappier (du khách Thụy Điển) cho rằng tồn tại hiện tượng bán hàng rong trên biển là do việc quản lý du lịch chưa thực sự tốt.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tích cực hơn nữa để loại bỏ hoàn toàn việc lợi dụng du lịch để chặt, chém du khách, xoá bỏ những hình ảnh xấu về môi trường kinh doanh du lịch tại Bãi Cháy nói riêng và Vịnh Hạ Long nói chung.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()