Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 22:35 (GMT +7)
Mỗi xã, phường một sản phẩm
Thứ 5, 24/10/2013 | 05:04:12 [GMT +7] A A
Đây là một Đề án vừa được UBND tỉnh phê duyệt (QĐ 2870/QĐ-UBND, ngày 22-10-2013) với tên gọi đầy đủ là “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2013-2016. Đơn vị chủ trì là Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh, với thời gian bắt đầu thực hiện từ tháng 10-2013.
Trên thực tế, câu chuyện mỗi xã, phường một sản phẩm đã và đang có. Thế nhưng, việc duy trì, phát triển sản phẩm đó theo hướng thương mại hoá cũng như vấn đề tạo hiệu quả cụ thể mang tính tập thể lại là một mớ “rối như bòng bong”. Có rất nhiều nguyên nhân được lý giải song điểm mấu chốt nhất vẫn là thiếu vai trò dẫn dắt của “đầu tàu”.
Do đó, khi nói về Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” ông Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới của tỉnh khẳng định: Trong chương trình này, Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển, như: Đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành các kênh phân phối sản phẩm… Còn người dân đóng vai trò chính trong “sân chơi” này; họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với sự đa dạng và phong phú về sản vật địa phương thì mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh cho 40-60 sản phẩm truyền thống đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh được xác định trong Đề án chắc chắn là không khó. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sự thành công được quyết định bởi chính người dân. Do đó, cùng với việc ban hành cơ chế chính sách cũng như hỗ trợ về kỹ thuật, xúc tiến quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu thì yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là công tác tuyên truyền để cho người dân có nhận thức đúng về ý nghĩa, hiệu quả của Đề án. Điều này được thể hiện qua ý thức sản xuất hàng hoá chất lượng cao và nghệ thuật tạo sự hấp dẫn với người tiêu dùng cùng tinh thần liên kết tạo vùng phát triển thay cho các mô hình nhỏ lẻ hiện tại.
“Mỗi xã, phường một sản phẩm” sẽ không chỉ là diện mạo của nông thôn mới trên cơ sở phát huy cao nhất nội lực mà đây còn là giải pháp cụ thể cho tăng trưởng xanh, bền vững.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()