Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 03:51 (GMT +7)
Mỗi xã, phường một sản phẩm
Thứ 4, 19/02/2014 | 06:59:36 [GMT +7] A A
Nhằm đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm”, giai đoạn 2013-2016, do Ban Xây dựng nông thôn mới của tỉnh làm chủ Đề án. Ban Điều hành đề án do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là: Phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn Quảng Ninh theo hướng phát triển sản xuất, tăng giá trị sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Để làm rõ nội dung, mục tiêu của Đề án cũng như trao đổi, học tập kinh nghiệm về hoạt động này, ngày 18-2-2014, Ban Điều hành Đề án đã tổ chức hội thảo “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.
Chủ trì và phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Đề án nhấn mạnh: Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đa dạng, khác biệt với các tỉnh, thành khác và có nhu cầu tiêu thụ lớn. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng được 21 sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, mang tính đặc trưng riêng của địa phương và được thị trường chấp nhận. Để tiếp tục mở rộng, đầu tư có trọng điểm, hướng tới xây dựng mỗi xã, phường một sản phẩm, tỉnh Quảng Ninh đang lập quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá kết hợp với tổ chức lại sản xuất; ưu tiên tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư.
Như vậy, việc xây dựng “Mỗi xã, phường một sản phẩm” không chỉ đơn thuần thống kê xã, phường có sản phẩm gì, mà phải xem xét đánh giá nó trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu thấy nó có lợi thế cạnh tranh thì phải xây dựng chiến lược phát triển như thế nào. Và không chỉ những sản phẩm truyền thống, những sản phẩm mới nhưng có lợi thế khi đưa về địa phương cũng cần được xem xét để tổ chức sản xuất, kinh doanh.
“Mỗi xã, phường một sản phẩm”, không chỉ là những sản phẩm hàng hoá mà còn bao gồm cả những sản phẩm dịch vụ, như dịch vụ du lịch; dịch vụ thương mại; dịch vụ văn hoá; dịch vụ y tế...
“Mỗi xã, phường một sản phẩm” phải được xây dựng theo quy hoạch phát triển chung của tỉnh, nhằm tạo ra những vùng sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh hướng tới thị trường cả nước và xuất khẩu, xuất khẩu tại chỗ.
“Mỗi xã, phường một sản phẩm” cần thúc đẩy thành phong trào trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Những người nông dân, những người lao động ở nông thôn là “chủ thể” tạo ra những sản phẩm. Nhiệm vụ của Đề án không nên hỗ trợ “dàn đều” mà cần phát hiện sớm những nhân tố mới, cách làm hiệu quả để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, tập trung, tạo lan toả những thành công.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()