Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:02 (GMT +7)
Tuyển chọn, đào tạo VĐV đấu kiếm
Thứ 2, 14/06/2021 | 09:09:30 [GMT +7] A A
Là môn thể thao Olympic, đấu kiếm mới được Quảng Ninh đưa vào đào tạo, huấn luyện gần đây, nhưng cũng gánh trên vai nhiều khó khăn so với mục tiêu đề ra.
Đấu kiếm được coi là môn thể thao quý tộc, du nhập, phát triển rồi trở thành môn thế mạnh của thể thao Việt Nam tại các kỳ Đại hội thể thao khu vực. Bộ môn gắn với những thành công của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam. Ở Quảng Ninh, đấu kiếm được quan tâm triển khai từ cuối năm 2018, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh được giao tuyển sinh lứa VĐV đầu tiên.
"Là môn thể thao mới, môn Olymic định hướng phát triển trong tương lai, hiện Trung tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, phòng tập luyện, trang thiết bị để bộ môn phát triển, theo kịp sự phát triển chung, phục vụ cho các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của thể thao tỉnh nhà" - ông Lương Bình Quảng, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ.
Thuận lợi là ở khoá đầu này, Trung tâm phụ trách tuyển sinh, đào tạo cả năng khiếu tới tuyển trẻ và tuyển chính. Năm 2019, khi Trung tâm tuyển sinh khoá đầu tiên đồng thời đã bổ sung HLV đi học tập, tập huấn để đào tạo lớp VĐV mới này. Trung tâm hiện tuyển được 1 khoá với 8 VĐV còn khá trẻ, có tầm vóc, được đào tạo thể lực và kỹ thuật cơ bản tốt, được đánh giá cao về khả năng phát triển. Thành quả đầu tiên là đã giành được 2 HCĐ ở giải Vô địch trẻ toàn quốc năm 2020.
Khởi đầu có vẻ thuận lợi như vậy nhưng khó khăn với môn thể thao Olympic “sinh sau đẻ muộn” này lại rất nhiều. Về công tác đào tạo, hiện chưa có HLV “cứng” bộ môn mà hiện sử dụng HLV “tay ngang” từ môn bóng đá chuyển sang. HLV chưa có nhiều kinh nghiệm, phải cho đi đào tạo huấn luyện, tạo cơ hội tiếp cận với chuyên gia để nâng cao trình độ. Vậy mới có chuyện, trong các buổi tập huấn xa, ở các trung tâm của môn đấu kiếm, trò học tập huấn, thầy cũng... tranh thủ học hỏi, nâng cao trình độ luôn.
Tuyển các VĐV đấu kiếm, cái khó chính là phát hiện, đánh giá tài năng để tuyển sinh cũng như đánh giá chất lượng VĐV để bổ sung lực lượng, xây dựng các tuyến dày dặn, tìm ra tài năng. Hiện tất cả các khâu từ tuyển sinh và đánh giá chất lượng của tỉnh đều phải mời chuyên gia về thẩm định.
Để phát triển tốt bộ môn, nâng cao chất lượng VĐV, cần phải quan tâm đào tạo lực lượng VĐV đầy đủ cả 3 tuyến, có lớp trước, lớp sau, bổ sung lực lượng liên tục, nhưng do là môn mới, nên vẫn có những "khoảng trống" nhất định. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm mới tuyển sinh và đào tạo được khoá đầu tiên cho lực lượng cả 3 tuyến. Khoá thứ 2 được giao cho Trường TDTT tuyển sinh, đào tạo tuyến năng khiếu từ năm 2020, phải 2-3 năm sau mới có thể bổ sung lực lượng này cho Trung tâm.
Là môn đối kháng cao, bộ môn cần lựa chọn những VĐV có phẩm chất tốt, phù hợp, như chiều cao tốt, sải tay và bước chân dài... Đồng thời quan tâm đào tạo, uốn nắn về độ khéo, sức nhanh trong từng động tác, khả năng quan sát, thể lực, bởi cường độ vận động cao trong vòng thời gian ngắn.
Vì thế, phương án tốt nhất hiện tại là thực hiện liên kết đào tạo, mời chuyên gia giỏi về đào tạo, đồng thời với việc đi tập huấn thường xuyên tại các trung tâm của môn đấu kiếm, như Hà Nội, Hải Dương... Tuy nhiên, hiện nay các chương trình tập huấn hoặc mời chuyên gia đang bị "phá sản" bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc tập luyện hiện phải làm theo hình thức offline, tức là nhiều bài tập của VĐV đều phải ghi hình để gửi cho chuyên gia góp ý, đánh giá.
Được coi là môn thể thao quý tộc, đầu tư trang thiết bị tập luyện cho môn đấu kiếm tốn hàng tỷ đồng, mà có tiền cũng mua không dễ. Cùng với bắn súng, bắn cung, đấu kiếm gặp khó bởi các dụng cụ, thiết bị này được quản lý chuyên ngành của Bộ Công an. Việc quản lý, cấp phép chặt chẽ, qua nhiều khâu thẩm định, phê duyệt từ Tổng cục TDTT tới Bộ chủ quản, quy trình tìm nguồn thiết bị, nên thông thường phải chuẩn bị nhiều tháng đến cả năm mới có thể mua được trang thiết bị, vậy nên kinh phí thường "đội" lên rất nhiều. Tất nhiên, câu chuyện trang thiết bị thi đấu không phải riêng của Quảng Ninh.
Đấu kiếm là môn thể thao Olympic quan trọng, định hướng phát triển trong tương lai, cần có cách làm bài bản và đầu tư thích đáng. Trước mắt, mục tiêu Quảng Ninh đặt ra với đấu kiếm ở Đại hội Thể thao năm 2022 là phải đoạt huy chương. Đây là thách thức không nhỏ với bộ môn, bởi nhiều khó khăn, thời gian ngắn, cũng như phải cạnh tranh với không ít địa phương phát triển sớm môn thể thao này.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()