Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:41 (GMT +7)
Mông Dương gian khó và kiên cường
Chủ nhật, 21/11/2021 | 13:09:01 [GMT +7] A A
Đã lâu rồi, nay tôi mới trở lại với Mông Dương. Chập chờn trong ký ức, thị trấn miền sơn cước hun hút giữa ngàn xanh. Quốc lộ 18A như sợi chỉ mảnh xâu chuỗi những quả đồi. Con đường oằn trong bụi lút bánh xe lăn cứ chông chênh vời vợi chạy mút qua miền Đông Bắc. Bám theo hai bên đường thưa thớt lèo tèo những ngôi nhà dựng tạm đơn sơ. Tường gạch ba banh để mộc, mái lợp gianh nứa gianh tre, những khuôn mặt người sạm đen, bụi bặm. Vậy mà giờ Mông Dương bừng dậy như thiếu nữ bước qua tuổi dậy thì lung linh, ngạo nghễ, kiêu hãnh sắc xuân. Mông Dương đã biến thành đô thị đang phát triển, đẹp, hiện đại như bất cứ một đô thị nào ở mọi miền đất nước.
Khi vòng cung Đông Triều được hình thành, chạy qua miền Đông Bắc, để lại nơi đây một thung lũng đẹp. Dòng sông Mông Dương ồn ào, hoang dã chồm lên như lũ ngựa vô cương khi xả lũ cho cả miền thượng nguồn núi non hùng vĩ. Độ chênh vênh như mái nhà dốc xuống. Lúc yên bình, sông trữ tình thơ mộng đưa nước triều lên làm dáng với đôi bờ, đưa cả những con xà lan trọng tải 200 tấn vào tận trung tâm thị trấn. Thiên nhiên hoang sơ ban cho Mông Dương thế mạnh bề nổi là rừng. Nửa thế kỉ trước, rừng của Mông Dương dày đặc những loài gỗ quý hiếm nhóm một như lim, sến, táu... Màu xanh thẫm đặc trưng của rừng lim Mông Dương nối tận với mênh mông Đồng Mỏ rồi hòa vào cùng Ba Chẽ, Tiên Yên. Nhưng rừng mới là bề nổi chứ sự giàu có của xứ sở heo hút này phải kể đến than. Việc phát hiện ra nguồn than trong lòng đất Mông Dương, truyền thuyết còn kể lại rằng: Khoảng 200 năm trước, có gia đình nông dân phát nương ven suối, người chồng xuống suối tắm thấy những hòn “đá lạ” bị lũ cuốn ra liền nhặt lên xem rồi tiện tay mang lên bờ kê bếp cho vợ nấu cơm. Hòn đá bị củi lửa thiêu đốt một hồi, bỗng hồng lên đỏ rực, và tỏa ra một sức nóng đến lạ kì. Từ đấy, người bản địa xứ Mông Dương đã biết đến một loại đá “nuôi sống lửa”.
Khi người Pháp tiến hành thăm dò mỏ than vùng Đông Bắc (gồm cả Đông Triều, Mạo Khê, Uông Bí lẫn Hòn Gai, Cẩm Phả, trong đó có Mông Dương). Những hòn than mà người bản địa xứ Mông Dương đã phát hiện, được người Pháp ghi nhận thuộc loại than antraxit, nhóm quý hiếm nhất thế giới, dùng cho ngành luyện kim.
Kể về sự hình thành nghề khai thác mỏ than Mông Dương nói riêng và vùng mỏ Đông Bắc nói chung, xin nhắc lại đôi dòng lịch sử: Trong hòa ước Patơrot, năm 1884, vua Tự Đức chuẩn phê cho đại thần Tôn Thất Bật thay mặt triều đình nhà Nguyễn kí kết bán cả vùng mỏ than Đông Bắc cho người Pháp với giá 25 vạn đồng (tiền Đông Dương do người Pháp ấn hành).
Ngày 24/8/1888, Barivesopua một chủ tư bản, mại bản Pháp chính thức thành lập Công ty Pháp mỏ than Bắc Kì và độc quyền tiến hành khai thác mỏ than vùng Đông Bắc. Nhưng phải 20 năm sau - mỏ than Mông Dương mới được tiến hành khai thác. Lúc đầu, người Pháp mới cho mở công trường ở những vỉa than nhỏ lẻ. Mãi nhiều năm sau, họ mới tiến hành mở lò giếng đứng với quy mô lớn để khai thác mỏ Mông Dương (dưới độ sâu 95m). Trữ lượng dồi dào và chất lượng đặc dụng hảo hạng, mỏ than Mông Dương đang đem lại lợi nhuận như hốt bạc cho tư bản Pháp thì bị phát xít Nhật vào làm cuộc đảo chính lật đổ, phế truất quyền đô hộ của chính quyền bảo hộ Pháp tại Việt Nam và Đông Dương. Chúng phá hoại nhà máy điện Cọc Năm - Hòn Gai. Lò giếng đứng Mông Dương bị ngừng trệ khai thác. Sau giải phóng (1954), mỏ Mông Dương được giành lại về tay giai cấp công nhân, nhưng chỉ trong tình trạng giữ gìn và khôi phục.
Sự quần tụ dân cư để hình thành nên thị trấn Mông Dương giữa vùng “thâm sơn cùng cốc” là do hai thế mạnh của rừng và than. Những người nông dân từ các tỉnh đồng bằng được mộ về làm thợ sơn tràng và khai thác mỏ. Nhưng lực lượng chính tạo nên dân cư thị trấn vẫn là phu mỏ. Mất việc, họ dồn ra Hòn Gai, Cẩm Phả để sống tiếp với nghề. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên và nghiệt ngã của nghề sơn tràng chỉ đủ cho người công nhân lâm nghiệp duy trì cuộc sống tối thiểu (dù họ đã bị buộc hóa thân thành những tên “đao phủ” hủy diệt rừng đến cạn kiệt, trụi trơ) - Mông Dương chìm dần vào tiêu điều hoang phế.
Sau hai mươi năm củng cố và xây dựng, tấn than đầu tiên của mỏ than Mông Dương đã được ra lò vào ngày 28/12/1982. Đây là cái mốc gắn liền vào sự hưng vong, tương quan sống còn của một doanh nghiệp với một vùng đất.
Mỏ than Mông Dương sống lại đã đánh thức theo một miền đất đã ngủ im ngót ba chục năm trường - thị trấn Mông Dương sầm uất lại. Mỏ than Mông Dương giờ là Công ty CP Than Mông Dương - thành viên câu lạc bộ của những công ty đạt sản lượng triệu tấn than/năm thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, tôi được đến đây để viết bài đưa tin năm 2012. Giám đốc Doãn Văn Quang, nụ cười phóng khoáng thật tươi nở trên môi, cái bắt tay rõ chặt của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty đang ăn nên làm ra giữa thời kinh tế thị trường đang bấp bênh chao đảo, đã để lại ấn tượng đẹp đầu tiên cho người được tiếp xúc.
Có lẽ đây là nhã ý mà anh Quang muốn giới thiệu với chúng tôi về sự phát triển của công ty mình. Bữa ăn công nghiệp giữa ca của cán bộ, công nhân viên Công ty do bếp ăn tập thể đơn vị tổ chức. Nhà ăn tập thể mà được bài trí mang dáng dấp sang trọng như một nhà hàng. Được tham dự một bữa ăn tự chọn với trên 20 món, cả món ăn thông dụng lẫn món ăn đặc sản dân tộc như tôm chiên, giò, mọc là điều quá bất ngờ với chúng tôi.
Nhìn những chàng trai thợ lò độ tuổi hai mươi, đỏ au chắc nịch bên khay thức ăn ăm ắp, tôi nhớ lại câu chuyện của một thợ mỏ già đã làm việc ở giếng đứng Mông Dương:
- Khi tuyển mộ được một nhóm thợ, thử thách đầu tiên của bọn chủ mỏ người Pháp là cho sắp một bữa ăn chỉ với cơm gạo đỏ, muối vừng và bát canh rau cải lều phều vài ba miếng tóp mỡ. Chúng ngồi xa quan sát, ghi nhận lấy những người ăn ngon miệng, ăn khỏe nhất để nhặt riêng đưa xuống làm thợ khai thác ở giếng đứng...
- Ông cha ta vẫn có câu “ăn và làm, làm và ăn”, nhìn ăn sẽ luận ra làm mà. Tôi hỏi một chàng trai thợ lò: Mỗi bữa ăn, các cậu phải nộp bao nhiêu tiền? Tám ngàn! Chàng trai trả lời. Tôi nhẩm tính, mỗi suất ăn này ở ngoài thị trường đáng giá cỡ năm, sáu chục ngàn. Vậy số còn âm là Công ty bù cho. Thật quá ưu ái. Đấy là số tiền lẻ trong tháng lương thợ mỏ. Thợ lò đi đủ 22 công, khi than ra thuận lương tới 23 triệu đồng. Còn gặp lúc khó khăn, trục trặc cũng có thu nhập mười lăm, mười sáu triệu.
Nếu đem thu nhập này ra để so sánh với thu nhập của một chàng trai làm nông thì hẳn đây là một cú... siêu sốc.
Để có được cuộc sống như hôm nay cho người thợ mỏ, thời điểm năm 2012, Công ty CP Than Mông Dương đã phải trải qua một giai đoạn cực kì khó khăn. Khẩu hiệu Đổi Mới Hay Là Chết đặt ra bức bách, để hướng đến một giải pháp mang tính mất còn. Anh Doãn Văn Quang nói rằng: Khi những tấn than đầu tiên được ra lò, mừng vì đã làm sống lại một giá trị vật chất cho đất nước nhưng duy trì thế nào để mỏ than Mông Dương làm ăn phát triển, có lãi, bảo đảm đời sống của 4.000 công nhân (con số năm 2012) có mức sống như công nhân của các mỏ khác trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, là điều nan giải. Do địa tầng, địa chất quá phức tạp, công nghệ khai thác không hợp lí và cơ chế, quản lý... còn quá nhiều phụ thuộc, vướng mắc chưa được tháo gỡ nên sản lượng than ra lò những năm đầu chỉ được 300 đến 450 tấn/năm, đạt 1/2 kế hoạch.
- Cái khó khăn lớn nhất mà Công ty Than Mông Dương đã vượt qua được là gì?
- Đổi mới hay là chết?
Giám đốc Doãn Văn Quang chỉ đưa ra một khẩu hiệu chung chung mà không đi vào cụ thể để chúng tôi tự tìm hiểu.
Cuộc cải cách mà Công ty đã đặt ra cho sự mất còn này là:
- Cải cách kĩ thuật
- Cải cách trang thiết bị, đầu tư
- Và cải cách quản lí, tư duy để vượt qua mọi cơ chế áp đặt ràng buộc - bao cấp để có một đội ngũ cán bộ công nhân năng động, sáng tạo, yêu nghề, giỏi việc và chí công....
Đấy là những nội dung phảng phất trong khẩu hiệu báo chí mà chúng ta vẫn thường nghe, thường đọc. Nhưng với Công ty Than Mông Dương thì đây đã biến thành hành động cụ thể. Nói là làm. Có lẽ đây chính là bí quyết, nó thật giản đơn nhưng không hề đơn giản.
Sự gắn bó, tin yêu của công nhân với vị Giám đốc của mình thì bất kể một công nhân nào của Công ty cũng thường nhắc chuyện: Doãn Văn Quang được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam điều về nhận trọng trách cao hơn trên Tập đoàn. Nhưng 4.000 cán bộ, công nhân viên Công ty đã ký vào đơn kiến nghị, níu kéo anh ở lại.
Nhìn cây tháp tời đang vận hành trên miệng lò giếng chính, tời những goòng than lên đổ vào băng chuyền, trông cứ như trò chơi nhàn nhã của gã khổng lồ đang vần vô lăng khiển con tầu vô định. Những vòng xoay kia trông uể oải, rời rạc mà tải mỗi ngày những 5.000 tấn than nguyên khai được cánh thợ lò moi ra từ “âm phủ” để nó biến ra sản lượng trên 1,5 triệu tấn/năm cho Công ty CP Than Mông Dương. Để nó lại biến tiếp ra tiền, rồi cho ra kết quả bình quân thu nhập của 4.000 công nhân mỗi tháng có trên chục triệu đồng. Rồi nó biến hóa thành một Mông Dương làm ngỡ ngàng cho những người như tôi khi gặp lại.
Tôi nhăm nhăm cầm máy ảnh đứng trước cửa lò giếng phụ chờ toán thợ lò sắp ra ca để “chộp” lấy một kiểu ảnh. Những chàng trai trẻ từ đầu đến chân đen nhẻm như thể vừa vớt ra từ nồi thuốc nhuộm. Chỉ có ánh mắt lấp lánh và nụ cười sáng lòa. Họ vừa như những con kiến, con mối xông xáo trong lòng đất dưới độ sâu - 250m để làm ra hòn than vì miếng cơm manh áo của mình và hạnh phúc của bao người.
Nhớ câu ca dao xưa phát tác từ đất này:
“Nửa đêm nghe tiếng còi tầm
Mà như tiếng vọng từ âm phủ về”
Giờ được nhìn vào nụ cười ngời lên rạng rỡ trong đôi mắt những người thợ trẻ. Sự tự tin ấy, lòng cũng thấy an lòng.
Mông Dương đẹp với màu xanh hoang dã núi rừng và những con đường quanh co chao nghiêng dốc đổ xuống từng khu phố. Con sông ngàn đời hung dữ, ngổn ngang cồn rản đã được Công ty CP Than Mông Dương bỏ ra ngót 60 tỷ đồng nạo vét, bổ kè, tạo nên những đường viền công viên đô thị. Ba làng mỏ kéo dài gần hai cây số, lưng tựa vào núi, có những ngôi biệt thự xây cả tiền tỷ đứng nghiêng bóng xuống dòng sông, giờ đã thành ba khu phố. Cũng do Công ty Than Mông Dương bỏ của, bỏ công san gạt, phân nền cho công nhân cả đấy. Còn một khu nhà cao tầng khác - ngôi trường THPT vừa xây cất trên khu “đất vàng” của phường là nơi Công ty CP Than Mông Dương đã di chuyển cả ngót ngàn rưỡi tấn vật tư thiết bị để nhường lại. Công viên, nhà văn hóa, bể bơi... mỗi công trình công cộng đều mang dấu ấn của người thợ mỏ của Than Mông Dương để lại.
Trên địa bàn, ngoài Công ty CP Than Mông Dương còn thêm hai đơn vị khác: Khe Tam và Khe Chàm. Khe Tam đang hoạt động cầm chừng, Khe Chàm đã gióng lên hồi chuông báo động... hết than.
Còn Công ty Than Mông Dương với trữ lượng dự đoán sẽ khai thác năm mươi năm. Nếu đi tiếp xuống độ sâu - 750m, nghĩa là than Mông Dương sẽ tồn tại được vài mươi năm nữa.
Hiện thời, hai nhà máy nhiệt điện có vốn đầu tư của các công ty nước ngoài được các Công ty Hàn Quốc nhận thầu đang đi vào xây dựng cơ bản trên đất Mông Dương. Mỗi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cho công suất trên một nghìn Mêgaoát (MW). Đây là điều đáng mừng, càng góp phần đưa Mông Dương tiến xa thêm vào thành đô thị công nghiệp hiện đại. Và đây cũng là biện pháp tình thế rất cần thiết, giúp ngành than gỡ bỏ một phần khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, bởi khi đi vào hoạt động, hai nhà máy sẽ tiêu thụ chừng sáu triệu tấn than/năm.
Trên đây là những gì tôi ghi nhận được khi đến mỏ than Mông Dương từ 9 năm về trước (tháng 7/2012). Hôm nay, một lần nữa được về thăm lại mỏ than Mông Dương. Một thập niên sắp đi qua, cùng với bao biến động có cái được dự báo, có cái khôn lường bất ưng ập đến để cả thế giới phải đương đầu chèo chống. Sự suy thoái kinh tế toàn cầu, rồi dịch bệnh hoành hành, Mông Dương cũng không thể là ngoại lệ.
Vị Giám đốc tiền nhiệm Doãn Văn Quang đã được rút về Hà Nội đảm nhận nhiệm vụ quan trọng hơn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Công ty Than Mông Dương cũng đã đổi thành Công ty CP Than Mông Dương – Vinacomin, với hai thành phần cùng cổ phần hóa (nhà nước 65%, tư nhân 35%). Và những gương mặt các vị Giám đốc cũng đã từng thay nhau đảm nhận. Giám đốc Khuất Mạnh Thắng thay Giám đốc Doãn Văn Quang. Giám đốc Nguyễn Trọng Tốt thay Giám đốc Khuất Mạnh Thắng. Và giờ là Giám đốc đương nhiệm Nguyễn Quế Thanh. Tất cả các anh đều nhiệt huyết duy trì phát huy để mỏ than Mông Dương không ngừng phát triển. Mông Dương phát triển được, tồn tại được là nhờ ở hòn than, nhờ sự ăn nên làm ra của các Công ty trong lòng mình. Điều ấy là một hiển nhiên!
Anh Nguyễn Trọng Tuân, Chủ tịch Công đoàn thay mặt Ban lãnh đạo mỏ cung cấp cho chúng tôi một vài số liệu. Đó là những gì mà cán bộ, công nhân viên chức Công ty CP Than Mông Dương đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn với tình hình chung của đất nước, của toàn cầu cùng nhau ổn định, duy trì sản xuất, hoàn thành tốt chỉ tiêu sản xuất than mà Nhà nước giao cho mỏ, bảo đảm sản xuất có lãi, giữ mức thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Dù đang khai thác dưới độ sâu mức 250 đến 300 - 400 mét nhưng sản lượng than của mỏ vẫn đạt trên 1,5 triệu tấn/năm. Mức thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên của mỏ 16 triệu đồng/tháng/người. Còn có những con số làm chúng tôi không thể không chú ý. Đó là số cán bộ, công nhân viên của mỏ so với thời thập niên 80 - 90 (thế kỷ trước khi mới thành lập mỏ) nay rút xuống còn trên 3.000 người. Sự tinh giản ấy là nhờ cải tiến phương thức khai thác nhờ máy móc hỗ trợ và cũng đỡ đi phần vất cả cho những người công nhân đang cần mẫn trong lòng đất đưa tài nguyên lên làm giàu cho đất nước.
Cùng đi vào Công ty CP Than Mông Dương hôm nay để tìm hiểu nguồn cảm hứng sáng tác, nhạc sĩ Đỗ Hòa An đang trầm ngâm đứng ngắm nhìn cảnh tấp nập nhộn nhịp của những cỗ cần cẩu đang chuyển vật tư đưa vào lòng mỏ, tôi biết có thể anh đang tư duy để cho một ca khúc ra đời, để ngợi ca cuộc sống, ngợi ca những con người đang cần mẫn lao động nơi đây. Tôi vẫn bước đến phá tan phút trầm lặng của anh:
- Anh Hòa An, anh thử tưởng tượng xem. Chúng mình đang đứng trên mặt đất, nhưng ngay dưới chân chúng ta ở tận độ sâu gần nửa ki lô mét, hàng trăm con người đang cần mẫn trong lòng đất. Họ bất chấp hiểm nguy, chẳng ngại gian lao với công việc của người thợ mỏ khai thác tài nguyên cho đất nước...
Vâng, những người công nhân kiên cường ấy đã làm nên một Mông Dương như hôm nay. Hệ thống đường lò giếng đứng khai thác than nơi đây được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2017 và Mông Dương hân hoan chào mừng 40 năm ngày thành lập mỏ hôm nay.
Cẩm Phả, ngày 20 tháng 10 năm 2021
Nguyễn Duy Liễm
Liên kết website
Ý kiến ()