Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:16 (GMT +7)
TKV với chiến lược bảo vệ môi trường bền vững
Thứ 4, 10/11/2021 | 09:30:27 [GMT +7] A A
Trung bình mỗi năm, TKV khai thác trên 40 triệu tấn than, qua đó, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như góp phần tăng thu ngân sách cho Quảng Ninh. Tuy nhiên, đi cùng với sản lượng khai thác ngày một tăng, vấn đề môi trường cũng là bài toán khó với Tập đoàn. Với mục tiêu, sản xuất phải song hành với bảo vệ môi trường, TKV đã xây dựng chiến lược dài hơi, bài bản.
Tập trung xử lý những "điểm nóng"
Bãi thải Bàng Nâu của Công ty CP Than Cao Sơn là bãi thải có quy mô lớn nhất vùng Cẩm Phả, diện tích khoảng 440ha, cao trình đổ thải +300. Nhiều năm qua, bãi thải này thường xuyên là “điểm nóng” về môi trường, khiến cho cử tri TP Cẩm Phả liên tục có kiến nghị Công ty và TKV phải có những giải pháp cấp bách về xử lý quá trình đổ thải để đảm bảo an toàn bãi thải, sử dụng đất đá thải mỏ.
Quyết tâm khắc phục các tồn tại trong công tác đổ thải, Công ty CP Than Cao Sơn đã đầu tư hàng loạt thiết bị mới như: Hệ thống phun ẩm tại đầu băng tải để giảm thiểu bụi; các quạt phun sương cao áp tại mức +300, +105; máy bơm công suất 1.250m3/giờ để bơm cưỡng bức nước mưa chảy tràn ra mương số 1 rồi chảy ra suối Bằng Tẩy trong trường hợp mưa lớn. Cùng với đó, Công ty đã hoàn thành xây dựng các đập ngăn đất đá số 4, 5, 6, 8 chân bãi thải; hệ thống thoát nước chống ngập úng chân bãi thải và tuyến mương thoát nước số 1 chân bãi thải Bàng Nâu về suối Bàng Tẩy. Được biết, trong giai đoạn 2021-2025, Công ty dự kiến sẽ đầu tư bổ sung 8 máy phun sương dập bụi công suất cao tại khu vực đổ thải bằng băng tải, lắp đặt hệ thống cấp nước từ moong 21 Khe Chàm lên bãi thải Bàng Nâu; xây dựng dốc nước sườn bãi thải; đập chắn chân bãi thải; cống thoát nước; trồng cây cải tạo phục hồi môi trường với tổng diện tích còn lại của bãi thải là 347,3ha.
Với sự đầu tư lớn cho những vị trí trọng yếu nên tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh với người dân TP Cẩm Phả vào tháng 10/2021 vừa qua, các cử tri đều đánh giá cao cách làm của than Cao Sơn trong công tác bảo vệ môi trường.
Còn tại Công ty CP Than Đèo Nai, việc cải tạo, phục hồi môi trường cũng được đơn vị đưa lên hàng đầu. Đối với các khu vực khai thác, bãi đổ thải dừng hoạt động, Công ty đều tiến hành ngay việc trồng cây để phục hồi môi trường. Tính đến nay, Công ty đã trồng được hơn 220ha cây xanh tại các khu vực đã kết thúc đổ thải. Từ nay đến cuối năm 2021, Công ty sẽ tiến hành trồng hơn 40ha cây xanh tại bãi thải Nam Khe Tam - Đông Khe Sim. Công ty cũng đã đầu tư máy phun sương cao áp, hệ thống lưới chắn bụi, máy phun sương dập bụi cao áp bán di động, xe chở tưới nước đường dập bụi, xây dựng đập chắn đất đá có kết cấu rọ đá để ngăn đất đá trôi lấp, ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV xử lý toàn bộ nước thải mỏ... Nhờ các giải pháp đồng bộ này nên mặc dù là đơn vị khai thác than lộ thiên có khai trường sản xuất rộng, bãi đổ thải tiếp giáp nhiều khu vực dân cư ở TP Cẩm Phả, nhưng việc phát tán bụi, nước thải mỏ và tiếng ồn ở than Đèo Nai đã ngày càng được cải thiện đáng kể.
Chỉ tính trong giai đoạn 2015-2020, tại Quảng Ninh, TKV đã thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, trồng cây phủ xanh trên 1.000ha bãi thải, khai trường các mỏ than, khoáng sản đã kết thúc. Khu vực các mỏ, khai trường khai thác trong các đơn vị trực thuộc TKV bây giờ đã hạn chế rất nhiều tình trạng bụi bặm, tiếng ồn, thay vào đó là không gian xanh mát, mang lại nhịp sống trong lành hơn cho ngành công nghiệp khai thác mỏ.
Đưa công nghệ khai thác hiện đại vào các mỏ
Đưa công nghệ hiện đại vào các khâu trong quá trình sản xuất đã được TKV ngày càng quan tâm. Những năm qua, Tập đoàn đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hoá, thủy lực hóa ở các mỏ than. Điển hình, như ở các mỏ than lộ thiên, một loạt các thiệt bị công suất lớn đã được đưa vào sử dụng như: Máy khoan đường kính lớn, máy xúc thủy lực gầu ngược dung tích 12m3; hệ thống vận tải liên hợp ôtô - băng tả, xe có trọng tải lớn; sử dụng máy cày xới giảm khoan nổ mìn… Qua đó, đã giảm tối đa số lượng xe lưu thông trên đường mỏ, giảm tình trạng phát thải và bụi trong quá trình vận tải.
Trong khai thác hầm lò, các đơn vị đã sử dụng giá xích, giàn chống tự hành; khấu than bằng máy khấu, máy bào; đào lò bằng máy khoan tự hành kết hợp với xúc bốc, máy đào lò liên hợp, các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo chất dẻo, neo cáp trong đào và chống giữ đường lò... Nhờ đó đã giảm suất tiêu hao gỗ chống lò từ 45-50m3 gỗ/1.000 tấn than xuống chỉ còn 14m3 gỗ/1.000 tấn than. Trong sàng tuyển, chế biến than, các nhà máy tuyển than có công suất gần 20 triệu tấn/năm được cải tạo và đầu tư công nghệ mới để sản xuất than cám chất lượng tốt dùng cho xuất khẩu và sử dụng trong nước.
Được biết trong giai đoạn tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục tăng cường xử lý nước thải mỏ, đất đá thải mỏ theo hướng kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó là khép kín con đường vận chuyển than chuyên dụng bằng các băng tải, tiến tới chấm dứt việc vận chuyển than ra các bến cảng và đến các nhà máy.
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, đánh giá: Những cố gắng của TKV trong những năm qua đã cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực khai thác than. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp lớn có đóng góp cho tỉnh trên nhiều phương diện, nhất là về thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội...
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()