Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 04:11 (GMT +7)
Mong Hội bơi vượt sông truyền thống Bạch Đằng giải Báo Quảng Ninh luôn là một ngày hội
Thứ 3, 07/08/2012 | 05:35:15 [GMT +7] A A
Bây giờ tôi không nhớ rõ, nhưng chắc khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, cuộc bơi trên dòng sông Chanh, chỗ bến phà Chanh xưa nối huyện lỵ Quảng Yên (huyện Yên Hưng nay là TX Quảng Yên) với các xã bên đảo Hà Nam của huyện lần ấy là lần thứ bao nhiêu của Hội bơi vượt sông truyền thống Bạch Đằng giải Báo Quảng Ninh, bởi Quảng Yên là một trong số các đơn vị thường tham gia đăng cai Hội bơi này. Chỉ nhớ, Tổng biên tập Báo Quảng Ninh lúc ấy là ông Nguyễn Huy Trợ; Giám đốc Sở thể thao Quảng Ninh là ông Nguyễn Văn Dậu; Chủ tịch huyện Yên Hưng là ông Vũ Tài Chí; Trưởng phòng văn hoá huyện là anh Ngô Xuân Gô và phong trào bơi ở Yên Hưng lúc đó đang lên mạnh bởi có đội bơi của Xí nghiệp gạch ngói Yên Hưng do anh Đán (hay Đáng? Xin lỗi, tôi không nhớ được họ và tên đệm của anh) làm giám đốc.
Thi đấu nội dung nam chính 3km tại Hội bơi vượt sông truyền thống Bạch Đằng giải Báo Quảng Ninh lần thứ 38 tại sông Cửa lục (TP Hạ Long). |
Cũng nhớ, Báo Quảng Ninh lúc bấy giờ chỉ có chiếc xe con U-oát, được điều đưa cánh nhà báo chúng tôi xuống Yên Hưng từ chiều hôm trước, ngồi khá chật, tới 6 - 7 người, trong đó có tôi.
Chúng tôi đến thẳng Xí nghiệp gạch ngói Yên Hưng, vừa là để nắm tình hình đội bơi của Xí nghiệp, vừa để dự “bữa cơm thân mật” ở đó, như Uỷ ban huyện Yên Hưng đã báo nhờ Xí nghiệp giúp chiêu đãi. Bạn nên nhớ là, lúc ấy còn đang đói khổ, được dự một bữa chiêu đãi thì còn gì bằng!
Hôm đó chúng tôi ngoài biết được tình hình đội bơi của Xí nghiệp, phân công nhau sẽ viết gì, còn được một bữa no say và sau đó nghỉ qua đêm luôn tại Xí nghiệp.
Sáng hôm sau ăn sáng xong, xuống đến Uỷ ban huyện sớm, làm việc rất nhanh với Ban tổ chức, chúng tôi ra chỗ bơi ở khúc sông mà đích đến đặt ở bến phà Chanh, được tạo bằng một con phà xoay ngang ra gần bờ, phía bên thị trấn Quảng Yên. Đến ngã tư, đường xuống bến phà, người đi xem Hội bơi đã nườm nượp, không thể len U-oát vào được. Tất cả bỏ xe xuống đi bộ. Ra đến nơi, dưới sông, có rất nhiều thuyền giương cờ đỏ. Đó là thuyền của các ngư dân Yên Hưng tụ tập về xem bơi, một số được huy động làm công tác đưa vận động viên đến điểm xuất phát và đưa trọng tài đi giám sát các cuộc đua bơi. Trên bờ người xem rất đông, tản dọc theo bờ sông, đông hơn cả, chỗ bến phà Chanh. Người trên các thuyền đứng ngồi lố nhố, cũng chật cả. Tiếng trống phách của đội thiếu niên, tiếng trống của đội múa rồng, lân, ầm ĩ ngay trên khoảng đất đầu bến phà, nơi chỉ lúc nữa sẽ diễn ra lễ khai mạc Hội bơi.
Hội bơi năm ấy, tranh chấp huy chương, ngoài huyện Yên Hưng mà nòng cốt là đội bơi của Xí nghiệp gạch ngói, còn có các đội bơi của huyện Đông Triều, của TX Hòn Gai, TX Cẩm Phả và Lữ đoàn hải quân đang đóng quân trên địa bàn huyện Yên Hưng.
Dự lễ khai mạc, ngoài đội bơi các nơi tề tựu đông đủ, còn có các đội bơi chải của huyện Yên Hưng, cả đội bơi chải nam và bơi chải nữ. Hình ảnh buổi khai mạc, các đội bơi chải nam, nữ, mỗi người chống một mái dầm, tăm tắp, quần áo đồng phục, sinh động, đứng ngay ngắn trong hàng ngũ bên cạnh các đội bơi đã mặc trang phục bơi, có vận động viên thì to con, cao lớn, có vận động viên đang còn bé tí xíu, đứng hàng lối không được thẳng lắm, thật ấn tượng.
Mở đầu Hội bơi là các cuộc thi bơi chải. Bơi chải nữ, rồi đến bơi chải nam. Họ bơi ngược khúc sông Chanh, sau đó bơi xuôi, lại quay bơi ngược, bơi xuôi, hình như hai lần như thế. Đường bơi dài chừng 500m thì phải. Căng thẳng, hồi hộp lắm, trong tiếng reo hò không ngớt cổ vũ của người xem và trong sự ẩm ỹ của trống phách. Đội bơi về nhất huơ mái chèo ăn mừng, những gương mặt hả hê, lắc thuyền ngả nghiêng, rồi cố ý đánh đắm thuyền, mọi người rơi xuống sông, lóp ngóp, xem thấy cũng thích.
Tiếp theo là các cuộc bơi vượt sông của các vận động viên. Bơi giải phong trào, bơi các cự ly của nam, nữ các độ tuổi và hai giải bơi chính nam, nữ. Tôi theo thuyền trọng tài giám sát được đợt bơi phong trào và đợt bơi nữ chính. Đợt phong trào, có những vận động viên mới chỉ 8-9 tuổi, giữa dòng sông rộng lớn, thấy các bé thật nhỏ xíu, lóp ngóp trên đường đua xanh, song cách bơi cơ bản của kiểu bơi tự do (bơi sải) của các bé xem ra đã khá nhuần nhuyễn; mỗi lần tay vươn lên quạt nước là mỗi lẫn nghiêng đầu để thở, chân duỗi thẳng, đập nhanh, đều, gần như song song với mặt nước. Đợt nữ chính, các tay bơi giỏi của Đông Triều, Yên Hưng, Hòn Gai... ùm xuống nước là băng băng về đích. Có hai vận động viên cùng một đôi bơi, nay tôi không còn nhớ ở đơn vị nào, lúc đầu bơi còn hăng hái, song dần bị bứt tốp, bị bỏ xa và cuối cùng tạo thành tốp cuối chỉ có hai người. Các em bỗng không bơi hăng, bơi nhanh nữa, từ bơi sải, các em chuyển qua bơi “chó”, có lúc cảm giác như các em không bơi mà để cho tự dòng nước đẩy đi. Đến một lúc, chắc đã có người về đến đích, bởi chúng tôi nghe thấy tiếng reo hò phía xa, trọng tài thúc hai em bơi gấp lên; các em chuyển qua bơi sải, song chỉ bơi mươi mười lăm sải là lại quay về kiểu bơi “chó”, cứ lững thững như thế. Chừng như không muốn chờ đợi thêm bởi sự chậm trễ, đến một lúc, khi thấy đường về tới đích còn xa, trọng tài mới đề nghị vớt các em lên thuyền, để về cho nhanh. Tôi nhớ mãi nụ cười của hai em. Dưới dòng sông, các em nghiêng mặt lên, nhoẻn miệng cười, bảo: “Chúng cháu có mệt, có đuối sức đâu! Chẳng qua là khi biết không về nhất, nhì, tranh chấp huy chương được nữa, thì cứ tà tà mà bơi về, đi đâu mà vội. Còn lên thuyền? Không thể được, vì chúng cháu đang thi bơi cơ mà! Lên thuyền, tức là bỏ cuộc thi à?”. Rồi, hai cô như bừng lên, như thi nhau xem ai bơi nhanh hơn ai, bằng lối bơi sải, song chỉ được một lúc, các cô lại quay về bơi theo lối bơi “chó”. Dòng sông Chanh lững lờ trôi...
Khi chúng tôi về đến bữa tiệc do Uỷ ban huyện Yên Hưng chiêu đãi, đã thấy không khí thật ồn ào, náo nhiệt. Cuộc tiệc đã vào giữa độ. Nhiều người mặt đã đỏ gay, đang tranh luận rất sôi nổi bên các bàn tiệc. Tôi ngồi vào, chưa kịp ăn gì, đã tới tấp người mang chén đến chúc. Rồi, cuối cùng, tôi phát hiện ra trong mâm tiệc của mình có một đĩa sò huyết, hình như không ai đụng đến. Tôi bóc một con, loay hoay mãi mới mở được vỏ, vì nó đã bị nguội ngắt nên rất khó bóc. Song, hỡi ôi! Mới tuyệt làm sao! Sò huyết được những cô gái - đầu bếp Yên Hưng luộc vừa đúng độ; sò tươi, mẩy, ruột mọng, nước huyết đỏ thắm, húp, nhai, ngọt, bùi, nguội thế không thấy tanh, mà thơm. Thế là, tôi bỏ qua hết các loại sơn hào hải vị khác, suốt bữa tiệc chỉ cặm cụi bóc và chén hết đĩa sò, thì cũng vừa khi tàn cuộc tiệc, lúc ấy đã phải gần hai giờ chiều. Rượu mọi người chúc tụng ngà say, thấy người phởn ra và ấn tượng đặc biệt còn mãi là sò huyết ở Yên Hưng tuyệt ngon. Vẫn mong được trở lại Yên Hưng để bóc sò!
Dù bây giờ không còn làm ở Báo Quảng Ninh nữa (tôi rời Báo Quảng Ninh năm 2004), do đó cũng không còn dịp trực tiếp theo dõi Hội bơi vượt sông truyền thống Bạch Đằng Giải báo Quảng Ninh đã 8 - 9 năm nay, song hàng năm mỗi khi Hội bơi đến tôi vẫn luôn quan tâm. Thật mong, sao cho Hội bơi vượt sông truyền thống Bạch Đằng Giải Báo Quảng Ninh luôn luôn và mãi mãi sẽ là một ngày hội.
Trần Giang Nam
Liên kết website
Ý kiến ()