Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:28 (GMT +7)
Mong muốn của cử tri
Thứ 7, 07/07/2012 | 05:35:00 [GMT +7] A A
* Chị Trương Thị Nga, thôn 1, xã Bằng Cả (Hoành Bồ): “Có chính sách hỗ trợ người nghèo, dân tộc”
Chúng tôi mỗi lần nghe thấy tăng viện phí là giật mình. Nhiều lúc muốn lên thành phố chữa bệnh mà phải “nhịn”, chỉ khi nào bệnh nặng mới dám đi. Việc tăng viện phí chỉ phù hợp với người có điều kiện khá giả, chứ với người nghèo, người dân tộc như chúng tôi thì càng thêm lo. Đã lo bệnh rồi giờ lại phải lo thêm gánh nặng chi phí viện phí. Chúng tôi e ngại rằng, khi tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh thì sẽ phải đóng phí BHYT cao hơn, đi khám chữa tự nguyện phải mất nhiều tiền hơn. Đối với người đang làm trong công ty, đơn vị thì còn được công ty đóng giúp một phần; còn đối với lao động tự do thì phải tự đóng hoàn toàn. Với người nghèo không có thẻ BHYT thì thực sự đáng lo lắng. Phần lớn đối tượng không có thẻ BHYT lại rơi vào những người lao động tự do, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, phải chi trả 100% viện phí. Vì vậy, nếu nhất thiết phải tăng viện phí thì nên có chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người dân tộc.
* Chị Bùi Thị thu Huyền, công nhân Công ty Tuyển than Cửa Ông: “Tăng viện phí phải kèm theo nâng chất lượng dịch vụ”
Hiện nay giá các loại từ điện, ga, thực phẩm đến thuốc chữa bệnh đều lần lượt tăng. Giờ đến cả viện phí cũng tăng thì công nhân chúng tôi cũng khó xoay xở. Nếu nâng giá các dịch vụ y tế là cần thiết và tốt cho mọi phía thì chúng tôi ủng hộ. Tuy nhiên, việc tăng viện phí phải đi kèm với nâng chất lượng dịch vụ. Thực ra giá dịch vụ ở các bệnh viện tư có cao hơn một chút so với các bệnh viện công, nhưng nếu không phải bệnh hiểm nghèo, thì nhiều người dân, nhất là người có điều kiện vẫn thích đến bệnh viện tư hơn, vì không phải chờ đợi lâu và thái độ phục vụ cũng như dịch vụ khá tốt. Việc này, nhiều bệnh viện công chưa làm tốt được. Vì thế theo tôi, trước hết nên chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Chỉ cần không có tiêu cực, được tôn trọng, đối xử công bằng, thì dù viện phí có tăng một chút, người dân cũng sẽ ủng hộ, bởi họ được hưởng dịch vụ tốt. Tuy nhiên, vẫn cần có chế độ chính sách ưu đãi đối với người nghèo, làm sao tạo được thói quen dù chỉ là bệnh nhẹ cũng đến cơ sở y tế chữa trị.
* Chị Trần Thị Là, xã Đại Bình (Đầm Hà): “Để học sinh đến trường thực sự là niềm vui”
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều quan tâm đến công tác giáo dục, nhất là đối với vùng dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo. Nhờ đó, nhận thức của bà con ngày càng được nâng cao; con em của họ đã có điều kiện học tập tốt hơn; tỉ lệ trẻ em ra lớp đúng độ tuổi ngày càng được đảm bảo… Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện Đầm Hà, tỉ lệ hộ nghèo, hộ khó vẫn còn nhiều; tỉ lệ học sinh ở vùng sâu, vùng cao được học lên THPT chưa cao. Theo tôi được biết, nguyên nhân là do một số xã nằm cách xa trung tâm huyện, điều kiện đi lại khó khăn. Để đến được trường học, nhiều học sinh phải vượt qua sông, suối, xuyên rừng, có khi phải đi bộ nửa ngày trời mới đến được trường học. Những hôm mưa to, lũ về thì nhiều nơi, học sinh phải nghỉ học. Nhiều gia đình vì điều kiện kinh tế khó khăn cũng không thể cho con em học bán trú, vì phải lo thêm nhiều khoản khác.
Tôi mong muốn tỉnh và huyện tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho con em vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, để khuyến khích, tạo động lực cho các em học tập tốt, là niềm vui mỗi khi đến trường; các bậc phụ huynh thêm tin tưởng ủng hộ khi cho con em học bán trú.
* Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch UB MTTQ TP Hạ Long: “Nhân rộng “Bữa cơm nhân ái”
Những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, qua thông tin đại chúng, tôi thấy đời sống của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp giáo dục nơi đây. Được biết kỳ họp HĐND tỉnh lần này sẽ đưa ra bàn thảo việc hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú THPT các xã xây dựng NTM.. Chúng tôi rất đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh chính sách của nhà nước, của tỉnh, rất cần mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, xem xét, có những hình thức, cách thức ủng hộ, hỗ trợ cụ thể, thiết thực, phù hợp. Được biết, thời gian qua, Báo Quảng Ninh có một cách làm rất hay, là phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức chương trình “Bữa cơm nhân ái”. Chương trình đã vận động được các tập thể, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ bữa ăn cho các em học sinh bán trú dân nuôi ở các vùng khó khăn. Qua đó, giúp các em có cơ hội được học tập và vươn lên trong cuộc sống, khích lệ, động viên các em nỗ lực trong học tập, trở thành những nhân tố tích cực trong xây dựng xã hội học tập và nông thôn mới. Cần nhân rộng hơn nữa cách làm này.
Hằng - Huế - Hương (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()