Moody’s hôm nay cho biết xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam được nâng từ Ba3 lên Ba2. Triển vọng xếp hạng được thay đổi từ Tích cực sang Ổn định.
Hãng giải thích việc nâng xếp hạng phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm. Khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế vĩ mô bên ngoài cũng được cải thiện. Những kết quả này cho thấy độ hiệu quả của chính sách đã được cải thiện.
Moody’s dự báo việc này sẽ được duy trì khi nền kinh tế hưởng lợi từ thay đổi chuỗi cung ứng, đa dạng hóa xuất khẩu và khả năng thu hút đầu tư vào sản xuất trong nước. Việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, như RCEP, CPTPP và các hiệp định song phương với Hàn Quốc, EU, Anh sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng hàng công nghệ với giá trị gia tăng cao.
Mức xếp hạng cũng phản ánh tài khóa ổn định, nhờ kiểm soát lãi suất cho vay ở mức hợp lý, chính sách tài khóa thận trọng và thanh khoản của danh mục nợ Chính phủ cải thiện.
Trong khi đó, triển vọng được thay đổi từ Tích cực sang Ổn định, phản ánh mức độ cân bằng trong các yếu tố rủi ro có thể tác động đến xếp hạng. Moody’s kỳ vọng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, hãng cho rằng vấn đề vốn hóa của các ngân hàng quốc doanh, tăng trưởng tín dụng trong nước cao và rủi ro tiềm tàng với lĩnh vực bất động sản có thể tác động đến nền kinh tế nếu có cú sốc xảy ra. Biến động địa chính trị trong khu vực và trên toàn cầu, giá nguyên liệu nhập khẩu cao và triển vọng kinh tế các đối tác thương mại chính của Việt Nam thiếu chắc chắn có thể cản trở ngoại thương.
Moody's cho biết có thể nâng xếp hạng nếu các dấu hiệu về sức mạnh thể chế và quản trị được cải thiện, đặc biệt là với chính sách tiền tệ và độ hiệu quả trong quản lý.
Ngược lại, Moody's sẽ hạ tín nhiệm của Việt Nam nếu bất ổn tài chính xuất hiện trở lại, khiến lạm phát lên cao hơn, chi phí đi vay tăng hoặc ảnh hưởng đến cán cân thanh toán. Việc căng thẳng địa chính trị tăng cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xếp hạng, do nó khiến Việt Nam khó tiếp cận nguyên liệu sản xuất cần thiết, làm giảm xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cuối tháng 5, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác là S&P Global Ratings cũng nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định". S&P đánh giá nền kinh tế trên đà phục hồi trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ hạn chế di chuyển trong và ngoài nước, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát Covid-19.
Ý kiến ()