Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:37 (GMT +7)
Một số kinh nghiệm từ các cuộc giám sát chuyên đề của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh
Thứ 7, 12/07/2014 | 05:51:00 [GMT +7] A A
Nửa đầu nhiệm kỳ 2011-2016, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức hàng chục cuộc giám sát. Bên cạnh đó, tại các kỳ họp đều dành thời gian thoả đáng cho hoạt động chất vấn của đại biểu. Nhờ đó, hoạt động giám sát ngày càng đi vào chiều sâu; nội dung, hình thức và phương pháp giám sát ngày càng phong phú hơn; thời gian, cách thức tổ chức luôn được nghiên cứu đổi mới cho phù hợp, hiệu quả.
So với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này cơ cấu và chất lượng đại biểu HĐND có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, đại biểu hoạt động chuyên trách đã được nâng lên rõ rệt, hiện nay Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh có 4 lãnh đạo Ban, trong đó 3 người hoạt động chuyên trách.
Đoàn giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ tại Trạm Y tế phường Ka Long, TP Móng Cái, tháng 6-2014. Ảnh: Ngọc Hà |
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Văn hoá - Xã hội đã tổ chức thực hiện 10 cuộc giám sát chuyên đề. Nội dung tập trung về tình hình triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh và những vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm như: Việc thực hiện chương trình giảm nghèo; thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện chính sách cho đối tượng người có công, người cao tuổi, học sinh, sinh viên; chất lượng hệ thống thiết chế văn hoá thể thao cơ sở; việc xây dựng trường chuẩn quốc gia… Mặc dù những vấn đề trên không mới và khó, song việc thiếu sự quan tâm và nhìn nhận chưa đúng mức của các cấp, ngành liên quan tại một số thời điểm, một số nơi đã dẫn đến phát sinh những hạn chế trong thực hiện nhưng chậm được xử lý. Do vậy, thông qua việc giám sát chuyên đề đã đánh giá một cách chính xác, khách quan những kết quả đạt được, chỉ ra những bất cập, tồn tại cần được điều chỉnh, đồng thời kiến nghị tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND tỉnh tại địa phương.
Sau mỗi đợt giám sát, các ý kiến, kiến nghị hợp lý của các đơn vị chịu sự giám sát được chuyển đến cơ quan và ngành chức năng xem xét giải quyết. Trong đó, đặc biệt quan tâm gửi kiến nghị đến UBND tỉnh để UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời. Nhờ vậy, phần lớn các kiến nghị được chính quyền các cấp, các ngành chức năng vào cuộc tập trung giải quyết khá quyết liệt, những khó khăn của địa phương, đơn vị dần được tháo gỡ. Theo đó, mục tiêu giám sát không những đạt được, mà còn giúp cho việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh được bảo đảm, nhiều nghị quyết đã thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.
Từ thực tiễn trên, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát chuyên đề, xin trao đổi một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, cần nhận thức sâu sắc “giám sát” và “quyết định” là hai chức năng chủ yếu, quan trọng nhất của HĐND, bổ trợ cho nhau; giám sát tốt cũng là để có quyết định đúng pháp luật, khả thi. Giám sát là biện pháp đánh giá việc thực thi pháp luật, thực thi nghị quyết của HĐND. Bởi vậy, muốn giám sát cần xác định rõ phạm vi, đối tượng giám sát; mục đích, hình thức giám sát cần phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng và bố trí thời gian khoa học để tổ chức thành công cuộc giám sát.
Thứ hai, phải lựa chọn nội dung giám sát thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương trong từng thời điểm, được các ngành, các cấp và dư luận xã hội quan tâm. Muốn vậy, phải thường xuyên thu thập, tích luỹ và phân tích các nguồn thông tin nhiều chiều có liên quan, xem xét, đánh giá vấn đề khách quan, phù hợp với tình hình và dự báo xu hướng phát triển của vấn đề.
Thứ ba, có chương trình, kế hoạch giám sát chi tiết rõ ràng, sát với thực tế và được gửi trước cho đơn vị được giám sát theo đúng quy định. Nội dung yêu cầu các cơ quan chịu sự giám sát báo cáo phải được xây dựng thành đề cương chi tiết, dễ hiểu, nêu rõ những nội dung, số liệu hoặc thông tin cần được cung cấp…
Thứ tư, cách thức tiến hành giám sát phải kết hợp chặt chẽ giữa hình thức nghe báo cáo và xem xét thực tế. Cần bố trí đoàn giám sát đi thực tế trước để có được những thông tin chính xác, tránh tình trạng các cơ quan, đơn vị được giám sát báo cáo gì, đoàn giám sát nghe nấy.
Thứ năm, thành phần Đoàn giám sát cần tinh gọn nhưng phải có năng lực chuyên môn thực hiện nhiệm vụ giám sát, có phương pháp phân tích, tổng hợp, đánh giá khoa học, khách quan; thể hiện chính kiến rõ ràng, ghi nhận những mặt tích cực, kiên quyết đấu tranh với những hạn chế, khuyết điểm. Tuỳ theo từng chủ đề, có thể mời đại diện những ngành, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu sâu về lĩnh vực đó tham gia.
Thứ sáu, báo cáo kết quả giám sát phải đánh giá đúng thực trạng tình hình, chỉ ra được những mặt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và có những kiến nghị bảo đảm sát, đúng, có tính khả thi.
Thứ bảy, sau giám sát, phải kiên trì đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan. Với những kiến nghị chậm được thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả, có thể tiếp tục tổ chức tái giám sát hoặc đề nghị đưa vào báo cáo thẩm tra hay đưa ra chất vấn tại các kỳ họp HĐND.
Châu Hoài Thu (Phó ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()