Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 12:35 (GMT +7)
Múa lân sư rồng - nét đẹp ngày xuân
Chủ nhật, 21/01/2024 | 20:40:33 [GMT +7] A A
Múa lân sư rồng là hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian trong cộng đồng người Việt ở khắp mọi miền đất nước. Dù có từ rất lâu đời song đến ngày nay, múa lân sư rồng vẫn giữ được sức sống lâu bền, nhận được sự quan tâm, trân trọng của đông đảo nhân dân đối với nét đẹp văn hóa truyền thống. Đặc biệt, khi Tết đến xuân về, các đoàn lân sư rồng trên địa bàn tỉnh lại tích cực luyện tập, biểu diễn với mong muốn cầu chúc cho năm mới thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa
Xuất xứ từ Trung Quốc, song múa lân sư rồng nhanh chóng được lan tỏa, du nhập, biểu diễn ở nhiều quốc gia tại châu Á. Tại Việt Nam, các đội múa lân thường chắt lọc các tinh hoa văn hóa gốc, kết hợp với võ cổ truyền, múa dân gian, múa dân tộc tạo thành các bài biểu diễn độc đáo. Bộ môn lân sư rồng mang đậm tính biểu diễn nên đòi hỏi rất cao về nghệ thuật trong từng động tác. Vì vậy, người múa phải có niềm đam mê và trải qua quá trình luyện tập công phu nhiều năm mới có thể hoàn thành bài múa đẹp mắt. Người múa phải truyền tải được “cái hồn”, mô phỏng cho đúng điệu bộ, dáng dấp của con lân, sư, rồng song cũng phải thể hiện được niềm vui tươi, mang đến niềm hân hoan cho người xem.
Bén duyên với nghệ thuật múa lân sư rồng từ khi mới 11 tuổi, đến nay, sau hơn 30 năm theo đuổi, võ sư Bùi Văn Thành (SN 1980), thành viên Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Ninh, Trưởng đoàn Lân sư rồng Thành Linh Đường (TP Hạ Long) đã gặt hái được nhiều thành công, đồng thời không ngừng góp sức, gìn giữ, phát triển, truyền dạy bộ môn này tới thế hệ trẻ, với mong muốn đưa nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng vươn tầm cao mới.
Theo đó, bộ môn lân sư rồng lần đầu tiên được tổ chức thi đấu tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, Đoàn Quảng Ninh dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Bùi Văn Thành đã xuất sắc đoạt 2 huy chương vàng và đứng thứ 3 toàn đoàn trong số 14 đội tham gia dự thi.
Võ sư Bùi Văn Thành kể: Khi còn nhỏ, được thấy các cụ trong khu phố tôi ở (thuộc phường Cao Thắng, TP Hạ Long bây giờ) biểu diễn múa lân sư rồng dịp Trung thu hay Tết Nguyên đán, tôi rất thích thú, xin theo các cụ đi tập rồi đam mê từ lúc nào không hay. Bộ môn lân sư rồng phát triển rất mạnh ở miền Nam, vì vậy khi tròn 18 tuổi với ước mơ xây dựng một đoàn múa lân sư rồng bài bản, chuyên nghiệp, tôi quyết định vào TP Hồ Chí Minh để học hỏi một số đoàn múa lân sư rồng nổi tiếng, sau đó sang đến Quảng Tây (Trung Quốc). Suốt hơn 10 năm tầm sư học đạo, vừa học, vừa làm, đúc kết kinh nghiệm, tập hợp, truyền dạy kỹ năng cho các thành viên, đến năm 2010, Thành Linh Đường chính thức thành lập và đi vào hoạt động.
“Bộ môn múa lân sư rồng này ai cũng có thể tham gia miễn là có niềm đam mê, song muốn giỏi nghề thì chắc chắn phải khổ luyện. Đến nay, Thành Linh Đường hiện có 60 thành viên tập hợp của đủ lứa tuổi, nghề nghiệp. Thành viên nhỏ nhất đang theo học trung học cũng chính là con trai tôi, lớn tuổi nhất là tôi, dù bận rộn với công việc, học tập, song ai cũng rất nhiệt thành, dành tình yêu đặc biệt cho múa lân sư rồng. Bởi vậy, khi có lịch trình tập luyện, biểu diễn, thi đấu, anh em đều chủ động sắp xếp thời gian tập luyện nghiêm túc. Tâm huyết dành cho môn nghệ thuật truyền thống chính là sợi dây kết nối các thành viên, để niềm đam mê cứ thế nối dài đến lớp hậu bối sau này” - Võ sư Bùi Văn Thành bộc bạch.
Theo anh Thành, võ thuật là nền tảng cơ bản để các vận động viên múa được lân sư rồng. Các thành viên phải có sức khỏe, sự dẻo dai, làm chủ và điều chỉnh tốt các chuyển động của cơ thể. Múa lân sư rồng theo truyền thống hay hiện đại thì đều kèm theo tiếng trống, tiếng thanh loa, tạo hiệu ứng, nhịp nhàng, uyển chuyển. Vì vậy, đòi hỏi sự nhuần nhuyễn, đồng điệu, người múa phải cảm nhận tiếng trống, tiếng xả để biểu diễn có hồn, phù hợp với các bộ pháp như: Chào, lạy, nằm, ăn, leo lên, tuột xuống, tiết tấu lúc chậm rãi, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, từ đó mới có thể lột tả hết sự oai phong, hùng dũng của lân sư rồng, mang lại hào hứng cho người xem.
Múa lân sư rồng có nhiều điệu như lân địa bửu, lân lên mai hoa thung múa rồng truyền thống, múa rồng dạ quang... Trong đó, lân lên mai hoa thung là thế mạnh của Thành Linh Đường. Đây là điệu múa của con lân trên những cọc thung làm bằng sắt xếp liền nhau. Với cấu tạo của các cột thung này là độ cao khác nhau và điểm tiếp xúc nhỏ nên để có thể múa trên những cột thung một cách điêu luyện, nhịp nhàng, đòi hỏi các vận động viên phải giàu kinh nghiệm, động tác phải mạnh mẽ, dứt khoát, chuẩn xác và đòi hỏi hai người (người múa đầu và múa đuôi lân) phải hiểu nhau, để kết hợp thật nhuần nhuyễn và ăn ý. Thông thường, để có thể múa được lân lên mai hoa thung, mỗi vận động viên phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm và thời gian luyện tập cùng nhau từ 6 tháng trở lên.
Rộn ràng không khí ngày xuân
Ngày nay, vào dịp Tết Nguyên đán kéo dài đến hết tháng Giêng, hình ảnh các đoàn lân sư rồng biểu diễn tại các địa điểm tâm linh, doanh nghiệp, đường phố... đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân. Trong văn hóa tâm linh của người châu Á, ba linh vật lân, sư, rồng là biểu trưng cho sức mạnh phi thường, đem đến phát đạt và hanh thông trong công việc lẫn cuộc sống, vì vậy, người xưa quan niệm rằng điệu múa lân sư rồng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng trong năm mới. Những ngày Tết đến xuân về, ở khắp mọi miền Tổ quốc, ai ai cũng thấy rộn ràng, phấn khởi khi nghe tiếng trống, điệu múa lân rộn ràng ở nơi nơi, và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Anh Lương Ngọc Tân, Đội trưởng Đoàn Lân sư rồng Thành Linh Đường, chia sẻ: Cùng với dịp Tết Trung thu thì giai đoạn gần Tết Nguyên đán chúng tôi rất bận rộn. Anh em vừa phải lo công việc vừa phải tập luyện để đến Tết đi biểu diễn cho nhân dân khắp nơi. Thông thường bắt đầu từ đêm 30 tháng Chạp đến ngày 20 tháng Giêng, đoàn chúng tôi liên tục biểu diễn với các hoạt động văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, đến các đơn vị, doanh nghiệp xông đất đầu năm và tiếp đó là phục vụ các lễ hội xuân tại các địa điểm tâm linh… Các tiết mục hay được biểu diễn là: Múa rồng, múa tứ quý lân, ngũ lân với các bài chào khách, xông đất, đón bạn, đi đường….
Vào mỗi dịp trước trong, và sau Tết, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức nhưng múa lân sư rồng vẫn có sức hút riêng bởi nó không chỉ mang vẻ đẹp của nét văn hóa truyền thống mà còn phù hợp với thị hiếu của mọi tầng lớp, lứa tuổi.
Anh Vũ Hồng An (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long), cho biết: Gia đình tôi đều rất thích xem các đoàn múa lân sư rồng biểu diễn. Chính sự sôi động trong từng tiết mục đem lại sự vui tươi, hào hứng vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Bên cạnh múa lân, các con tôi còn rất thích ông Địa cầm quạt đùa với lân rất dí dỏm, hài hước, thể hiện sự may mắn, an lành trong những ngày xuân. Đón năm mới bằng tiếng trống lân rộn rã, ai cũng hy vọng nhiều điều bình an, hạnh phúc sẽ đến trong năm mới.
Tết đến, bên cạnh đào hồng, mai vàng, bánh, mứt, tiếng trống lân cũng dệt nên không khí vui tươi, rộn ràng, hứng khởi. Mặc dù cuộc sống ngày càng phát triển với đa dạng các loại hình giải trí, nghệ thuật, nhưng múa lân sư rồng vẫn luôn giữ được chỗ đứng, được gìn giữ và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, vừa đóng góp vào việc duy trì, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian độc đáo.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()