Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:20 (GMT +7)
"Chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu mua sắm trang thiết bị giáo dục"
Thứ 2, 24/10/2022 | 10:19:39 [GMT +7] A A
Mua sắm tập trung nhằm đổi mới quản lý, hiệu quả trong sử dụng ngân sách và tài sản công. Tuy nhiên, đối với một số ngành mang tính đặc thù như GD&ĐT, mua sắm tập trung hiện gặp nhiều bất cập. Thời gian vừa qua, một số địa phương không triển khai mua sắm tập trung đối với các máy móc thiết bị phục vụ dạy và học. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính (ảnh) về nội dung này.
- Thưa ông, có phải việc không triển khai mua sắm tập trung đối với các máy móc thiết bị phục vụ trực tiếp dạy và học là nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân?
+ Trước tiên phải khẳng định, việc không triển khai mua sắm tập trung đối với các máy móc thiết bị phục vụ trực tiếp dạy và học của ngành Giáo dục không phải là nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân. Vì thực tế đã có 4/13 đơn vị triển khai mua sắm, lựa chọn được nhà thầu cung cấp (Bình Liêu, Cô Tô, Tiên Yên, Ba Chẽ); trong đó huyện Bình Liêu đã giải ngân 7,4 tỷ đồng, 3 huyện còn lại làm thủ tục hồ sơ thanh toán chậm, nên phải chuyển sang thanh toán năm 2022.
Việc giải ngân chậm do một số nguyên nhân: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, còn tránh né sợ trách nhiệm, có một số địa phương còn giao phó cho các ngành chức năng. Công tác tham mưu thực hiện của các ngành chức năng trong triển khai kế hoạch mua sắm và phân bổ vốn chậm, đến tháng 8/2021 mới phân khai nên không đủ thời gian thực hiện các bước đấu thầu mua sắm; trong đó có trách nhiệm của ngành Tài chính và Giáo dục từ tỉnh đến cơ sở (việc này đã được kiểm điểm theo Kết luận số 370-KL/TU ngày 28/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh).
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có việc mua sắm, trang bị tài sản phục vụ dạy học của ngành Giáo dục; công tác thuê tư vấn thẩm định giá gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị chưa tích cực trong việc chủ động thuê tư vấn thẩm định giá.
- Ông cho biết quy định của trung ương về danh mục và cách thức mua sắm đối với máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp dạy và học của ngành Giáo dục?
+ Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ, không quy định cụ thể danh mục mua sắm tập trung thuộc địa phương quản lý mà giao cho UBND các địa phương cấp tỉnh quy định cụ thể và HĐND cấp tỉnh quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Căn cứ Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 9/4/2019 của UBND tỉnh "Quy định danh mục, đơn vị và cách thức thực hiện mua sắm tài sản tập trung" gồm 5 loại tài sản: Máy tính, máy in, máy photocopy, máy fax, máy scan; không có danh mục tài sản thiết bị khác của ngành Giáo dục.
Về cách thức mua sắm, theo quy định tại khoản 2, Điều 31 và Điều 52 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, việc mua sắm được thực hiện theo phương thức tập trung hoặc phân tán; theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 118/2018/NQ-HĐND và Điều 5 Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, việc phân bổ vốn và giao cho UBND các địa phương thực hiện mua sắm là đảm bảo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Do vậy, để thực hiện mua sắm tập trung thì ngành chức năng (Sở GD&ĐT) phải tham mưu cho UBND tỉnh ban hành danh mục cụ thể về trang thiết bị dạy học bổ sung vào danh mục đã ban hành tại Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 9/4/2019.
- Thời gian tới, để triển khai mua sắm tập trung đối với các máy móc thiết bị phục vụ dạy và học của ngành Giáo dục cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?
+ Trên cơ sở Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 77/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về giao dự toán ngân sách năm 2022; Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phân cấp thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công; trách nhiệm của ngành Giáo dục và UBND các địa phương về việc xác định nhu cầu trang thiết bị dạy học; tiếp thu ý kiến đề nghị của một số địa phương về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện mua sắm trang thiết bị giáo dục phục vụ dạy học, trên cơ sở thống nhất với Sở GD&ĐT, chúng tôi đề xuất giải pháp cụ thể như sau:
Rút kinh nghiệm tồn tại của năm 2021, nên năm 2022, HĐND tỉnh đã quyết nghị phân bổ dự toán kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học, các đề án, nhiệm vụ của ngành Giáo dục tại Nghị quyết số 99/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 sớm hơn 3 tháng so với năm 2021. Do vậy các đơn vị được phân bổ kinh phí có nhiều thời gian hơn để phân khai thực hiện, các địa phương được giao kinh phí phải tích cực chủ động hơn trong việc triển khai thực hiện.
Để triển khai tiếp việc mua sắm, trách nhiệm trước hết thuộc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tham mưu của ngành chức năng, trong đó có trách nhiệm của ngành Tài chính và Giáo dục.
UBND cấp huyện phải chỉ đạo một cách chủ động, quyết liệt hơn trong triển khai mua sắm các trang thiết bị còn lại (ngoài danh mục mua sắm tập trung) và các nhiệm vụ thuộc các dự án, đề án đã được tỉnh phê duyệt và phân cấp. Trên cơ sở danh mục mua sắm và dự toán kinh phí được giao; Sở Tài chính, phòng tài chính - kế hoạch của các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, quyết liệt với ngành Giáo dục kịp thời tham mưu cho chính quyền các cấp trong triển khai nhiệm vụ mua sắm các trang thiết bị giáo dục đảm bảo tiến độ đề ra.
Đối với các năm tiếp theo, do việc mua sắm trang thiết bị giáo dục là các tài sản nhỏ lẻ, theo yêu cầu công tác dạy học ở các trường và thuộc nguồn kinh phí thường xuyên, nên cần phân cấp ngay từ khi giao dự toán để các cơ sở chủ động mua sắm phục vụ cho công tác dạy học tại từng địa bàn. Các địa phương cần quan tâm, sớm chuẩn bị hồ sơ nhiệm vụ, dự toán mua sắm, chủ trương đầu tư được phê duyệt để đủ điều kiện triển khai, phân khai kinh phí ngay sau khi giao dự toán năm 2023.
- Xin cảm ơn ông!
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()