Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 07:12 (GMT +7)
Mùa xuân, hành hương về Yên Tử
Chủ nhật, 22/01/2023 | 08:37:06 [GMT +7] A A
Mùa xuân về chốn phù vân Yên Tử chiêm bái lễ Phật, đi dưới bóng tùng đại thụ, ngắm hoa mai vàng khoe sắc, nghe tiếng trúc reo trong gió đại ngàn, trong tiết trời mờ sương, du khách có cảm giác như đang đi giữa chốn bồng lai tiên cảnh…
Tùng Yên Tử
Tùng Yên Tử thuộc loại thực vật lá kim, thân gỗ hạt trần, rễ bám sâu vào lòng đất, dáng vươn thẳng lên trời xanh. Tùng có sức sống dẻo dai trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình núi cao vách đá cheo leo, cây quanh năm xanh tốt, có tuổi thọ lên tới ngàn năm. Trong văn hóa phương Đông, cây tùng là hình ảnh của bậc đại trượng phu, đó là ý chí vươn lên, sự hiên ngang chính trực. Những bậc tu hành rất ngưỡng mộ cây tùng, cho nên cây tùng thường trồng ở nơi chùa chiền để gửi thông điệp chính đại, quang minh đầy ắp vũ trụ cùng sự tôn nghiêm linh thiêng cho ngôi chùa.
Những “lão tùng” Yên Tử có tuổi đời trên 800 năm trầm mặc giữa núi rừng hùng vĩ. Những cây tùng được trồng công phu thành hàng lối. Ngày xưa, khoảng trống giữa các cây tùng thường đặt những phiến đá hoặc dựng các thảo am tu thiền. Những cây tùng có tuổi đời trên mười năm sẽ phát ra loại năng lượng đặc biệt giúp cho thiền sư bước vào giai đoạn thiền định. Sau khi viên tịch, tro cốt của các thiền sư được quàn luôn ở mộ tháp nằm giữa hai gốc cây tùng. Theo sử sách, dưới thời của Nhị Tổ Pháp Loa, giai đoạn cực thịnh của Thiền phái Trúc Lâm đã có tới hàng vạn tăng chúng tu tập trên danh sơn Yên Tử. Những cây tùng đã trở thành bầu bạn của các tăng sĩ trong tu thiền và cũng là những dấu mốc giúp cho việc quan sát đi lại giữa chốn thâm sơn cùng cốc ban ngày cũng như trong đêm tối. Đường xích tùng, từ chùa Hoa Yên lối xuống chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên, chùa Ngọa Vân, những cây tùng cổ thụ có tán xanh, từng cơn gió thổi làm cho tán lá rì rào giống như tiếng đàn cho nên được người dân gọi là thông đàn. Dưới bóng thông đàn là những bậc đá tạo thành con đường kết nối giữa chốn rừng già, in dấu chân sơ tổ Trần Nhân Tông, nhị tổ Pháp Loa cùng tam tổ Huyền Quang kinh đàn nơi Thiền viện Quỳnh Lâm.
Trải qua thời gian, nhiều cây tùng đã bị gãy đổ, ngày nay còn lại những cây tùng cổ tập trung ở các khu vực chùa Hoa Yên, Vân Tiêu, Bảo Sái, Tháp Tổ, Thác Vàng, Thác Bạc, am Dược với số lượng khoảng gần 300 cây. Điểm ấn tượng nhất là đường tùng dài hơn một trăm mét nằm trên trục đường chính hành hương lên chùa Đồng. Những gốc tùng già, rễ trồi lên mặt đất và bò lan sang cả hai bên đường đi tạo nên những bậc thang nâng bước chân du khách. Hiện nay, trong núi rừng Yên Tử có 3 loại tùng: Thủy tùng là loại gỗ màu trắng, thanh tùng là loại gỗ màu xanh, xích tùng là loại gỗ màu đỏ. Trong đó, xích tùng là loại quý hiếm nhất. Xích tùng sống lâu năm ruột cây có hình vân gỗ rất đẹp giống như hình hoa mẫu đơn. Tương truyền, xích tùng là loại cây di thực theo chân các bậc cao tăng hòa thượng truyền đạo vào nước ta, thủy tùng và thanh tùng là loại cây hoang dã bản địa. Hơn tám trăm năm, những cây tùng Yên Tử, trầm mặc trong bóng dáng của những đạo sĩ, hoan hỷ dẫn đường chỉ lối cho du khách về nơi cửa thiền.
Trúc Yên Tử
Trúc Yên Tử mọc thành rừng bạt ngàn khắp chốn Yên sơn. Trúc có rất nhiều loại, nhưng đều có nét đặc trưng: Thân cây có dáng thẳng, chia thành nhiều đốt, sống thành rừng. Trúc là loài cây có sức sống dẻo dai trong điều kiện đất đai khô cằn, thiên nhiên khắc nghiệt. Trong văn hóa phương Đông, trúc cùng với tùng, cúc, mai là bốn loại cây cao quý đại diện cho bốn mùa trong năm. Trúc tượng trưng cho phẩm chất của người quân tử. Trúc cứng cáp hiên ngang, nhưng rất uyển chuyển mềm mại trước bão gió, thể hiện sự linh hoạt thích ứng với sự biến động của cuộc sống. Ngọn cây trúc uốn cong tựa chiếc đầu rồng bay bổng linh thiêng. Cây trúc dẫu bị cháy thành than thì tro của thân cây trúc vẫn giữ được hình hài dáng thẳng không bị uốn cong, biểu hiện cho sự chuẩn mực khí tiết. Với văn nhân mặc khách, trúc là nơi gửi gắm tâm hồn, biểu trưng cho sự thanh tao, tư tưởng nhàn dật, ẩn sĩ.
Trong Phật giáo, trúc thể hiện sự an nhiên tự tại không mê đắm địa vị, vật chất. Trúc đã gắn bó với truyền thống văn hóa ngàn đời của người Việt Nam. Bởi tất cả những ưu thế trên của cây trúc, cho nên đạo hiệu của Trần Nhân Tông mang tên “Trúc Lâm Đại sĩ”, và rừng trúc Yên Tử cũng là nơi ngài chọn tu thiền. Trong giai đoạn tu tại Yên Tử, Trúc Lâm Đại sĩ luôn xem những cây trúc như bầu bạn. Trong núi cao, rừng sâu, không có lâu đài cung điện, ngài chỉ có chiếc thảo am được dựng bằng những khóm trúc, đan phần ngọn vào nhau làm cốt, kết cỏ xung quanh. Chiếc giường ngài nằm được tạo bởi những thân cây trúc thẳng ghép lại. Tiếng trúc reo hòa cùng tiếng suối ngàn tạo nên khúc thiền ca giữa núi rừng. Măng trúc cùng rau rừng là thức ăn chay tịnh quanh năm của ngài và các thiền sư. Vị thuốc trúc diệp thay cho những thần dược. Hình ảnh những cây trúc sát cánh bên nhau là hình ảnh thần dân trăm họ, luôn mong chờ ngài tìm con đường giải thoát khỏi lầm than, đất nước thái bình muôn thuở.
Du khách về Yên Tử chiêm bái lễ Phật đi giữa tiếng trúc reo, ngỡ như đang được nghe câu chuyện về những năm tháng tu thiền của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đường lên chùa Đồng, thỉnh thoảng du khách bắt gặp những cây trúc với dáng kỳ thú “trúc hóa rồng”, thân cây màu vàng đậm, phần sát gốc các đốt nhăn nheo sát nhau, rễ trồi lên uốn cong tựa chiếc râu con rồng.
Mai vàng Yên Tử
Tương truyền, những ngày đầu vào Yên Tử tu thiền, Trần Nhân Tông cùng đệ tử trồng cây mai vàng đầu tiên trên đỉnh non thiêng.
Theo quan niệm của người xưa, hoa mai đứng đầu trong tuế hàn tam hữu (3 người bạn trong tiết lạnh) là mai, tùng và trúc. Hoa mai được người xưa ưu ái tôn là bà chúa muôn loài hoa. Cây mai có sức sống mãnh liệt, bộ rễ bám sâu vào lòng đất, vách đá núi cao, kiêu hãnh vươn mình trước gió táp mưa sa, vượt qua những ngày đông giá khắc nghiệt để nở hoa đúng vào dịp xuân. Mùa hoa đầu tiên, giữa chốn núi rừng hoang vắng, Trần Nhân Tông bâng khuâng trước vẻ đẹp của bông mai vàng thoát tục hiển hiện trong tiết xuân. Ngắm hoa mai nở, ngài đã tìm thấy trong mỗi cánh hoa mai chứa đựng tâm thiền: Hoa mai vàng rụng cánh khi đang còn hương sắc rực rỡ, thể hiện tính thiền và sự buông bỏ tất cả. Ngài luôn tâm niệm hạnh phúc thật sự của đời người chính là sống với cái tâm chân thật, không vướng bận bởi những cám dỗ danh lợi của cuộc đời. Ngài hiểu vạn vật được tạo bởi nhân duyên và đều có chung quy luật: “thành, trụ, hoại, không”. Tâm hồn ngài hòa đồng cùng tiếng suối reo, tiếng gió đùa trên thông đàn ngàn cội. Nơi núi cao, rừng sâu, bông hoa mai vàng cùng với trúc, tùng trở thành tri kỷ trong suốt thời gian ngài tu thiền tại Yên Tử. Theo thuyết ngũ hành thì màu vàng thuộc hành thổ, biểu tượng cho giống nòi Việt. Hoa mai vàng có 5 cánh tượng trưng cho ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh).
Hiểu được thầm ý của Trần Nhân Tông, tăng chúng cùng nhau trồng thêm nhiều cây mai vàng khắp chốn Yên Tử, thông qua cốt cách của hoa mai để cùng gửi gắm thông điệp “Tâm thiền”. Noi gương sáng của ngài, Pháp Loa, Huyền Quang, cùng các tăng đã chung tay góp sức trồng thêm nhiều cây mai vàng từ đỉnh Chùa Đồng xuống tới khu vực chùa Hồ Thiên, chùa Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm. Vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian, những “đại lão” mai vàng ở thác Vàng, thác Bạc, chùa Một Mái, chùa Vân Tiêu vẫn sừng sững tỏa bóng nơi non cao và nở hoa vàng rực rỡ đúng vào mùa lễ hội xuân Yên Tử.
Những bông hoa mai vàng đua nhau khoe sắc bên những búp lộc, lá xanh non căng tràn nhựa sống. Trời càng lạnh thì hoa càng tỏa hương thơm. Hoa nở phủ trên cây tạo nên vẻ đẹp muôn hình vạn trạng. Những cây mai trong dáng nghiêng từ vách núi tỏa xuống tựa như dòng thác vàng. Trong thế cây đứng thẳng khi được phủ lên lớp hoa vàng, tựa chiếc lọng vàng sang trọng. Triệu triệu bông hoa mai vàng thành kính kết thành tấm Hoàng bào phủ lên non thiêng Yên Tử, góp phần tạo nên vẻ đẹp thuần khiết cùng sự sự linh thiêng huyền bí chốn phù vân.
Vũ Xuân Hồng
Liên kết website
Ý kiến ()