Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:18 (GMT +7)
Về Yên Tử trải nghiệm làng nghề truyền thống
Chủ nhật, 28/08/2022 | 07:14:08 [GMT +7] A A
Đến với non thiêng Yên Tử (TP Uông Bí) du khách sẽ được tham gia vào những trải nghiệm nghề truyền thống như làm nón, làm đồ thủ công từ tre hay làm tranh khắc gỗ dân gian.
Làng nghề dưới chân núi Yên Tử
Không gian văn hóa Làng Nương, tái hiện hình ảnh ngôi làng cổ Bắc Bộ là điểm đến được du khách yêu thích bậc nhất khi về Yên Tử. Làng Nương được xây dựng gồm 50 nóc nhà, bao bọc bởi 2 dãy phố mang phong cách xóm làng thời nhà Trần. Các ngôi nhà được xây dựng bằng tường gạch đất nung và tường trình bằng đất, kết hợp với hệ thống cổng, cửa bằng gỗ lim. Điểm nhấn của Làng Nương là ngôi đình nằm ở trung tâm cao 2 tầng, là nơi tổ chức hát chèo, hát xẩm, quan họ phục vụ du khách...
Ngay khi đặt chân vào Làng Nương Yên Tử, du khách sẽ bị ấn tượng mạnh bởi con đường chạy dọc làng với hai bên là hàng quán và những gian nhà bày rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề như nghề làm nón, nghề làm tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ hay nghề làm chuồn chuồn tre, gian hàng của thầy đồ cho chữ. Giữa không gian đậm chất hoài cổ ấy, du khách có cảm giác như được ngược dòng thời gian, trở về quá khứ và với những nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Trong chuyến hành trình kéo dài 6 ngày khám phá vẻ đẹp miền Bắc Việt Nam, anh Trần Hoàng Đông, du khách đến từ Đồng Tháp có cơ hội đến với Yên Tử. Đây là là điểm dừng chân thứ hai của anh tại Quảng Ninh, sau khi ghé thăm Vịnh Hạ Long. Trong thời gian khá eo hẹp, chỉ có 4 tiếng đồng hồ cho lịch trình tại Yên Tử, đã bao gồm lên núi ngắm cảnh và dâng hương. Thời gian anh dừng chân tại Làng Nương không nhiều nhưng anh vẫn tranh thủ trải nghiệm được tự tay làm những con chuồn chuồn tre và tô màu chúng.
Anh Đông chia sẻ: "Ở dưới quê tôi là miền Tây rất ít những trải nghiệm như thế này. Khi ra đây, tôi được tô vẽ những con chuồn chuồn tre rất thú vị". Anh Đông cũng cho biết thêm chắc chắn anh sẽ còn trở lại Yên Tử và dành thời gian trải nghiệm các hoạt động làng nghề nhiều hơn.
Không gian làng nghề tại Yên Tử không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà cả với những khách nước ngoài. Chị Gaya Rota Baldezamo, du khách Philippines, người từng giành chiến thắng trong Cuộc thi tìm kiếm đại sứ du lịch, do Diễn đàn du lịch liên khu vực Đông Á EATOF tổ chức, cho biết, trong chuyến công tác tới Yên Tử vào tháng 8/2019, chị đã được tận mắt xem nghệ nhân Phạm Thanh Lương, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí làm nón và tự tay khâu nón lá. Gaya Rota Baldezamo đánh giá đây là một trải nghiệm rất thú vị, với cá nhân chị nó mang tới cảm giác vừa quen lại vừa lạ vì quê hương chị cũng có nghề truyền thống tương tự như vậy. Trải nghiệm làm nón tạo sự kết nối giữa Yên Tử (Quảng Ninh) với quê hương Philippines và chị cảm thấy rất đỗi thân thuộc.
Được tái hiện trong không gian văn hóa Làng Nương Yên Tử vừa có nghề truyền thống của Quảng Ninh vừa có làng nghề truyền thống nổi tiếng trên khắp Việt Nam. Ví như với nghề làm tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ. Gian hàng này đặc biệt được yêu thích bởi các du khách “nhỏ tuổi” hoặc các gia đình. Họ đến đây để cùng nhau tìm hiểu về một dòng tranh dân gian truyền thống của dân tộc và mong muốn giáo dục con cháu những giá trị truyền thống quý báu, dạy cho các con thêm yêu văn hóa cội nguồn, xứ sở, trân trọng văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Em Ngô Hoàng Quốc Việt, du khách TP Hà Nội cho biết, dù sống ở Hà Nội nhưng chuyến đi trải nghiệm tại Yên Tử là lần đầu tiên em được tự tay dùng các bản khắc gỗ in tranh lên giấy dó. Em cũng được hiểu rằng để có được một bức tranh Đông Hồ nhiều màu sắc ít nhất phải in 5 lần. Mỗi lần là một bản khắc gỗ được phủ màu khác nhau. Trải nghiệm tại Yên Tử đã cho em thêm hiểu và thêm yêu làng nghề làm tranh Đông Hồ truyền thống.
Đầu tư cho văn hóa để phát triển du lịch
Nói về không gian văn hóa làng nghề tại Yên Tử, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ văn hóa, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho biết: Chúng tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu, khôi phục, phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, chú trọng mang tới cho du khách trải nghiệm được trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất để du khách hiểu sâu hơn giá trị của các làng nghề thủ công truyền thống chứ không đơn giản là cung cấp các sản phẩm đã hoàn thiện.
Xác định văn hóa Việt đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách nên tất cả các gian hàng và các hoạt động làng nghề tại Làng Nương đều được gắn với hình ảnh chung của ngôi làng, tạo ra sản phẩm phù hợp với văn hóa Việt. Được biết, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm sẽ tiếp tục tìm kiếm những làng nghề phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về văn hóa, thẩm mỹ, mang tính giáo dục cao để mang lại cho du khách những trải nghiệm văn hóa sâu sắc và chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với làng nghề được xác định là yếu tố tạo nên linh hồn cho Làng Nương và trong đó nghệ nhân chính là trung tâm. Họ là người nắm vững bí quyết nghề vừa là cầu nối giữa du khách với nghệ thuật và tinh hoa nghề hay nói rộng hơn là với các giá trị văn hóa làng nghề vì vậy cần phải tạo được nguồn nghệ nhân có tay nghề cao và kỹ năng tốt cũng như khả năng giới thiệu, quảng bá tốt.
Không gian văn hóa làng nghề truyền thống đã tạo điều kiện cho nghệ nhân đến gần hơn với du khách, trao cho nghệ nhân cơ hội trở thành những sứ giả văn hóa, du lịch, được trực tiếp giới thiệu về làng nghề.
Nghệ nhân Phạm Thanh Lương, người đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm nón lá truyền thống chia sẻ: Kể từ khi Công ty CP Phát triển Tùng Lâm xây dựng không gian văn hóa làng nghề, tôi được gặp gỡ với nhiều vị khách trong và ngoài nước. Được giới thiệu về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình và càng vui hơn khi họ hào hứng học cách làm nón và mua nón về làm quà kỷ niệm. Từ khi có không gian văn hóa làng nghề này, nghề làm nón lá truyền thống có đất sống tốt hơn, tôi có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi nghề của ông cha để lại.
Hiện tại để phát triển không gian làng nghề tại Làng Nương Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đang có hai cách làm. Một là dựa vào việc mời gọi các nghệ nhân là người dân địa phương và hai là tìm kiếm và đào tạo các nghệ nhân từ nguồn có sẵn trong công ty. Những người được chọn để đào tạo thành nghệ nhân được yêu cầu phải có đủ phẩm chất cần thiết của nghề, có đam mê và mong muốn gắn bó với nghề.
Anh Trần Hồng Phong, là nghệ sĩ biểu diễn tại Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, kể từ 6 năm nay anh kiêm thêm công việc hướng dẫn tại gian hàng chế tác đồ thủ công từ tre. Vừa vót tre, uốn tre, anh vừa chia sẻ: 6 năm trước công ty có cử một số nhân viên lên Hà Nội, đến các làng nghề để học nghề từ các nghệ nhân. Cá nhân tôi được chọn để đi học làm đồ thủ công từ tre vì được đánh giá là có đôi bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ và sự kiên trì. Phải mất 1 năm học tôi mới thành thục các công đoạn làm một con chuồn chuồn tre, từ cách chọn nguyên liệu, chế tác đến thiết kế, tô màu, làm sao để con chuồn chuồn tre giữ được thăng bằng.
Sau khi học được làm chuồn chuồn tre, bản thân anh Phong đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo thêm các sản phẩm, mẫu mã sản phẩm mới như con bướm, con rùa làm từ tre. Các sản phẩm thủ công được làm tinh xảo, trang trí màu sắc bắt mắt được du khách yêu thích, đặc biệt là những du khách “nhí”. Vậy là từ nghệ sĩ biểu diễn, giờ lại thành nghệ nhân và thành hướng dẫn viên du lịch, anh Phong càng thêm yêu, thêm gắn bó với công việc của mình hơn.
Có thể nói, nhờ nỗ lực kết nối văn hóa với du lịch, kết nối truyền thống với hiện đại bằng tình yêu và sự trân trọng với những giá trị truyền thống của dân tộc, những làng nghề tưởng như đang bị mai một và mất dần trong dòng chảy thời gian lại đang có một cuộc đời mới, một sức sống mới, mạnh mẽ và sống động ngay dưới chân non thiêng Yên Tử.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()