Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 03/12/2024 06:54 (GMT +7)
Mục tiêu mới của Quảng Ninh
Thứ 3, 18/06/2019 | 07:53:47 [GMT +7] A A
Có thể thấy, các hoạt động cải cách hành chính (CCHC) ở Quảng Ninh chưa lúc nào lắng xuống, mà trái lại, mỗi khi đạt được bước tiến quan trọng, ngay lập tức tỉnh triển khai những kế hoạch, mục tiêu mới khó hơn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách bài bản, nghiêm túc và quyết liệt.
Tỉnh Quảng Ninh hướng tới là địa bàn năng động, phát triển, cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền. Ảnh: Hùng Sơn |
Đánh giá của chuyên gia
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), năm 2018 là năm thứ 2 tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố về Chỉ số PAR Index; Chỉ số SIPAS của tỉnh đạt 91,15%, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Cùng với đó, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 của tỉnh đã có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số và thứ hạng của từng trục nội dung, đạt 6/8 trục nội dung trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao.
Tham dự hội nghị Phân tích, đánh giá chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI năm 2018; các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC năm 2019 và những năm tiếp theo, diễn ra tại TP Hạ Long ngày 15/6 vừa qua, các chuyên gia đến từ Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đều đánh giá, tỉnh Quảng Ninh đã và đang có nhiều đột phá trong công tác CCHC, thể hiện ở cả 6 nội dung, về: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy và hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Nỗ lực này không phải địa phương nào hiện cũng có điều kiện và quyết tâm để triển khai đồng bộ các hoạt động này. Điều này lý giải vì sao năm 2018 tỉnh đã đạt thành công ở rất nhiều chỉ số đánh giá liên quan đến hoạt động CCHC cấp quốc gia.
Chuyên gia tham vấn cho Quảng Ninh về một số nội dung liên quan đến cải thiện các chỉ số CCHC tại hội nghị Phân tích, đánh giá chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI năm 2018 của tỉnh. |
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Phạm Minh Hùng cho biết: Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương trong cả nước hiện nay có các chỉ số do các tổ chức, cơ quan uy tín trong nước và quốc tế đánh giá như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index), PAR Index, SIPAS, PAPI… đều đạt thành tích cao. Trong đó, các chỉ số PCI, PAR Index liên tiếp dẫn đầu. So sánh với các địa phương trong cả nước, đa phần nếu chỉ số này cao thì chỉ số kia lại không cao, thậm chí là thấp. Nguyên nhân là do các chỉ số trên khác nhau rất nhiều về tiêu chí đánh giá, thời điểm đánh giá, đối tượng đánh giá, phương pháp đánh giá. Do đó, đa phần các địa phương chỉ có thể dồn lực cho một vài chỉ số nhất định chứ không có sự cải thiện đồng bộ. Nhưng ở Quảng Ninh, tất cả được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt. Bởi vậy, tôi nghĩ Quảng Ninh xứng đáng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác, đặc biệt là trong xây dựng mô hình Trung tâm hành chính công, cải cách thể chế, sắp xếp tổ chức, bộ máy, xây dựng chính quyền điện tử.
Không ngủ quên trên chiến thắng
Quảng Ninh đã xây dựng được 15 Trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện; hoàn thành xây dựng 186/186 Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã. Tỷ lệ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC đúng và trước hạn cho doanh nghiệp và công dân đạt từ 98% trở lên. Các TTHC thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa, đưa vào giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công các cấp theo hướng “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả”. Tỉnh cũng quy định áp dụng chữ ký số trong việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính dưới dạng văn bản điện tử tại Trung tâm phục vụ hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đây là cách làm mới, tiên phong của tỉnh trong cả nước về CCHC, góp phần cắt giảm thời gian giải quyết, bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đến giải quyết.
Lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giới thiệu mô hình hoạt động của Trung tâm tới đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Quang Minh |
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh chưa bao giờ dừng lại với thành công đã có. Có thể thấy, ngay sau mỗi kỳ công bố kết quả đánh giá các chỉ số của các tổ chức, đơn vị mà tỉnh Quảng Ninh có tham gia, đặc biệt là các chỉ số về CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển công nghệ thông tin... tỉnh đều tổ chức triển khai họp, quán triệt trên quy mô rộng từ cấp tỉnh, tới tất cả các huyện, thị xã, thành phố và 186 xã, phường trong tỉnh.
Trong các hội nghị này, phần thành công không được nhắc nhiều mà chủ yếu cơ quan chuyên môn đánh giá, phân tích, làm rõ những điểm yếu kém, chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Tỉnh cũng mời nhiều chuyên gia uy tín trong và ngoài nước trong các lĩnh vực để đánh giá, gợi mở những giải pháp mới cho tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị Phân tích, đánh giá chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI năm 2018; các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC năm 2019 và những năm tiếp theo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc, nhấn mạnh: Chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng thắn đối với các vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và hiệu quả quản trị và hành chính công. Đó là, việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh còn hạn chế về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, kịp thời. Một bộ phận người dân chưa thật sự hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan chức năng. Năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ còn bất cập; một bộ phận công chức còn gây khó dễ, sách nhiễu, phiền hà cho người dân; thủ tục, hồ sơ, trình tự thực hiện còn phức tạp...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đây cũng chính là lý do vì sao tỉnh Quảng Ninh không bằng lòng với những kết quả đạt được và luôn đặt ra những mục tiêu mới, giải pháp mới, hiệu quả hơn nữa, nhằm phát huy những kết quả đạt được và tiếp tục nâng cao công tác CCHC, sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh.
Ngay sau hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải xây dựng chương trình cụ thể, phân công lãnh đạo theo dõi, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Qua đó, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của tổ chức, người dân, từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu của tỉnh đến với người dân, du khách, doanh nghiệp...
Hồng Nhung
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()