Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:31 (GMT +7)
Mục tiêu tăng trưởng GDP 7% là có cơ sở nhưng vẫn cần thận trọng
Thứ 2, 22/07/2024 | 09:25:54 [GMT +7] A A
Kinh tế thế giới có tín hiệu phục hồi, tăng trưởng GDP trong nước 6 tháng đầu năm tích cực là cơ sở để Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024.
Nhiều cơ sở tích cực cho mục tiêu tăng trưởng 7%
Chính phủ vừa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 lên mức cận trên từ 6,5-7% thay vì 6-6,5% như trước đây. Cùng với đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự báo 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2024, theo đó ở kịch bản cao, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,95%. Kịch bản này được đưa ra dựa vào bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước có tín hiệu tích cực và kết quả tăng trưởng GDP đạt 6,42% trong 6 tháng đầu năm.
Nhận định về mục tiêu trên, PGS, TS Bùi Quang Tuấn – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 là hết sức tích cực và hoàn toàn có cơ sở, bởi hiện nay xu hướng nền kinh tế thế giới đã phục hồi, lạm phát ở nhiều khu vực trên thế giới đã được kiểm soát.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng 7% trong năm 2024 có cơ sở để hy vọng khi tăng trưởng xuất nhập khẩu, tiêu dùng trong nước đã quay trở lại trong những tháng đầu năm. Cụ thể, về xuất nhập khẩu, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%; kim ngạch nhập khẩu đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17%. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt cao so với 6 tháng đầu năm các năm (2020 - 2024). Với kim ngạch nhập khẩu ước 6 tháng đầu năm 2024 tăng, phản ánh tín hiệu tốt hoạt động sản xuất trong nước phục hồi so với năm trước, khi 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18%.
Về tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 3,098 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sức mua của nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi sau Covid-19. Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cũng đã mang lại những tín hiệu tích cực và phát huy vai trò, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong nước.
Bên cạnh các động lực trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng được đánh giá là điểm sáng trong bức trang kinh tế 6 tháng đầu năm và là cơ sở để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024.
Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1%. Trong đó, FDI đăng ký mới là hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%. Đây là con số đáng lưu ý, bởi vốn đăng ký mới tức là dự án mới vào sẽ gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%, cũng là mức tăng trưởng khá. Trong đó cũng có ghi nhận rất nhiều dự án mới, quy mô lớn được đầu tư và mở rộng.
Đối với kỳ vọng của 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết sức lạc quan khi đưa ra dự kiến, Việt Nam thu hút FDI đạt khoảng 39-40 tỷ USD trong năm 2024, tương đương hoặc cao hơn so với kết quả năm 2023.
Vẫn phải cảnh giác với những tình huống bất ngờ
Mặc dù mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024 là có cơ sở, song theo PGS, TS Bùi Quang Tuấn vẫn phải cảnh giác với những tìnhh huống bất ngờ. Phân tích về nhận định trên, ông Bùi Quang Tuấn cho rằng, hiện chúng ta đang sống trong một bối cảnh khó đoán định, rất nhiều thay đổi và nhanh, những thay đổi ấy có thể làm đứt gãy rất nhanh các chuỗi cung ứng. Ví dụ như xung đột ở Biển Đỏ thì chuỗi cung ứng logistics có thể đứt gãy ngay, chưa kể là những xung đột giữa Nga - Ukraine… cũng có thể sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
“Nên chúng ta luôn luôn phải cảnh giác để có những ứng phó, cẩn trọng trong chính sách, để nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế” – PGS, TS Bùi Quang Tuấn thông tin và nhấn mạnh: Chúng ta đặt ra các mục tiêu nhưng phải luôn có các phương án dự phòng. Bởi nếu chúng ta dồn hết sức vào mục tiêu mà có những kịch bản không như mong muốn thì có thể sẽ gặp tình huống bị động.
Về động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm, theo PGS, TS Bùi Quang Tuấn, vẫn là những động lực truyền thống mà Việt Nam đang có lợi thế như tiêu dùng, xuất nhập khẩu hay cơ hội từ các FTA.
"Tuy nhiên, từ giờ đến cuối năm chúng ta nên khai thác nhiều hơn các động lực mới, dựa vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích phát triển như: Chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, hay những động lực tăng trưởng liên quan đến chuyển đổi xanh, kinh tế xanh hay rất nhiều các lĩnh vực hiện nay Việt Nam chưa khai thác hiệu quả" - PGS, TS Bùi Quang Tuấn thông tin.
Tuy nhiên, muốn khai thác được những lĩnh vực mới thì Việt Nam cần có những chính sách đột phá, vì những chính sách hiện nay chưa đủ đột phá để tạo thuận lợi cho donah nghiệp, khu vực tư nhân, khu vực ngoài nhà nước tham gia vào. Ví dụ như lĩnh vực tài chính xanh, chưa thu hút được sự quan tâm nhiều của khu vực tư nhân, vì chuyển đổi xanh là quá trình chuyển đổi bao trùm, rộng rãi trên rất nhiều khía cạnh, cần có sự chung tay của khu vực tư nhân. Nhưng muốn khu vực tư nhân tham gia, cần có cơ chế để thu hút sự tham gia của họ.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()