Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 02:35 (GMT +7)
Mừng, lo chuyện cây mai, cây tùng ở Yên Tử
Thứ 7, 16/01/2010 | 06:34:15 [GMT +7] A A
Xưa, 4 loài cây: tùng, cúc, trúc, mai được cha ông ta liệt vào hàng “tứ quý”. Chúng là đề tài quen thuộc trong thơ, hoạ, nhất là trong trang trí tại các đình, chùa. Cả 4 loài cây ấy Yên Tử đều có. Trong đó, trúc đã được Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn làm tên khai sinh cho phái thiền của ngài: Trúc Lâm - rừng trúc.
Vừa qua, tin Viện Nghiên cứu rau, quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) lai tạo, nhân giống thành công 2.500 cây mai Yên Tử với giống mai vàng Nam Bộ làm nức lòng những người yêu hoa. Hiện ở Yên Tử còn khá nhiều cây mai cổ thụ, có nơi mọc thành đám như rừng. Đây là điều rất đáng quý, bởi nó đảm bảo rằng mai vàng Yên Tử được bảo tồn, phát triển.
Bên cạnh nỗi mừng với cây mai, những người quan tâm tới di sản văn hoá Yên Tử không khỏi âu lo với cây tùng. Ước tính, hiện ở Yên Tử còn khoảng hơn 250 cây, với 3 loại tùng, gồm: Thuỷ tùng (gỗ trắng), Thanh tùng (gỗ xanh) và Xích tùng (gỗ đỏ). Trong đó, Xích tùng cực kỳ quý hiếm, có tài liệu nói rằng ở nước ta, Xích tùng chỉ có ở Yên Tử. Tuy nhiên, sự tồn vong của các cây tùng Yên Tử là rất đáng lo ngại. Nơi có nhiều tùng nhất ở Yên Tử hiện nay là “Đường Tùng”, nằm bên dưới tháp Huệ Quang, dài khoảng 350m. Theo thống kê, trước ở đây còn 58 cây, nhưng nay chỉ còn 45 cây, số còn lại đã bị chết hoặc đổ do mưa bão. Trong 45 cây còn lại thì có 21 cây bị mục thân với các mức độ khác nhau. Ngoài tác động của thiên nhiên, thời gian (cây già) thì còn bởi con người gây ra. Những năm gần đây, số lượng người hành hương Yên Tử mỗi năm ngày một tăng. Hàng triệu bước chân đạp trên các rễ tùng khiến rễ của chúng bị nén chặt, ảnh hưởng tới quá trình lấy chất dinh dưỡng của cây.
Trên báo Thể thao & văn hoá số mới đây, TS Vũ Thế Long, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu môi trường của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã than: “Nghĩ thật bất công, “cụ rùa” ở giữa Hồ Gươm được cả nước lo lắng giữ gìn bảo vệ. Hàng trăm “cụ tùng” Yên Tử có tuổi ngót nghét 700 năm gắn liền với lịch sử vô cùng rực rỡ, oai hùng của dân tộc ta thì chẳng được chăm lo cho chu đáo”. Theo TS Long thì hơn chục năm trước, ông và các cộng sự đã cảnh báo có những cây tùng đang bị mối mọt và trơ rễ do thiếu bàn tay chăm sóc của người quản rừng, quản di tích. Nay trở lại thấy hàng tùng xưa vẫn còn nhưng đây đó đã có cây đổ gục, rễ trơ trên nền đất mà xót ruột.
Cũng cần nói rằng, tháng 9-2007, Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh đã mời Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng ACA (Hà Nội) lập đề cương dự án bảo tồn “Đường Tùng” Yên Tử. Tổng với kinh phí của dự án hơn 6 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Lập hồ sơ các cây tùng cổ, san lấp đất dinh dưỡng, kè chống sụt lở, giao thông... Tuy nhiên, theo một cán bộ của Ban cho biết dự án đã không được triển khai do không có kinh phí.
Còn nhớ mấy năm trước, TP Hà Nội đã phải lập dự án khẩn cấp để cứu cây đa ngàn tuổi tại di tích Cổ Loa. Bao tiền đổ vào nhưng cây đa vẫn chết do bệnh được cứu quá muộn. Tương tự, gần đây là tỉnh Tuyên Quang với cây đa Tân Trào. May mắn, do bệnh nhẹ hơn nên cây đa này đã được cứu sống. Trong khi đó, với những cây tùng Yên Tử, ngoài các lo ngại kể trên, cần nhớ rằng cho đến nay vẫn chưa thể nhân giống được loài Xích tùng.
Cũng theo TS Long thì nhiều cây tùng cổ có thể tồn tại hàng nghìn năm nếu như ta biết chăm sóc chu đáo. Những cây tùng vô giá bao năm qua gắn liền với lịch sử non thiêng Yên Tử. Chẳng lẽ để đến khi cây sắp chết rồi ta mới lập dự án nọ dự án kia để cứu tùng?
Liên kết website
Ý kiến ()