Các nước thuộc Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), gồm Mỹ và 13 thành viên ở châu Á, cuối tuần qua nhóm họp tại Detroit, Michigan, Mỹ, để bàn về các vấn đề thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế xanh và kinh tế công bằng.
Đại diện các nước đã đạt thỏa thuận về tăng chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu như chip, nguyên liệu thô quan trọng để giảm phụ thuộc vào bên ngoài. Các bên hy vọng sớm đưa ra văn bản về thỏa thuận này.
Theo thỏa thuận, các nước IPEF sẽ chia sẻ thông tin để tăng cường mua sắm trong khối và giúp đỡ lẫn nhau khi xảy ra tình trạng thiếu hụt. Động thái này được đưa ra sau khi đại dịch Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh tế của các nước IPEF.
"Thỏa thuận được đề xuất sẽ thiết lập kênh liên lạc khẩn cấp để các đối tác IPEF tìm kiếm sự hỗ trợ khi gián đoạn chuỗi cung ứng và tạo điều kiện chia sẻ thông tin, hợp tác trong lúc khủng hoảng. Điều này giúp phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực với các nền kinh tế đối tác", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo ra tuyên bố sau cuộc họp.
Theo đại diện chính phủ Mỹ và Nhật Bản, đây là thỏa thuận chuỗi cung ứng đa phương đầu tiên được hiện thực hóa kể từ khi IPEF ra đời.
IPEF ra mắt tại Tokyo, Nhật Bản, hồi tháng 5/2022, gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, New Zealand, Fiji và một số nước Đông Nam Á. Sáng kiến này nhằm tích hợp các đối tác thương mại vào những tiêu chuẩn đã được nhất trí trong 4 lĩnh vực chính, gồm kinh tế số, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và các biện pháp chống tham nhũng.
Ý kiến ()