Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:28 (GMT +7)
Mỹ thuật Quảng Ninh vượt khó
Thứ 2, 20/09/2021 | 15:17:23 [GMT +7] A A
Năm 2021 là một năm có nhiều biến động đầy thử thách, vì thiên tai cùng dịch bệnh kéo dài, làm kinh tế thế giới và cả Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Mọi ngành, mọi người như co cụm lại trước cơn bão khốc liệt của tai ương dịch bệnh, các hoạt động VHNT lâm vào trì trệ, mĩ thuật cũng không là ngoại lệ.
Để có những tác phẩm tham gia Triển lãm khu vực tổ chức hằng năm do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng địa phương đăng cai tổ chức, anh em họa sĩ thường tổ chức đi thực tế, vào các địa phương để tìm đề tài, tạo cảm hứng sáng tác, nay do dịch bệnh nên hầu như không thể tổ chức được. Để tháo gỡ, lãnh đạo Hội VHNT tỉnh đã họp bàn cùng Chi hội mỹ thuật xem xét nguyện vọng của hội viên để tìm giải pháp khắc phục. Đó là vẫn mở trại sáng tác, nhưng thay vì tổ chức các chuyến đi thực tế nay đầu tư cho các tác giả đã có sẵn đề cương và phác thảo, gửi về hội để hội căn cứ vào chất lượng phác thảo và nội dung phù hợp, sẽ đầu tư một phần kinh phí để họa sĩ thể hiện tác phẩm.
Với cách làm trên, anh em sáng tác rất phấn khởi, mỗi người tạm gác những khó khăn riêng của gia đình để yên tâm vào sáng tác. Trong quá trình làm việc, vì dịch bệnh không đến cùng nhau để góp ý được, nhưng anh em vẫn gửi cho nhau những tìm tòi mới sáng tác để cùng nhau góp ý trên zalo hoặc messenger, nên quá trình sáng tác vẫn rất hiệu quả. Với cách làm trên, anh em đã sáng tác rất nhiều tác phẩm chất lượng, đặc biệt năm nay có nhiều họa sĩ tuổi đã cao vẫn hăng hái sáng tác.
Đơn cử như tác giả Hoàng Ngọc Châu (80 tuổi) có tác phẩm sơn dầu “Chơi thả diều”, thông qua đó ông muốn gửi gắm ước mơ và niềm vui của tuổi thơ, từ những cánh diều bay vào không gian rộng mở. Tác giả Nghiêm Vinh (77 tuổi) có tác phẩm “Giếng Rừng”, chất liệu Acrylic. Ông muốn trở về những kỷ niệm vui, buồn một thuở, thông qua giếng nước cùng những cây lim cổ đã gắn bó từ thời ấu thơ. Tác giả Vũ Tư Khang (76 tuổi) mặc dù vừa điều trị từ bệnh viện về, vẫn rất hăng hái tham gia hai tác phẩm “Buổi sáng ở Bằng Cả”, chất liệu phấn màu và tác phẩm “Thuần nông” khắc gỗ màu. Cả hai tác phẩm thể hiện cách vẽ thiên về trang trí và cùng chất hồn nhiên của tác giả...
Với mảng đề tài thời sự về dịch bệnh Covid-19, tác giả Trần Văn Chung có tác phẩm “Bán hàng thời Covid”, thể hiện cảnh xe một người lai hàng đi dưới dãy phố, với gam màu xám, buồn. Bức tranh muốn nói tới sự khốc liệt của dịch bệnh và bày tỏ sự cảm thông của tác giả. Cùng chung đề tài đó, tác giả Lê Hải Thanh lại thể hiện trong một tác phẩm có cảnh gia đình đang bình yên trong mui thuyền tại một bến sông, đối lập là sự hỗn loạn của ánh sáng đèn màu cùng các sinh hoạt xô bồ của một đô thị trong tác phẩm khắc nhựa “Bình yên”.
Tác giả Đặng Đình Dũng với tác phẩm “Mặt nạ” chất liệu Acrylic, tác phẩm có tính ẩn dụ cao, với cách vẽ trang trí thể hiện các mặt nạ của tuồng cổ, mỗi mặt nạ đại diện cho một địa vị riêng trong xã hội, một tính cách riêng thông qua họa tiết trên mặt nạ. Tác giả còn bổ sung một số họa tiết để nhấn mạnh thêm, làm rõ cho chiếc mặt nạ đó. Đây cũng là một tìm tòi mới của Đặng Đình Dũng, hi vọng với cách tìm tòi này, tác giả sẽ tiếp tục khai thác và tương lai sẽ giới thiệu tiếp những tác phẩm mới.
Tác giả Đặng Kiều Hưng có tác phẩm “Đối thoại trực tuyến” chất liệu Acrylic, thể hiện một mặt nạ phòng độc gần như cách biệt với xung quanh trong một hòa sắc tím đậm. Bao phủ là một không gian nhiều mây, lồng trong đó có hình ảnh của chim, cá và nhiều khối hình có tính ẩn dụ, đưa người xem phải suy tư cùng tác giả, đây cũng là tìm tòi riêng của anh. Tác giả Hà Quý Phong đưa ta ngược lên cao nguyên đá, với những vất vả, ngược xuôi của trẻ em dân tộc vùng cao. Tác phẩm miêu tả cô bé với những bó cỏ khô nặng trĩu cùng chú chó nhỏ làm bầu bạn, vất vả nhưng em vẫn cho ta một niềm tin vào một tương lai tốt đẹp qua tác phẩm sơn dầu “Tuổi thơ miền đá”.
Cùng chung một đề tài dân tộc, tác giả Bùi Tân Việt lại thể hiện trong tác phẩm lụa “Nghề truyền thống”. Các nhân vật trong tranh được phân đều trong toàn tranh, cách vẽ ước lệ, đậm chất trang trí giữa người và màu, tranh có nhịp điệu, ít màu nhưng vẫn gợi được nhiều điều cho người xem. Tác giả Đào Thế Am có tác phẩm lụa “Bài ca người lính 2” thể hiện tinh thần của những chiến sĩ hải quân Việt Nam giữa trùng khơi, trên đảo xa vẫn vui ca hát, thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng.
Với đề tài lãnh tụ, tác giả Nguyễn Sỹ Chuyên có tác phẩm “Bác Hồ thăm đảo Cô Tô”, thể hiện được lần Bác Hồ ra thăm đảo khi Bác đang trò chuyện cùng bà con nông dân trên một ruộng khoai. Tác phẩm đã tạo được sự giản dị của lãnh tụ cùng những người nông dân chất phác. Tác giả Đinh Công Tuyến với bút pháp chắc chắn, tỉ mỉ đã ghi được cảnh chiều sầm uất trên bến dưới thuyền trong tác phẩm bột điệp “Chiều bến chợ Hạ Long”. Tác giả Vũ Văn Hùng với cách vẽ khỏe, chắc trong tác phẩm “Sơn dầu mùa vắng”, thể hiện một khúc sông quê vắng lặng nhưng có hồn, rất ấn tượng với con chó đang ngậm chiếc khẩu trang. Hình tượng đó đã để lại cho người xem nhiều suy tư và ẩn dụ.
Tác giả Bùi Quang Minh năm nay tham gia hai tác phẩm bột màu với cách vẽ mềm mại, hài hòa giữa hình và màu, đã tái hiện được vẻ đẹp của một buổi cấy mạ trong tác phẩm “Bình Liêu ngày mới” cùng những hình nước in bóng thuyền trong một hòa sắc xanh dịu ở tác phẩm “Buổi sáng ở bến Do”. Tác giả Hoàng Văn Tại có bức sơn dầu “Tuần tra trên đảo”, tranh có hòa sắc mạnh tả khối đá, giữa sóng nước nơi đảo xa, tạo một bức tranh đẹp đẽ về hình và màu. Tác giả Nông Quốc Hiệp có bức dệt thổ cẩm, chất liệu Acrylic, tả cô gái dân tộc thật duyên dáng bên khung dệt, xung quanh là những tấm thảm thổ cẩm đầy màu sắc.
Tác giả Vũ Quý có bức “Vùng cao”, chất liệu sơn dầu, với cách vẽ tả thực nhưng cũng hơi chuyển sang ước lệ, miêu tả các mảnh xanh ve cùng những khoảng trống lớn, tạo không gian mờ ảo, gợi một đường núi mờ sương. Tác giả Lê Minh Đức có hai bức sơn dầu có tên là “Biển vắng”, thể hiện một vùng biển không người, chỉ có gành đá và sóng vỗ, không gian tĩnh lặng buồn nhưng sâu lắng. Tác giả Nguyễn Thị Thiền tham gia hai bức lụa “Hạ Long trong tôi 1 và 2”, thể hiện tình yêu Hạ Long thông qua những cánh buồm cùng trời mây non nước Hạ Long trong một hòa sắc lung linh huyền ảo.
Tác giả Nguyễn Viết Quang năm nay có nhiều đổi mới qua nhóm tượng “Lễ hội Tây Nguyên”, thể hiện nhóm dân tộc với sắc phục dân tộc đang làm nghi lễ ăn mừng ngày thu hoạch lúa mới. Các dáng người được tác giả cách điệu, động tác đặc trưng đầy tính ẩn dụ, phía sau nhóm người là cây nêu có gắn chiếc cồng biểu tượng cho văn hóa Tây Nguyên. Đây là sự tìm tòi mới của tác giả, sau chuyến đi Tây Nguyên đã tác động đến anh rất nhiều, hy vọng sau tác phẩm này anh sẽ tiếp tục phát huy vì đây cũng là đề tài anh yêu thích, tin rằng sẽ phù hợp cho gu sáng tác của anh.
Ngoài ra, kỳ này Nguyễn Viết Quang còn có một tượng có tiêu đề “Người Dao bản Tà Phìn”, tác phẩm tả một cô gái có dáng thô khỏe cùng khuôn mặt được cách điệu đặc trưng của dân tộc Dao. Kỳ này, anh em còn gửi nhiều tác phẩm của các tác giả Nguyễn Tùng Lâm, Nguyễn Hiệp, Vũ Văn Phong, Bùi Văn Thể, Trần Hương Thủy, Mai Văn Trường…
Do tình hình dịch bệnh, các tác phẩm của anh em hội viên gửi về tham dự không được treo tại triển lãm khu vực, vì vậy Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh quyết định treo số tác phẩm tham dự triển lãm khu vực tại phòng trưng bày của hội. Qua đó đã chọn được 38 tác phẩm trong số 58 tác phẩm của anh em gửi về để trưng treo, chào mừng kỷ niệm quốc khánh 2/9. Vì điều kiện dịch bệnh không tổ chức khai mạc, nhưng anh em hội viên vẫn tới xem rất đầy đủ và tuân thủ giãn cách theo quy định.
Trong điều kiện dịch bệnh, để có triển lãm mỹ thuật lần này, đó là sự quan tâm của lãnh đạo hội, và sự cố gắng của từng hội viên đã vượt qua khó khăn tập trung vào sáng tác, mỗi người mỗi vẻ, phong phú về phong cách, đã tạo được một phòng tranh đẹp nơi vùng đất sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Vũ Quý (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()