Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:35 (GMT +7)
Năm học mới, hy vọng mới
Thứ 3, 16/08/2022 | 09:42:05 [GMT +7] A A
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, tiếng trống khai trường sẽ rộn ràng vang lên ở các trường học trong cả nước. Trong không khí hân hoan, náo nức, đón chờ một năm học mới với những hy vọng mới, học sinh ở khắp mọi miền trong tỉnh đều được phụ huynh, người thân quan tâm, mua sắm những tấm áo mới, cặp sách mới, tạo tâm lý hào hứng tới trường. Tại các trường học cũng đều đang tập trung triển khai những công đoạn cuối cùng nhằm ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên, chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất. Diện mạo trường lớp nhiều đổi thay chắc chắn sẽ là tín hiệu tích cực giúp thầy và trò ở các địa phương hăng hái thi đua dạy tốt, học tốt, quản lý tốt.
Tận tình vận động học trò ra lớp
Năm nào cũng vậy, cứ tầm cuối tháng 7, đầu tháng 8 là nhiều giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh lại phải lặn lội băng rừng, vượt đồi, vượt suối, đến tận nhà từng học sinh, trẻ mầm non để thông báo lịch học, vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con em trở lại trường, để đảm bảo học sinh không bỏ lớp sau thời gian nghỉ hè.
Cô giáo Lô Thị Xuân, SN 1980, Trường Mầm non Húc Động (huyện Bình Liêu) là một trong những giáo viên tận tụy như vậy. Gắn bó với ngôi trường Mầm non Húc Động đã 5 năm nay, dù đã có nhiều kinh nghiệm tuyên truyền trẻ ra lớp, song mỗi lần đi vận động đều mang đến cho cô những cung bậc cảm xúc khác nhau. Vất vả, nhọc nhằn nhưng với sự kiên trì, nhiệt huyết, lòng yêu nghề, mến trẻ, nhiều phụ huynh sau khi được cô giải thích cặn kẽ đã hiểu, đồng thuận cho con ra lớp.
Cô giáo Lô Thị Xuân tâm sự: Trường tôi đang dạy có 5 điểm trường, gồm 1 điểm trung tâm và 4 điểm lẻ. Ngày mới về trường, tôi dạy ở điểm Khe Vằn, sau đó, tôi được điều chuyển về điểm Trung tâm rồi sang điểm Khe Mó. Ở các nơi công tác, tôi đều cố gắng, nỗ lực và coi trẻ như con ruột của mình.
Trường Mầm non Húc Động nơi cô Xuân đang giảng dạy nằm ở xã Húc Động, có 7 thôn, bản với 99,4% dân tộc thiểu số. Người dân chủ yếu làm rừng, đi sớm về khuya, lại khó liên lạc nên mỗi lần đi vận động, tuyên truyền, cô cùng đồng nghiệp phải đi tầm chiều tối, lựa thời gian các phụ huynh có mặt ở nhà.
Cô Xuân bộc bạch thêm: Điểm Khe Mó mà tôi dạy năm nay dự kiến đón 47 trẻ. Điểm trường này có trẻ sống ở 2 thôn là Thông Châu và Khe Mó. Trong đó, gần chục gia đình trẻ nhà ở thôn Thông Châu đi đến trường khó khăn, có một đoạn khoảng 1 cây số đường đất, nhỏ hẹp, cua dốc. Nếu tay lái không vững hoặc gặp trời mưa to thì phải cuốc bộ vì rất khó đi xe máy. Vì thế, ban đầu, nhiều phụ huynh còn chần chừ, băn khoăn chưa muốn đưa con em, đặc biệt là trẻ độ tuổi 24-36 tháng ra học. Nhưng khó đến mấy chúng tôi cũng không bỏ cuộc. Tôi tìm mọi cách, gần gũi, trò chuyện với cha mẹ các em để họ tin tưởng, thấu hiểu và vui vẻ đồng thuận.
Cô Xuân chỉ là một trong rất nhiều giáo viên vùng cao của tỉnh đang ngày ngày bám trường, bám bản, nhiệt huyết với nghề, tận tụy, âm thầm vận động học trò ra lớp trước thềm mỗi năm học. Tại những địa phương như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên hay một số xã vùng cao ở TP Hạ Long... do học sinh trên địa bàn chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều thôn bản, dân cư ở rải rác, giao thông đi lại cách trở nên khi được nghỉ hè dài ngày sẽ tạo cho các em tâm lý ngại tới trường và phụ huynh thì muốn con cái họ ở nhà phụ việc nương rẫy. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến sĩ số học sinh cũng như chất lượng giáo dục đầu năm học.
Thầy giáo Hoàng Trung Dũng, dạy ở điểm trường Cao Sơn, Trường Tiểu học Hoành Mô (huyện Bình Liêu) chia sẻ: Nhiều lúc, chúng tôi phải “ăn dầm, nằm dề” tại nhà học sinh, cùng ăn với họ, học ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số, tỉ tê, trò chuyện như những người thân thì phụ huynh mới chấp nhận cho con em họ tiếp tục quay lại trường. Khi gặp trở ngại trong việc thuyết phục phụ huynh, tôi phải nhờ tới sự giúp đỡ của các trưởng thôn, bản hoặc những người có uy tín.
Trường lớp thay “áo mới”
Cùng với việc nỗ lực vận động học trò ra lớp, đảm bảo sĩ số đầu năm học, tại một số trường học còn được tỉnh, các địa phương dành nguồn lực lớn, tu sửa, xây mới cơ sở vật chất, đảm bảo trường lớp học khang trang, hiện đại, xanh sạch đẹp ngay trong ngày khai giảng 5/9.
Được đầu tư xây mới với tổng kinh phí 9,6 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, điểm trường Khe Pụt, Trường PTDT Bán trú TH&THCS Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) nay đã có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học khang trang, đồng bộ. Công trình này được khởi công từ tháng 2/2022 và đã hoàn thành vào tháng 6 vừa qua. Gồm các hạng mục: Xây mới 1 dãy nhà 2 tầng với 5 phòng học, 2 phòng chức năng, 2 phòng công vụ; cải tạo, nới rộng 1 dãy nhà 1 tầng gồm: Phòng kho, phòng ăn, khu vực bếp, khu nhà vệ sinh cho học sinh.
Thầy Hoàng Đình Thỏa, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú TH&THCS Thanh Sơn, cho biết: Trường hiện có 3 điểm trường. Trong đó, điểm trường Khe Pụt cách điểm Trung tâm tầm 5 cây số. Năm học này, điểm trường này dự kiến sẽ đón 66 học sinh, đều là dân tộc Sán Chỉ. Công trình sẽ đưa vào sử dụng từ năm học mới 2022-2023, giúp nhà trường thực hiện có hiệu quả việc dồn ghép điểm trường. Các em không phải học tại các cơ sở nhà cấp 4 hay nhà lắp ghép cũ kỹ, không đảm bảo an toàn mỗi mùa mưa bão.
Năm nay, ở khối tư thục, các trường cũng chủ động hơn, tích cực bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, nâng chuẩn về đội ngũ, nhằm thu hút học sinh theo học, tạo sự tin tưởng tới các bậc phụ huynh. Ông Phạm Minh Vĩnh, Phó Chủ tịch HĐQT Trường Phổ thông liên cấp Đoàn Thị Điểm Hạ Long (TP Hạ Long) cho biết: Năm học mới, Trường có trên 1.100 học sinh, tăng khoảng 200 học sinh so với năm trước, được bố trí thành 39 lớp. Để các em được đến trường với môi trường học tập tốt nhất, nhà trường đã sắm toàn bộ bàn ghế mới cho các lớp, sơn lại toàn trường, xây thêm khu để xe cho học sinh, bổ sung thêm 5 ti vi thông minh.
Những ngày này, công tác chỉnh trang trường lớp đang được các trường trong tỉnh tích cực thực hiện, nhằm cải tạo cảnh quan sư phạm, môi trường học tập. Cây xanh được cắt tỉa, lớp học sạch đẹp, trang trí lại khuôn viên trường, trang thiết bị dạy và học đã sẵn sàng để đón học sinh thân yêu vào năm học mới.
Cô giáo Trương Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Thanh (TP Uông Bí) chia sẻ: Dự kiến, năm học này, Trường sẽ đón 270 trẻ, bố trí thành 10 lớp. Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã chuẩn bị chu đáo mọi khâu công việc, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn. Các cô giáo trong Trường cũng chủ động làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo cho trẻ bằng những vật dụng thiên nhiên, ở địa phương, để các em có được môi trường học tập thân thiện. Trên tinh thần tất cả vì trẻ mầm non thân yêu, giáo viên và nhân viên nhà trường đều phấn khởi, tích cực tham gia để chuẩn bị trước thềm năm học mới.
Năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng, tác động lớn bởi dịch Covid-19 song sự ưu tiên đặc biệt của tỉnh cho giáo dục vẫn không hề thay đổi. Thậm chí, giáo dục còn được quan tâm nhiều hơn trước. Toàn ngành đã cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình nhà vệ sinh tại 87 trường học khoảng 71,3 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các phòng học không đảm bảo an toàn, xóa phòng học tạm tại 89 trường học trên 189 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa nâng cấp thư viện phát triển văn hóa đọc cho trường tiểu học hơn 29,2 tỷ đồng; mua sắm thiết bị lớp 1, lớp 2 và lớp 6 với số tiền 218,9 tỷ đồng.
Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho biết: Chỉ tính riêng năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây mới, cải tạo các công trình trường học trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Qua đó, không chỉ đảm bảo các điều kiện cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, mà còn tạo môi trường học tập khang trang cho học sinh các cấp học trên địa bàn.
Theo Sở GD&ĐT, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh hiện nay đã khá đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, được sắp xếp theo hướng tinh gọn nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Theo số liệu rà soát, năm học mới, tỉnh có 645 cơ sở giáo dục với hơn 340.000 trẻ mầm non và học sinh các cấp học, trên 88% số trường đạt chuẩn quốc gia. Khoảng cách giáo dục giữa miền núi và miền xuôi đã thu hẹp đáng kể so với trước, đảm bảo cho học sinh mọi nơi đều bình đẳng để tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất.
Một năm học mới sắp bắt đầu với nhiều hy vọng mới. Tin tưởng, kỳ vọng, trong năm học này, thầy và trò trên địa bàn toàn tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, phát huy hơn nữa trí tuệ, bản lĩnh, đẩy mạnh thi đua dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, góp phần ươm những mầm xanh tương lai của đất nước.
Năm học 2022-2023, Quảng Ninh có trên 340.000 học sinh các cấp học. Để học sinh đến trường an toàn, Sở GD&ĐT yêu cầu các địa phương đẩy mạnh phổ biến, quán triệt, truyền thông mạnh mẽ, thường xuyên tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và phụ huynh học sinh về các yêu cầu, nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, ngành, địa phương và các cơ quan cấp trên. Các nhà trường thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi đến trường, đảm bảo an toàn môi trường học đường, không để các trường hợp có các biểu hiện như sốt, ho hoặc có các yếu tố dịch tễ khác liên quan đến một số loại dịch bệnh đang diễn ra hiện nay.
|
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()