Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:48 (GMT +7)
Cẩm Phả: Nan giải bài toán xử lý nước thải sinh hoạt
Thứ 5, 02/06/2022 | 06:48:23 [GMT +7] A A
Cẩm Phả là đô thị lớn thứ hai của tỉnh, có tốc độ đô thị hóa cao. Tuy nhiên, hầu hết nước thải sinh hoạt trên địa bàn hiện chưa được xử lý mà xả thẳng ra môi trường biển, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển bền vững của thành phố.
Kênh thoát nước thải thuộc phường Cẩm Sơn dòng nước thải đen đặc, bốc mùi xú uế, các loại rác thải sinh hoạt được thải trực tiếp ra biển. Theo người dân ở đây cho biết, tình trạng ô nhiễm đã diễn ra nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng hơn. Ông Nguyễn Công Quỳnh (khu Nam Sơn 1, phường Cẩm Sơn) nói: Người dân sống ở gần khu vực kênh thoát nước thải đều không dám mở cửa vì mùi hôi thối nồng nặc. Do là kênh hở, nên rác thải ngập ngụa, ruồi muỗi nhiều vô kể.
TP Cẩm Phả hiện có dân số trên 200.000 người. Do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa nhanh (khoảng 95,7%), nên lượng nước thải đô thị phát sinh trên địa bàn thành phố cũng rất đa dạng, ngày càng gia tăng. Theo thống kê, thành phố hiện có khoảng 30.000m3 nước thải sinh hoạt xả ra môi trường mỗi ngày. Phần lớn nguồn nước thải này chưa qua xử lý và đổ trực tiếp qua các kênh mương, chảy ra vịnh Bái Tử Long, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt nghiêm trọng tại các vị trí miệng xả.
Tình trạng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường đã diễn ra từ nhiều năm nay, là bài toán nan giải ở các đô thị lớn, trong đó có TP Cẩm Phả. Theo UBND TP Cẩm Phả, chi phí cho đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải cho toàn thành phố là rất cao. Ngân sách thành phố không thể đủ sức trang trải chi phí đầu tư cơ bản của các công trình này nếu không có hỗ trợ từ tỉnh hoặc các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác. Phí nước thải có thể thu được từ người sử dụng không thể đủ để trang trải chi phí vận hành và bảo trì, cũng không đáp ứng được chi phí của việc xây dựng và thay thế. Các khu vực thuộc đô thị cũ của Cẩm Phả tương đối chật hẹp, khó xây dựng, lắp đặt hệ thống thu gom nước thải.
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thời gian qua thành phố đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Trong đó, yêu cầu các cơ sở CCN và mỏ than trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Đến nay, các đơn vị này đã xây dựng được 28 trạm xử lý nước thải, công suất xử lý khoảng 344.000m3/ngày đêm. Đối với các khu đô thị, chung cư mới hình thành phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải nội bộ đảm bảo theo quy định. Thành phố cũng đang thực hiện việc cải tạo, kín hóa các kênh mương, cống thoát nước để đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu dân cư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, cho biết: Thành phố hiện chưa có nhà máy thu gom, xử lý nước thải. Do vậy trong quy hoạch chung phát triển thành phố đã đưa nội dung xây dựng nhà máy xử lý nước thải là nhiệm vụ quan trọng. Thành phố đã xây dựng Đề án “Xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị tập trung trên địa bàn TP Cẩm Phả”; đồng thời kêu gọi được nhà đầu tư Hàn Quốc vào nghiên cứu xây dựng nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn.
Theo Đề án, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom, xử lý tối thiểu 50% nước thải trước khi xả ra môi trường đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Đến năm 2030 đạt tối thiểu 75%, đến năm 2035 cơ bản hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải toàn thành phố. Lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải là dịch vụ công ích, có mức đầu tư lớn, khó thu hồi vốn, trước nay chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách và vốn vay ODA, nên thành phố đang tích cực kêu gọi các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để có thể sớm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt ở TP Cẩm Phả không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà còn ảnh hưởng đến môi trường ven bờ của vịnh Bái Tử Long, các hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, việc kêu gọi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước thải tại TP Cẩm Phả cũng như các địa phương khác trong tỉnh là rất cần thiết. Tuy nhiên cần phải có những giải pháp đồng bộ, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù để hấp dẫn các nhà đầu tư. Có như vậy, các dự án mới mang tính khả thi, góp phần nâng cao chất lượng môi trường, phát triển kinh tế bền vững.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()