Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:27 (GMT +7)
Nan giải chuyện giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan nơi công cộng
Chủ nhật, 09/07/2023 | 16:21:38 [GMT +7] A A
Liên tiếp gần đây xuất hiện việc "bỏ quên rác" ở nơi công cộng, bị cộng đồng mạng lên án. Trong khi công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức hiệu quả chưa rõ nét, chuyện xử phạt lại chưa đi vào thực tế, khiến việc bảo vệ, đảm bảo vệ sinh, cảnh quan môi trường nơi công cộng còn tương đối khó khăn.
Muôn vàn chuyện xả rác
Được đưa vào sử dụng chừng 4-5 năm nay, Công viên Hoa Hạ Long được xây dựng trên cơ sở toàn bộ diện tích của Công viên Hạ Long cũ, là nơi vui chơi giải trí, nghỉ ngơi của người dân TP Hạ Long. Thế nhưng gần đây đã có nhiều người, các thành viên mạng xã hội lên tiếng về việc xả rác, gây mất vệ sinh môi trường, việc phá hoại tài sản công cộng ở đây.
Gần nhất là sự việc một đoàn người sau khi liên hoan ở thảm cỏ công viên đã để lại rác thải vào ngày 5/5/2023. Sự việc này tiếp tục dấy lên phản ứng của cộng đồng mạng.
Trên mạng xã hội của nhóm Otofun Quảng Ninh, tài khoản Long Pro cũng lên án và chia sẻ về tình trạng hút thuốc, xả rác vô ý thức của một vài cá nhân ở nhà vệ sinh công viên này. Cùng chung sự bức xúc đó, tài khoản Vũ Hoàn phản ánh: Thế chưa ăn thua gì. Một số còn vất tàn thuốc vào bồn cầu nhà vệ sinh, gây hư hại, hỏng hóc tài sản…
Tài khoản Bùi Hải Ly thông qua sự việc này cũng phản ánh tình trạng mất vệ sinh ở những nơi công cộng, ngõ xóm, khu dân cư. Chị chia sẻ bức xúc: Chuyện vất rác nơi công viên chúng tôi đã biết nhiều rồi. Mà thế đã là gì. Nhiều khi sáng ra mở cổng thấy chân tường cổng ướt và tóp thuốc dở vứt lại. Chả hiểu sao giờ còn những người ý thức như vậy!
Quả thật, vấn đề mà bạn Bùi Hải Ly chia sẻ trên mạng xã hội cũng là tình trạng chung ở nhiều nơi, đặc biệt các điểm công cộng, như: Công viên, quảng trường, bến xe, thậm chí là các điểm ít người qua lại, các tường rào nơi công cộng...
Chị Vũ Ngọc Nga (chợ Hạ Long 2, phường Yết Kiêu) chia sẻ về câu chuyện này: Xung quanh chợ có nhiều thùng rác, có nhà vệ sinh riêng. Thế nhưng nhiều khi các tuyến đường vỉa hè xung quanh chợ, đặc biệt đoạn vỉa hè khang trang kề QL18, cạnh chợ vẫn là chỗ xả rác, đôi lúc còn thành “nhà vệ sinh công cộng”. Các hộ kinh doanh kề đó hoặc dân cư ở đoạn này phải hứng chịu cảnh mất vệ sinh dù đã có biển cảnh báo”.
Dạo quanh một vòng qua các tuyến phố chính ở TP Hạ Long, còn dễ thấy việc hình thành “rác tường”, hành vi vẽ bậy… ở các nơi công cộng xuất hiện khá nhiều. Không ít đoạn đường, tường đẹp vừa làm, vừa sơn xong đã bị vẽ chi chít, dán đủ loại quảng cáo… Có thể thấy, việc không giữ vệ sinh, cảnh quan, xả rác nhiều nơi được phản ánh trên chỉ là số ít trong tình trạng chung diễn ra ở nhiều nơi công cộng khắp các đô thị.
Việc này xuất phát từ ý thức kém của một bộ phận người dân. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người dân sống quanh khu vực Quảng trường 30/10 (TP Hạ Long) cho biết, bản thân họ cảm thấy xấu hổ khi nhìn cảnh thảm cỏ, vườn hoa bị người dân sử dụng làm nơi cắm trại hay tổ chức ăn uống làm hỏng, xả rác vương vãi tứ tung, thậm chí là đốt phá.
Có thể thấy ngoài ý thức kém, một bộ phận người dân, giới trẻ có tâm lý “cha chung không ai khóc”. Những biểu hiện thiếu văn minh kéo theo hàng loạt hệ lụy xấu nếu mỗi cá nhân không biết kiểm soát chính mình.
Làm sao giải quyết triệt để?
Việc xả rác, không có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường những nơi công cộng dường như đã trở thành vấn nạn khó xử lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hiện tượng vứt rác bừa bãi là do địa phương chưa bố trí đủ thùng rác ở các nơi.
Đây cũng là điều đáng lưu ý, tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra hiện tượng xả rác ngay bên dưới biển cấm đổ rác, dưới chân thùng rác. Như vậy có thể thấy, chủ yếu đây là hành vi, thói quen xấu, cố tình của một bộ phận người dân, bạn trẻ. Giữ sạch sẽ cho bản thân mà xả rác ra nơi công cộng biểu thị cho hành vi ứng xử thiếu văn hóa, kém hiểu biết.
Có thể thấy, hàng ngày còn có nhiều hành vi chưa đẹp như vậy xảy ra. “Phải tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ và có chế tài xử lý thật tương thích đối với những người có hành vi thiếu văn hóa, xả rác thải, đập phá vật dụng, công trình nghệ thuật trong công viên. Làm như vậy thì dần dần người dân mới có ý thức chung. Việc xả rác đồng nghĩa với việc gây ô nhiễm môi trường, làm giảm sự hấp dẫn của điểm đến, giảm lượng khách tới các thắng cảnh, điểm đến công cộng” - anh Nguyễn Văn Thanh (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) lái xe taxi phục vụ du khách ở khu vực Quảng trường 30/10, bộc bạch.
Trên thực tế trong tỉnh, Bộ quy tắc về ứng xử văn minh trong du lịch đã được ban hành nhưng gần như bị bỏ ngỏ. Quy định xử phạt xả rác bừa bãi cũng đã có nhưng không phải ai cũng biết đến, không nói là chuyện xử phạt. Việc xử lý vì thế cũng có nhiều bất cập, khó khăn. Ông Trần Doãn Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Các dịch vụ công ích TP Hạ Long, đơn vị quản lý Công viên hoa Hạ Long, chia sẻ: Đối với các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường, thậm chí việc cố tình làm hỏng, đánh cắp tài sản công cộng ở các nhà vệ sinh trong Công viên hoa Hạ Long thì việc ngăn chặn, xử lý cũng gặp nhiều khó khăn.
Trước mắt, chúng tôi chỉ nhắc nhở những tình huống vi phạm lần đầu, khi xả rác bừa bãi, gây mất vệ sinh môi trường. Về lâu dài nếu tiếp tục tái diễn hoặc gây hư hại tài sản, chúng tôi sẽ phối hợp, bàn giao cho chính quyền sở tại đề nghị xử lý nghiêm để răn đe, tránh tái diễn ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan khu Công viên.
Thời gian qua, Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định về xử phạt xả rác, gây ảnh hưởng tới môi trường công cộng. Trước hết là sự ra đời của Nghị định 155/2016 của Chính phủ xử phạt tăng gấp 10 lần với hành vi tiểu bậy, vứt rác bừa bãi… Sau đó, Nghị định 28/2017/NĐ-CP xử lý nặng hành vi treo, đặt, dán quảng cáo, phát tờ rơi và chủ nhân của quảng cáo… Tuy đã có 2 Nghị định quy định rõ ràng, cũng như đưa ra chế tài, hình phạt cụ thể nhưng tình hình trên vẫn chưa suy giảm rõ rệt…
Theo chia sẻ của chính quyền địa phương thì việc xử lý chưa thực sự đi vào thực tế, còn nhiều bất cập. Bởi trên thực tế, điều quan trọng là ai phạt và phạt ai, phạt như thế nào… Một điểm khó khăn khác là việc áp dụng chế tài phải có bằng chứng để xử phạt… trong khi phương tiện ghi hình, hệ thống camera thông minh ở những địa điểm này còn thiếu. Hoặc việc làm sao để bố trí cán bộ chuyên trách cùng các thiết bị ghi hình bằng chứng cũng là một bất cập.
Để giải quyết triệt để vấn nạn rác trong môi trường, thiết nghĩ vẫn là cách thức tuyên truyền loại bỏ “rác” trong ý thức của một bộ phận người dân, các bạn trẻ. Khi mà công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chưa mang lại kết quả bao nhiêu, việc xử phạt lại chưa được hiện thực hóa thì vấn nạn xả rác nơi công cộng vẫn còn là câu chuyện buồn chưa có hồi kết.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()